Hình ảnh X-quang u xương lành tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Đình Hùng - Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Khi phát hiện có khối u ở xương, người bệnh thường lo lắng không biết đó có phải là u xương lành tính hay ác tính. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh X quang sẽ đánh giá được tổn thương khi người bệnh mắc phải.

1. Đặc điểm chung

Phần lớn các loại u xương thường tiến triển lành tính. Tuy nhiên, có một số u có thể biến chuyển sang thành u ác tính, ví dụ như U tế bào khổng lồ giai đoạn 3. Lứa tuổi u xương thường gặp ở là tuổi còn trẻ và trung niên, một số loại u xương có yếu tố di truyền. Phẫu thuật cắt bỏ u khi:

● U to nhanh bất thường, đau (dễ ung thư hóa)

● U to chèn ép thần kinh, mạch máu và hạn chế tầm vận động của khớp.

● Ảnh hưởng thẩm mỹ.

2. Các loại u xương lành tính

  • U xương sụn

● U nội sụn

● U tế bào khổng lồ


Hình ảnh u nội sụn ở bàn tay trên phim Xquang
Hình ảnh u nội sụn ở bàn tay trên phim Xquang
  • Nang xương đơn độc

● U máu trong xương

● U nguyên bào sụn

3. Chẩn đoán u xương

3.1. U xương sụn

● Vị trí: u xương sụn chiếm ít nhất 45% khối u xương lành tính. U có khuynh hướng xảy ra ở hành xương dài, nhưng cũng có thể ở cột sống và xương sườn, phổ biến là ở hành xương dài. U hay gặp ở đầu dưới xương đùi và đầu trên xương cánh tay thường phát triển chậm.

● Tuổi: bệnh nhân thường dưới 20 tuổi tại thời điểm phát hiện đầu tiên.

● Đặc điểm: nhiều khối u xương sụn bẩm sinh có liên quan đến yếu tố di truyền. Khối u này có xu hướng làm cong xương dài và thường phát triển chậm. Sự thoái triển của u xảy ra ở 5 – 15% số ca thuộc nhóm này, nhưng cũng có nhiều trường hợp phát triển

● Hình ảnh X quang xương: có hình nấm sụn có cuống, bắt đầu từ hành xương gần sụn phát triển, và thường nghiêng hướng xa khớp. Tổn thương này ở tuổi trưởng thành hiếm khi phát triển rộng ra sau. Do đó, nếu khối u bất ngờ phát triển tăng kích thước cần sinh thiết và có phương án điều trị.

● Điều trị bằng phẫu thuật đối với khối u gây triệu chứng chèn ép, hay khó chịu tại chỗ, bao gồm cả việc loại bỏ cuống khối u. Khối u thứ phát cần loại bỏ hoàn toàn, trong số ít trường hợp cá biệt có thể phải cắt cụt chi.

3.2. U nội sụn

● Vị trí: u nội sụn chủ yếu gặp ở bàn tay, gồm cả xương bàn và xương ngón tay, tiếp đến là ở đầu trên xương cánh tay.

● Tuổi: tỷ lệ gặp ở nam và nữ là như nhau, và chiếm khoảng 10% số u lành tính. U nội sụn thường gặp ở lứa tuổi từ 10 – 70, trung bình khoảng 30 tuổi.

● Đặc điểm: tiến triển tự nhiên chậm và ít gây gãy xương bệnh lý. U ở vị trí như xương đòn, xương nhỏ ở bàn tay, bàn chân, khối u ở vị trí khác khó có thể sở được hoặc nhìn thấy.

● Hình ảnh chụp X quang xương: dạng nang, tổn thương mở rộng xuống thân xương ở xương dài. Không có phản ứng màng xương. Có các đốm calci hoá trong nang là hình ảnh đặc trưng. Đại thể là những hạt trắng xám cứng, thấu quang.

● Điều trị bằng nạo lấy u và ghép xương


Một tổn thương ở đầu dưới xương đùi có vôi hóa lốm đốm không đều điển hình của chất nền sụn
Một tổn thương ở đầu dưới xương đùi có vôi hóa lốm đốm không đều điển hình của chất nền sụn

3.3. U tế bào khổng lồ

● Vị trí: u tế bào khổng lồ (TBKL) là loại u phổ biến ở quanh gối, xương cùng, đầu dưới xương quay và đầu trên xương cánh tay.

● Tuổi: tỷ lệ nam/nữ là 3/2.

● Đặc điểm: tiến triển tự nhiên, không điều trị gì, sẽ dẫn đến khối u khổng lồ, gãy xương bệnh lý, và có thể hoại tử da ở trên khối u. Hầu như không gặp cho đến khi đóng sụn phát triển. U có khuynh hướng ở trung tâm vùng sụn phát triển và mở rộng ra xung quanh. Triệu chứng chính là đau, ít gặp ở gãy xương bệnh lý.

● Hình ảnh X quang xương: có thể thấy ở dạng nang mở rộng ra xung quanh. Bè xương bình thường, khu vực huỷ xương có hình dạng như bong bóng xà phòng, có phản ứng màng xương ít. Ở trong tổn thương này đầy những mô mềm màu nâu cam, không có calci hoá. U này có thể tái phát và trở thành ác tính.

