Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Đau tức ngực là tình trạng rất thường gặp đối với tất cả mọi người. Không chỉ phổ biến ở người cao tuổi, đau tức ngực còn có xu hướng trẻ hóa dần và đi kèm với nhiều dấu hiệu khác nhau như: tức ngực khó thở, đau ngực buồn nôn, đau thắt ngực bên trái, bên phải, ở giữa kèm đau nhói ở tim.
1. Đau tức ngực là dấu hiệu của bệnh gì?
Đau tức ngực có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu là một cơn đau tức ngực thoáng qua thì đây chỉ là một triệu chứng nhỏ của các bệnh thông thường như ăn uống khó tiêu. Tuy nhiên, nếu tình trạng tức ngực diễn ra liên tục, liên quan đến gắng sức, lặp đi lặp lại với cường độ tăng dần thì nhiều khả năng đây là dấu hiệu của các bệnh lý đặc biệt nguy hiểm. Đau ngực do nhiều nguyên nhân, thường là do những nguyên nhân chính sau:
- Đau ngực do bệnh lý tim mạch.
- Đau ngực do bệnh lý phổi màng phổi.
- Đau ngực do bệnh lý vùng thành ngực.
Trong đó đau ngực do bệnh lý tim mạch thường đe dọa tính mạng con người nhiều nhất. Sau đây là một số bệnh gây đau ngực hay gặp.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về huyết áp cao không?
Huyết áp cao còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có triệu chứng. Thiếu hụt kiến thức về huyết áp cao có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là những câu hỏi trắc nghiệm vui giúp bạn hiểu đúng về bệnh cao huyết áp.1.1. Bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành gây ra bởi các mảng xơ vữa trong lòng động mạch, khiến cho sự lưu thông máu trở nên khó khăn hơn. Hậu quả là gây ra sự thiếu oxy cho tế bào cơ tim, dẫn đến tình trạng đau thắt ngực kèm đau nhói ở tim. Người bị bệnh mạch vành thường cảm thấy tim mình như bị thắt lại, vùng ngực bị đè nén và khó thở, đôi khi đau tức ngực bên trái dữ dội. Đặc biệt khi bệnh nhân biểu lộ cảm xúc như tức giận, xúc động, căng thẳng hay khi vận động quá sức thì cơn đau tức ngực bên trái lại càng trở nên trầm trọng hơn. Một dạng nguy hiểm của bệnh mạch vành, đe dọa tính mạng con người là Nhồi máu cơ tim
Đa phần tình trạng nhồi máu cơ tim xảy ra khi mạch máu bị tắc đột ngột do sự cản trở của huyết khối, làm chấm dứt dòng máu đến tim và gây tổn thương tim vĩnh viễn. Lúc này, bệnh nhân xuất hiện các cơn đau tức ngực bên trái trầm trọng, nặng nề, tim như bị bóp nghẹt, kèm theo đó là cảm giác sợ hãi, hoảng loạn. Thông thường, những cơn đau tức ngực do nhồi máu cơ tim có thể kéo dài đến hơn 15 phút.
1.2. Bóc tách động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất và quan trọng nhất của cơ thể, đảm nhận vai trò cầu nối cung cấp máu đến các cơ quan trong cơ thể. Bóc tách động mạch chủ là khi lớp nội mạc của động mạch chủ bị rách, khiến cho máu len lỏi vào bên trong, gây ra thiếu máu cục bộ và vỡ động mạch chủ. Đau tức ngực, choáng váng, khó thở, thậm chí ngất xỉu là những dấu hiệu của hiện tượng này. Đây là trường hợp cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến tính mạng, gây suy tim cấp và nguy cơ tử vong là rất cao.
Như vậy, đau tức ngực có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu nhận thấy bạn hoặc người thân có bất kỳ những dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kể trên thì đừng chần chừ, hãy gọi cấp cứu hoặc đến trung tâm y tế ngay lập tức.
1.3. Bệnh lý phổi và màng phổi
Như tràn khí màng phổi (thường xuất hiện đột ngột và kèm khó thở), viêm màng phổi, u phổi,...
1.4. Chấn thương ngực
Những chấn thương xảy ra ở vùng ngực thường khiến cho bệnh nhân đau tức ngực trái hoặc phải âm ỉ, do sự tổn thương khu trú tại mô mềm ở cơ ngực, thành ngực, hay xương sườn,... Đối với cơn đau gây ra bởi chấn thương ngực, mỗi khi người bệnh cử động cơ thể, di chuyển các cơ vùng ngực hoặc thậm chí là thở sâu, cũng khiến cho cơn tức ngực bộc phát
1.5. Một số bệnh liên quan đến thần kinh liên sườn
Đau tức ngực là biểu hiện của một số bệnh liên quan đến thần kinh liên sườn như bệnh lý vùng cột sống lưng.
1.6. Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản
2. Một số dạng đau tức ngực phổ biến
2.1. Đau tức ngực khó thở
Như đề cập ở trên, đau tức ngực khó thở có thể là biểu hiện của bệnh tim mạch vành. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, đau tức ngực khó thở gây ra bởi các tình trạng khá phổ biến như trào ngược dạ dày thực quản hay hẹp đường hô hấp tạm thời.
Ngoài ra, yếu tố tâm lý còn là nguyên nhân gây tức ngực khó thở, bởi vì tình trạng lo âu, căng thẳng, hồi hộp kéo dài thường ảnh hưởng đến nhịp thở, khiến chúng ta thở dốc, thở ngắt nhịp, dẫn đến thiếu oxy. Hậu quả là gây ra đau tức ngực khó thở và đau nhói vùng ức. Bên cạnh đó, các bệnh lý mang tính “trường kỳ”, như rối loạn mỡ máu, suy gan, suy thận, đái tháo đường cũng là nguyên nhân gây ra đau tức ngực, khó thở.
Đề hạn chế tình trạng này, bạn cần phải thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tránh căng thẳng, cân bằng công việc và kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan (nếu có).
2.2. Tức ngực ăn không tiêu
Ăn không tiêu là nguyên nhân gây đầy bụng, chướng bụng, đầy hơi (hoặc đầy nước), cảm thấy muốn nôn ra ngay sau khi ăn. Tình trạng này có thể kèm theo hoa mắt, chóng mặt, ợ chua, ợ nóng, gây cảm giác khó chịu, âm ỉ ở vùng dạ dày, nóng rát thực quản (ống nối từ họng xuống dạ dày, giúp đưa thức ăn từ miệng đi xuống dạ dày) và cảm thấy đau tức ngực ở giữa.
Với triệu chứng đầy bụng, tức ngực ăn không tiêu, bạn nên ưu tiên trong việc chọn lựa các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, chẳng hạn như sữa chua, chuối, đu đủ. Bên cạnh đó, tránh các món ăn nhanh, “chuyên gia” gây đầy bụng khó tiêu như thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, nước uống có ga,...
2.3. Đau tức ngực và buồn nôn
Đau tức ngực buồn nôn không phải là một loại bệnh. Đôi lúc, đây chỉ là biểu hiện xuất phát từ các vấn đề về tâm lý, tuy nhiên trong một số trường hợp, tình trạng đau tức ngực kèm buồn nôn đang muốn cảnh báo cho bạn về những tình huống tương đối nghiêm trọng sau đây:
- Trào ngược dạ dày thực quản: Axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích thích đầu mút các sợi thần kinh nằm ở biểu mô thực quản, tạo ra cảm giác đau nhói ở vùng ức. Bên cạnh đó, các chất bị trào ngược lên thực quản không chỉ là hơi và axit dạ dày, mà còn có cả thức ăn đang tiêu hóa, khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn và nôn.
- Bệnh lý đường hô hấp: Triệu chứng đau tức ngực, buồn nôn, khó thở còn có thể bắt nguồn từ nguyên nhân rối loạn hô hấp hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Hệ hô hấp bị ảnh hưởng khiến cho lượng oxy nạp vào cơ thể bị hạn chế, gây ra những cơn chóng mặt, đau thắt ngực và buồn nôn. Một số rối loạn hô hấp có thể là “thủ phạm” của tình trạng này là bệnh phổi tắc nghẽn, hen suyễn, phù phổi,...
- Giai đoạn đầu của thai kỳ: Lúc này, cơn tức ngực buồn nôn còn có thể gọi là... ốm nghén. Những biểu hiện của ốm nghén bao gồm: Buồn nôn, tức ngực kèm mệt mỏi, chán ăn, khó ăn, thay đổi khẩu vị bất thường. Điều này xảy ra do sự thay đổi đột ngột nồng độ hormone trong cơ thể khiến người phụ nữ mới mang thai sẽ có rất nhiều biến đổi về mặt cơ thể cũng như tâm sinh lý, trong đó bao gồm cả triệu chứng: Đau tức ngực và buồn nôn.
Bạn có thể phòng chống và hạn chế tình trạng đau tức ngực kèm buồn nôn bằng một số cách như: lối sống lành mạnh, luôn suy nghĩ tích cực, ăn uống phù hợp, hạn chế các chất kích thích và từ bỏ thuốc lá. Bên cạnh đó, nên đăng ký khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6-12 tháng để nắm được tình hình sức khỏe của bản thân và phát hiện sớm các bệnh lý xảy ra.
2.4. Đau tức ngực và ho
Ho luôn là điều khó chịu đối với tất cả mọi người, là nguyên nhân gây tổn thương thanh quản, đau tức ngực, đau nhói ở vùng ức. Những cơn ho và đau ngực thông thường sẽ tự hết sau một vài ngày hoặc sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên, khi cơn đau tức ngực diễn ra vào lúc sáng sớm, kèm theo ho khan, ho có đờm kéo dài nhiều tuần không khỏi và các loại thuốc trị ho, thuốc chống viêm cũng không có tác dụng, thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phổi.
Nguyên nhân của bệnh lý ác tính này phần lớn là do hút thuốc lá. Bởi lẽ, khi khói thuốc lá được hút vào trực tiếp qua miệng, người hút thuốc đã bỏ qua cơ chế bảo vệ đầu tiên là quá trình lọc ở mũi. Từ đây, khói thuốc ảnh hưởng đến cấu trúc của các tuyến tiết nhầy và làm thay đổi thành phần chất nhầy. Hơn nữa, các tuyến tiết chất nhầy có thể bị tắc, khiến cho khả năng bài tiết đờm bị giảm đi. Hậu quả của quá trình này là chất nhầy bị nhiễm hàng loạt các chất độc hại từ khói thuốc, và bị lưu giữ lại trong các tổ chức phổi qua nhiều năm tháng, dẫn đến ung thư phổi và xuất hiện các triệu chứng như đau tức ngực và ho thường xuyên.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải có ý thức trong việc giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, bầu không khí trong lành, không hút thuốc lá hoặc cai thuốc lá hoàn toàn. Ngoài ra, bạn nên điều trị khỏi những bệnh liên quan đến phế quản phổi (nếu có), như viêm phế quản, lao phổi,... Đặc biệt, đối với những đối tượng có nguy cơ cao (tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, người cao tuổi, nghiện thuốc lá, rượu bia,...), cần tiến hành thăm khám định kỳ, tầm soát ung thư để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
2.5. Tức ngực khi ăn và nuốt thức ăn
Thường xuyên đau tức ngực đi kèm với cảm giác nghẹn mỗi khi ăn uống hoặc nuốt thức ăn có thể là dấu hiệu của ung thư thực quản. Đây cũng là một bệnh lý ác tính bởi sự xuất hiện khối u trong lòng thực quản. Bệnh nhân thường không biểu hiện triệu chứng cụ thể, hoặc chỉ đau khi nuốt, nuốt vướng và đau tức ngực khi ăn uống.
Các triệu chứng dần xuất hiện khi bệnh trở nên nặng hơn. Người bệnh thường cảm thấy mắc nghẹn, đau thắt vùng ngực, không thể hoặc rất khó nuốt thức ăn, cảm thấy có vật cản trong cổ họng, rất khó chịu. Nếu bệnh nhân cố gắng nuốt thì có thể bị ngạt thở, đau tức ngực nặng, thậm chí phải nôn ngược ra. Những triệu chứng ban đầu thường chỉ là bị mắc nghẹn với thức ăn to, cứng, khó nuốt, sau đó đến thức ăn mềm và nhỏ hơn cũng bị nghẹn. Khi bệnh tiến triển nặng thêm thì các dạng thức ăn lỏng như cháo cũng khiến bệnh nhân nghẹn, thậm chí nước uống cũng khó nuốt.
Để phòng tránh bệnh ung thư thực quản và hạn chế đau tức ngực khi ăn, bạn nên cai rượu và ngưng hút thuốc lá, tránh sử dụng đồ hộp, hạn chế dùng thức ăn hoặc thức uống còn quá nóng, đồ ăn to cứng vì có thể làm tổn thương thực quản. Bên cạnh đó, nên ăn nhiều rau xanh và uống đủ nước mỗi ngày. Đối với bệnh nhân đã từng mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nên tuân thủ điều trị của bác sĩ và thực hiện tái khám theo định kỳ.
3. Cần làm gì khi bị đau tức ngực?
Đau tức ngực không phải là tình trạng hiếm gặp đối với đa số mọi người. Vậy bạn cần làm gì khi bị đau tức ngực? Trường hợp đau tức ngực nặng hoặc diễn ra nhiều lần, bạn nên đến các trung tâm y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây bệnh, phải được xác định có phải đau ngực do nguyên nhân bệnh mạch vành hay không?, đặc biệt là ở đối tượng cao tuổi, mắc đồng thời các bệnh liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch hoặc các bệnh đường hô hấp.
Sau khi đã xác định chính xác nguyên nhân gây đau tức ngực, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp bị đau thắt ngực liên quan đến tim mạch (bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ) cần phải hết sức thận trọng, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh và dinh dưỡng hợp lý theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.
Tốt nhất khi bị đau tức ngực cần phải tạm dừng ngay công việc để nghỉ ngơi, không làm việc nặng, không cố gắng sức. Chế độ luyện tập cũng góp phần không nhỏ trong việc điều trị đau tức ngực. Người bệnh nên xây dựng thói quen tập thể dục và vận động cơ thể hàng ngày bằng các động tác nhẹ nhàng, hạn chế các môn thể thao nặng như: cầu lông, bóng bàn, cử tạ,... vì có thể khiến cho tình trạng đau tức ngực trở nên trầm trọng hơn.
Đừng chủ quan với biểu hiện đau thắt ngực thoáng qua có liên quan đến gắng sức. Nếu bạn được bác sỹ chẩn đoán là đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành, cần phải được theo dõi thường xuyên bởi bác sỹ chuyên khoa tim mạch và được cân nhắc can thiệp mạch vành.
Cùng Vinmec bảo vệ bạn và gia đình trước những bệnh lý liên quan đến tình trạng đau tức ngực.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.