Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Khu vực lồng ngực là nơi chứa rất nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể, chính vì thế khi có biểu hiện đau thắt ngực bên phải hay bên trái, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm.
1. Tổng quan về bệnh đau thắt ngực
Đau thắt ngực gồm có đau thắt ngực bên phải và đau thắt ngực bên trái, là tình trạng người bệnh bị đau tức tại vùng ngực kèm theo cảm giác khó thở, càng gắng sức thì cơn đau càng tăng, biểu hiện sẽ giảm xuống khi người bệnh nghỉ ngơi hợp lý.
Tùy theo tính chất và biểu hiện của người bệnh để xác định được nguyên nhân gây đau thắt ngực:
- Có thể là do thiểu năng mạch vàng hoặc nhồi máu cơ tim (dạng đau thắt ngực nguy hiểm nhất);
- Do các bộ phận (ruột già ruột non, gan, dạ dày, lá lách,tuyến tụy, thận...) nằm sát dưới lồng ngực gặp phải các vấn đề cũng có thể gây ảnh hưởng đến lồng ngực và gây ra các cơn đau thắt ngực;
- Do bị chấn thương lồng ngực gây đau thắt ngực hoặc đau dây thần kinh liên sườn;
- Do người bệnh mắc phải các bệnh thuộc hệ thống đường tiêu hóa trên;
- Đau thắt ngực trái - phải còn có thể do bị ảnh hưởng bởi cơn đau dạ dày cấp, nguyên nhân này sẽ kèm theo các biểu hiện của bệnh dạ dày;
- Đau thắt ngực cũng có thể do áp-xe cơ hoành.
Ngoài các biểu hiện lâm sàng, nguyên nhân gây ra tình trạng đau thắt ngực sẽ được chẩn đoán chính xác thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, điện tim, X-quang, MRI ngực hay CT-scan....
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về huyết áp cao không?
Huyết áp cao còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có triệu chứng. Thiếu hụt kiến thức về huyết áp cao có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là những câu hỏi trắc nghiệm vui giúp bạn hiểu đúng về bệnh cao huyết áp.2. Đau thắt ngực liên quan tới bệnh lý nào?
Đau thắt ngực bên trái - phải là căn bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, với mỗi nguyên nhân khác nhau thì triệu chứng thể hiện trên cơ thể người bệnh cũng có sự khác biệt. Đau thắt ngực có thể liên quan tới một số bệnh lý như:
2.1 Đau thắt ngực do viêm thần kinh liên sườn
Khi bị đau thắt ngực do viêm thần kinh liên sườn thì người bệnh bị chấn thương dây thần kinh liên sườn (bị chèn ép, bị viêm, do virus gây ra...). Thông thường, cơn đau thắt ngực này thường xảy ra với những người hay tập thể hình, chơi thể thao quá sức, không đúng phương pháp... Nếu người bệnh không bị chấn thương trực tiếp thì các cơn đau sẽ lan tỏa theo nhóm cơ và sẽ tự khỏi sau khi được nghỉ ngơi hợp lý.
2.2 Đau thắt ngực do nhồi máu cơ tim
Nếu nguyên nhân là do nhồi máu cơ tim thì người bệnh sẽ bị đau thắt ngực trái, các cơn đau sẽ lan ra cánh tay trái và kèm theo đó là sự mệt mỏi, tim đập hỗn loạn, ra nhiều mồ hôi.... Đối với những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch hay tiền sử cao huyết áp thì khi bị đau thắt ngực cần nghĩ ngay đến khả năng bị nhồi máu cơ tim và cần phải xử lý kịp thời.
Những trường hợp này cần chú ý đặc biệt tới sức khỏe của bản thân, thăm khám sức khỏe định kỳ và duy trì cân nặng ở mức độ cho phép.
2.3 Đau thắt ngực do tràn khí khoang màng phổi
Nhiều trường hợp, tràn khí khoang màng phổi cũng gây nên những cơn đau thắt ngực bên phải hoặc bên trái, cơn đau này sẽ không lan nhưng có kèm theo cảm giác khó thở ít hay nhiều tùy theo dạng tràn khí khu trú hay toàn bộ.
Khi bị đau thắt ngực do tràn khí khoang màng phổi thì người bệnh cần làm xét nghiệm chụp X-quang phổi thẳng và nghiêng để xác định xem có bị khối u của phổi hay trung thất không.
2.4 Đau thắt ngực do phình bóc tách động mạch chủ ngực
Phình bóc tách động mạch chủ ngực cũng gây ra những cơn đau thắt ngực trái dữ dội, người bệnh lúc này sẽ có cảm giác đau dữ dội như có dao đâm vào ngực, kèm theo đó là rối loạn huyết động học, có thể làm huyết áp giảm hoặc tăng, mạch đập nhanh, vã mồ hôi.
Bệnh này thường xảy ra ở những người có tiền căn cao huyết áp, béo phì, hút thuốc lá. Nếu không tiến hành chẩn đoán cụ thể có thể nhầm với đau thắt ngực do nhồi máu cơ tim cấp.
2.5 Đau thắt ngực bên phải do ung thư phổi
Đau tức ngực bên phải rất hay gặp ở những người trẻ tuổi và cao tuổi, do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng nếu các cơn đau sâu trong phổi thường kèm theo cảm giác khó thở, thở nặng nhọc, ho dai dẳng, đau tay, đau các khớp ngón chân, ngón tay, ho có máu... thì hãy cảnh giác bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phổi.
Ngay khi có các triệu chứng này, người bệnh không nên chủ quan mà hãy thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
3. Làm gì khi bị đau thắt ngực?
Ngay khi có biểu hiện đau thắt ngực bên trái - phải thì người bệnh cần phải thăm khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Sau khi biết được nguyên nhân sẽ phải tích cực điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đối với những bệnh nhân đau thắt ngực do liên quan đến tim thì phải hết sức cẩn trọng, ngoài việc sử dụng thuốc giãn mạch điều trị thì cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, tránh xúc động mạnh.
Một điều đặc biệt lưu ý với bệnh nhân đau thắt ngực trái - phải là khi lên cơn đau mà đang trong trạng thái làm việc thì phải nghỉ ngơi ngay lập tức, tuyệt đối không gắng sức. Nên vận động nhẹ nhàng hàng ngày để giúp cơ thể dẻo dai.
Với người có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đau dây thần kinh liên sườn và bệnh về đường hô hấp (viêm phế quản, hen suyễn, tâm phế mạn tính...) thì cần phải uống thuốc đều đặn và kiêng khem theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.