● Điều trị bằng phẫu thuật loại bỏ khối u. Bệnh có thể hoàn toàn khỏi. Phẫu thuật nạo u và ghép xương là phương pháp điều trị chuẩn hiện nay. Nguy cơ tái phát là 40%. Nếu tái phát, cần sinh thiết để xác định lại thể u. Cần tiến hành phẫu thuật khi khối u có nguy cơ ác tính để loại bỏ khối u. Phẫu thuật nạo lấy u và ghép bằng xi măng sinh học không hiệu quả. Khi xạ trị cũng có ít tác dụng do nguy cơ sau xạ trị.

3.4. U máu trong xương

● Vị trí: u máu trong xương phổ biến ở hành xương của xương dài và ở cột sống, đặc biệt ở phía cung sau.

● Tuổi: thường gặp ở khoảng 20 tuổi. Tỷ lệ nam / nữ là bằng nhau.

● Hình ảnh X quang xương: thấy tổn thương lệch tâm hành xương chứa nang mở rộng với nhiều ngách. Những hốc nhỏ có vách mỏng ở trong. Khối u nhìn thấy là các hốc máu có màng mỏng ở ranh giới.

● Đặc điểm: Triệu chứng chính là đau và sưng. Gãy xương bệnh lý ít gặp. Những u loại này thường phá huỷ tại chỗ, nhưng không di căn.

● Điều trị gồm phẫu thuật lấy u Xạ trị được áp dụng chỉ với những tổn thương mà khó có thể phẫu thuật được. Khả năng tái phát khoảng 30 – 60%, và phụ thuộc: phẫu thuật lấy u, tuổi bệnh nhân( thường nguy cơ cao hơn ở bệnh nhân dưới 15 tuổi), và kích thước khối u ( u càng to, nguy cơ tái phát càng cao).

3.5. Nang xương đơn độc

● Vị trí: nang xương đơn độc có thể gặp ở tất cả lứa tuổi. Đây là tổn thương lành tính có khả năng tự khỏi.

● Tuổi: phần lớn gặp ở trẻ em từ 5 – 15 tuổi. Nam / nữ là 3/2.

● Hình ảnh X – quang xương: thấy nang xương có nhiều ngăn đặc biệt là thấu quang, ở đầu trên xương hoặc gần sụn phát triển. Lớp vỏ thường mỏng, không có phản ứng màng xương. Thường gãy xương bệnh lý ít hoặc không di lệch

● Đặc điểm: nang xương chủ yếu là chứa dịch với vỏ mỏng, dịch có thể như huyết thanh hoặc như máu. Tổn thương cũng đa dạng, từ to đến nhỏ, đôi khi phát hiện trên X quang trong khi đang tìm bệnh lý khác. Tổn thương này thường lan ra theo đường kính của hành xương. Gãy xương bệnh lý tự nhiên gặp ở 15% số ca mắc. U thường không có triệu chứng đến khi có gãy xương bệnh lý.

● Điều trị: trước đây, điều trị thường nạo bỏ u và ghép xương tự thân. Tái phát thường ở 20 – 50% số ca, và tỷ lệ này cao gấp đôi ở trẻ dưới 10 tuổi so với trẻ trên 10 tuổi. Nang hoạt động có nguy cơ tái phát cao hơn sau phẫu thuật và nguy cơ tổn thương tấm sụn phát triển. Kỹ thuật tiêm methylprednisolon là kỹ thuật mới, an toàn sau phẫu thuật. Kết quả khả quan với tỷ lệ tái phát 5 – 10%, và ít biến chứng.

Kết quả mong đợi cho đến khi gãy xương bệnh lý lành lại, và cần sinh thiết kiểm tra. Tuy sinh thiết khó vì tổn thương thực sự nhỏ, nhưng cần phân biệt với tổn thương u đơn độc.


Một tổn thương tiêu xương rõ, vị trí trung tâm ở đầu gần xương đùi. Đây là hình đặc trưng cho nang xương đơn độc
Một tổn thương tiêu xương rõ, vị trí trung tâm ở đầu gần xương đùi. Đây là hình đặc trưng cho nang xương đơn độc

3.6. U nguyên bào sụn

● Vị trí: Sụn phát triển quanh gối và đầu trên xương cánh tay là vị trí hay gặp. Đau lan vào khớp là triệu chứng chính, có thể sưng nề tại chỗ và hạn chế vận động khớp liên quan.

● Tuổi : 90% số ca từ 5 – 25 tuổi. Nam/nữ là 2/1.

● Hình ảnh X quang xương: biểu hiện tổn thương hủy xương. Tổn thương này không phát triển mở rộng như u tế bào khổng lồ. Thường u không xâm lấn vượt qua tấm phát triển dù đã đóng tấm phát triển này theo tuổi. Tổn thương này phát triển lệch tâm ở hành xương, và có các đường viền do calci hoá trong u.

● Điều trị bằng phẫu thuật nạo lấy u và ghép xương. Tỷ lệ tái phát từ 10 – 40%. Nếu tái phát, tiếp tục nạo lấy u và ghép xương. Không có chứng cứ nào chứng tỏ xạ trị và hoá trị có tác dụng với u nguyên bào sụn

● Đặc điểm: U xương lành tính phần lớn điều trị bằng phẫu thuật. Khi có u, người bệnh nên khám phát hiện sớm và điều trị kịp thời trước khi khối u thực sự ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động của cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: phauthuatxuongkhop.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe