Bài viết được viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đắc Nghĩa - Trưởng Đơn nguyên Chấn thương chỉnh hình - Đơn nguyên Chấn thương - Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Hiện nay, ở nước ta số bệnh nhân trẻ tuổi (< 50 tuổi) phải mổ thay khớp háng nhân tạo do hoại tử vô mạch chỏm xương đùi có xu hướng ngày càng tăng. Điều đáng ngạc nhiên: Rượu có thể là nguyên nhân hàng đầu gây hoại tử chỏm xương đùi. Theo thống kê của các Trung tâm Chấn thương chỉnh hình trong cả nước: có từ 60 - 100% số bệnh nhân mắc bệnh hoại tử chỏm xương đùi uống rượu thường xuyên (300 - 1500 ml "quốc lủi" / ngày).
1. Nguyên nhân gây bệnh
Giáo sư Miguel Cabanela, Viện sĩ Viện Hàn lâm Phẫu thuật viên Chỉnh hình Mỹ, Trưởng khoa Phẫu thuật Chỉnh hình Bệnh viện Mayo Clinic cũng rất ngạc nhiên khi mổ thay khớp háng toàn phần cho 20 bệnh nhân tại Hà Nội trong thời gian gần đây thấy có tới 16 bệnh nhân nam giới, tuổi từ 25 - 45, toàn trạng hoàn toàn khỏe mạnh, duy có một hoặc cả hai khớp háng bị hỏng nặng; không còn cách nào khác là phải mổ thay khớp nhân tạo. Ông đặt câu hỏi: Tại sao ở Mỹ hay châu Âu người ta cũng uống rượu nhiều mà sao ít gặp bệnh hoại tử chỏm xương đùi? Mặc dù cần phải có những nghiên cứu rộng hơn nhưng Giáo sư cũng đồng ý với tính chất "nguy cơ cao" của các loại rượu chưa được loại bỏ hết độc tố, được uống nhiều trong thời gian dài. Đặc biệt, các đối tượng bệnh nhân đều còn trẻ, hoạt động thường mạnh mẽ nên nhu cầu cung cấp máu cho chỏm xương đùi rất lớn. Rượu có thể gây nhiễm độc, làm tắc mạch, nhồi máu dẫn đến hoại tử chỏm xương đùi.
2. Triệu chứng
Một điều tai hại nữa của căn bệnh oái oăm này là: bệnh xuất hiện rất từ từ, thầm lặng. Người bệnh ban đầu chỉ cảm thấy mỏi hoặc đau rất mơ hồ vùng hông; nằm nghỉ thấy đỡ đau; chẳng thấy liên quan gì đến rượu. Có người cho rằng mình bị "bệnh thấp khớp", cũng chịu khó "đông tây y kết hợp" và thấy đỡ đau. Sau đó vài ba tháng đột nhiên đau dữ dội từ bẹn xuyên ra sau mông, khẽ nhúc nhích chân cũng đau, uống rượu vào càng đau hơn. Chụp phim X-quang thấy chỏm xương đùi bẹp dúm, méo mó. Chẳng còn cách nào cứu vãn tình thế. Đành phải mổ cắt bỏ phần khớp bị hỏng, thay bằng một bộ khớp nhân tạo.
3. Phòng và điều trị
Khớp nhân tạo ("Khớp giả") làm sao bằng được khớp thật của mỉnh? Vậy ta có thể tránh được tình trạng "vạn bất đắc dĩ" này không? Thật đơn giản: không nên uống rượu một cách vô tội vạ. Vẫn biết có câu "phòng bệnh hơn chữa bệnh" - rất đúng; tuy nhiên trong cuộc sống đời thường, không dễ gì thực hiện được một cách chuẩn mực phương châm này. Vì thế, những ai thấy vô cớ tự nhiên đau khớp háng nên đi tìm bác sĩ chuyên khoa xương khớp có kinh nghiệm. Ở giai đoạn đầu của bệnh, X-quang thông thường hầu như không phát hiện ra thương tổn. Duy nhất chụp Cộng hưởng từ có thể hướng ta tới chẩn đoán chính xác. Viện Hàn lâm Phẫu thuật viên Chỉnh hình Mỹ cũng chấp nhận Cộng hưởng từ 6 tháng 1 lần là phương pháp sàng lọc bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi cho những người có "nguy cơ cao" như: uống rượu nhiều, nghiện thuốc lá, có chấn thương vùng háng hay khớp háng có bệnh cũ, sử dụng nhiều steroid (Prednisolone, Dexamethasone...), nghề thợ lặn.
Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn I, II bác sĩ phẫu thuật có thể khoan giảm áp lõi chỏm để tăng tưới máu cho vùng chỏm bị "khô hạn". Phẫu thuật này rất nhẹ nhàng: chỉ cần rạch da khoảng 2 cm, định vị vùng hoại tử dưới màn tăng sáng, khoan một đường hầm dẫn máu từ phía mấu chuyển lớn qua cổ xương đùi vào lõi chỏm, tới tận vùng bị hoại tử. Bệnh nhân sẽ cảm thấy nhẹ nhõm ngay sau mổ. Trên 80% số chỏm hoại tử giai đoạn I, II được cứu sống, không phải mổ thay khớp. Tất nhiên bệnh nhân phải cai rượu và thuốc lá. Không may bệnh đã đến giai đoạn III - giai đoạn "rất tế nhị": vì khoan giảm áp gây hỏng thêm, ghép xương, tủy xương cho kết quả rất bấp bênh, thay khớp thì sớm quá, trong khi tình trạng đau của bệnh nhân có phần đỡ đi. Nhiều bác sĩ chỉ cho thuốc uống và chờ đợi, nếu bệnh chuyển sang giai đoạn IV (đau tăng, cứng khớp) thì chỉ định mổ thay khớp.
Mặc dù các loại khớp nhân tạo hiện nay ngày càng được cải tiến, có khả năng đáp ứng cho các loại bệnh lý, có độ bền tốt hơn, song thay khớp háng nhân tạo ở người trẻ tuổi vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Muốn có được kết quả chắc chắn, thủ thuật thay khớp nhân tạo nên để cho các phẫu thuật viên dày dạn kinh nghiệm thực hiện. Tất nhiên các phẫu thuật viên có đủ kinh nghiệm cũng cần phải được trang bị cả "một kho vũ khí hiện đại hoàn chỉnh" để đối phó với mọi vấn đề phát sinh trong quá trình phẫu thuật lắp đặt khớp nhân tạo.
Một điều nữa vô cùng quan trọng mà bệnh nhân nên biết rõ: phẫu thuật chỉ đóng góp 50% sự hoạt động thành công của một khớp háng nhân tạo - 50% còn lại chính là các bài tập Phục hồi chức năng kết hợp vật lý trị liệu đúng bài bản do các chuyên gia được đào tạo chuẩn mực cung cấp.