Các câu hỏi mẹ nào cũng gặp khi bắt đầu cho con bú

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cho con bú là giây phút thiêng liêng với tất cả phụ nữ. Tuy nhiên không ít người cảm thấy lo lắng, hồi hộp khi lần đầu cho con bú. Để những giây phút bé yêu đón nhận nguồn sữa mẹ được thuận lợi, bạn nên chuẩn bị chu đáo sẽ giúp giải tỏa cảm giác khó chịu, đau đớn khi cho con bú.

Dưới đây là những câu hỏi về cách cho bé bú mà mẹ nào cũng có thể gặp trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ:

1. Cho con bú có dễ không?

Với nhiều người phụ nữ việc nuôi con bằng sữa mẹ là lẽ tự nhiên và thật dễ dàng. Đôi khi, việc này có thể dễ dàng với em bé đầu tiên và khó khăn với em bé thứ hai. Vì vậy, vấn đề này thực sự tùy thuộc vào hoàn cảnh.

2. Cách cho bé bú đúng cách

Nếu không cho bé bú đúng cách có thể gây ra cảm giác khó chịu cho cả mẹ và bé. Biểu hiện của khó chịu với em bé là bé sẽ quấy khóc, với bà mẹ là cảm giác bị căng sữa, đau rát vú và nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mất sữa và mệt mỏi ở bà mẹ.

Tư thế cho trẻ bú

Tùy điều kiện mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế nằm hay ngồi nhưng phải đảm bảo cả bà mẹ và trẻ đều ở tư thế thoải mái, thư giãn.

  • Đầu và thân trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng.
  • Mẹ đỡ toàn bộ thân trẻ, chứ không phải chỉ đỡ đầu và vai.
  • Bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ.
  • Mặt trẻ đối diện với vú mẹ và mũi trẻ đối diện với núm vú.
  • Thân trẻ áp sát người mẹ.
Các trường hợp không cho con bú
Tùy điều kiện mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế nằm hay ngồi nhưng phải đảm bảo cả bà mẹ và trẻ đều ở tư thế thoải mái, thư giãn

Cách ngậm bắt vú đúng:

  • Hướng dẫn bà mẹ đưa môi con chạm vào núm vú để trẻ mở rộng miệng ngậm bắt núm vú
  • Quầng vú ở phía trên miệng trẻ còn lại nhiều hơn quầng vú ở phía dưới.
  • Miệng trẻ mở rộng.
  • Môi dưới uốn cong và hướng ra ngoài.
  • Cằm trẻ chạm vào vú mẹ.
  • Lưỡi chụm quanh bầu vú, quầng vú còn lại ở phía trên nhiều hơn phía dưới.

Cách nhận biết trẻ bú no:

  • Theo dõi số cữ bú trong ngày, đồng thời kết hợp với việc theo dõi cân nặng của trẻ hàng tháng.
  • Nếu trẻ bú no sẽ phát ra tiếng gù gù và sau đó ngủ thật ngon.
  • Bé bú tốt sẽ đi phân vàng khoảng 1 -2 lần/ ngày và đi tiểu nhiều lần.

3. Tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ

  • Nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh (trong 1 giờ đầu) để kích thích sự tiết sữa mẹ.
  • Cho trẻ bú theo nhu cầu bất kể ngày đêm.
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, không cần ăn thêm bất kỳ thức ăn đồ uống nào khác.
  • Cho trẻ bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang vú bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối.
  • Thời gian trung bình mỗi bữa bú khoảng 15 – 20 phút.
  • Nên cai sữa khi trẻ được 24 tháng hay lâu hơn nếu có thể.
  • Khi mẹ bị bệnh, trẻ ốm, trẻ không tự bú được thì nên vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa.

4. Cho con bú nên ăn gì?

Cháo thịt bò băm
Nhiều loại cháo dễ tiêu lại rất bổ dưỡng với phụ nữ đang cho con bú

Về vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ cho con bú, trong 1 - 2 ngày đầu sau khi sinh, bà mẹ tốt nhất nên bổ sung năng lượng bằng các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu như: cháo, mì, trứng gà là chính. Bà mẹ cũng nên tránh ăn những thức ăn có nhiều mỡ như: chân giò, thịt gà mái.

Ở những ngày sau cùng với sự hồi phục của khả năng tiêu hoá có thể ăn những thức ăn giàu năng lượng và dinh dưỡng: canh gà, canh xương....

Để đảm bảo dinh dưỡng khi cho con bú người mẹ cần ăn đầy đủ các thực phẩm gồm protein, chất béo, đường, chất khoáng, vitamin, nước, trong ăn uống cần chú ý là thức ăn phải đa dạng, phối hợp thức ăn tinh và thô một cách hợp lý. Mỗi ngày có thể ăn 5 - 6 bữa, người mẹ không nên kiêng cữ quá nhưng tránh ăn những thực phẩm sống, nhiều mỡ hay những thức ăn có vị cay và có tính kích thích. Trong thời gian cho con bú, bà mẹ cần phải kiêng tuyệt đối rượu, bia, thuốc lá. Một số bà mẹ có di chứng cao huyết áp trong thời kỳ mang thai cần phải ăn hạn chế muối.

Những bà mẹ bị rách tầng sinh môn trong quá trình sinh đẻ và phải khâu, nên ăn thức ăn ít chất bã, chia nhỏ bữa ăn, 5 - 6 lần/ngày, ăn trong 3 ngày. Những bà mẹ phải mổ đẻ, sau khi mổ, khi công năng đường ruột đã hồi phục (khoảng 24 tiếng sau mổ) có thể áp dụng chế độ ăn từng lỏng đến đặc dần. Sau khi người mẹ có thể tự đi đại tiện được, có thể ăn chế độ bình thường.

5. Khi nào nên cai sữa cho trẻ?

Trẻ sơ sinh sẽ cai sữa một cách tự nhiên khoảng 12 tháng hoặc hơn bởi vì về mặt phát triển, các con thay đổi rất nhiều. Các con trở nên ít tập trung vào mẹ và tập trung hơn vào việc tìm hiểu về thế giới xung quanh.

Tuy nhiên, khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, lúc này sữa sẽ không đủ cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ, từ tuổi này bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Không có một mốc thời gian nhất định để cai sữa cho trẻ, nhưng tối thiểu phải cho bé bú cho đến khi đủ 12 tháng tuổi, tốt nhất nên kéo dài đến 24 tháng tuổi, thậm chí lâu hơn nữa nếu có thể.

Ngoại trừ một số trường hợp bắt buộc phải cai sữa cho trẻ, như khi mẹ bị ốm, viêm quanh núm vú, mẹ mắc bệnh truyền nhiễm có thể lây bệnh và gây nguy hiểm đến sức khỏe của con, mẹ bắt buộc phải dùng thuốc để điều trị bệnh mà thuốc ảnh hưởng đến sữa mẹ và trẻ.... Ngoài ra, không nên cai sữa khi bé đang bị ốm, ăn uống kém, những bé nhẹ cân, còi xương, suy dinh dưỡng.... Chỉ cai sữa khi trẻ đang khỏe mạnh, đã sẵn sàng ăn dặm.

Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình có kinh nghiệm trên 13 năm trong lĩnh vực khám chữa bệnh Sản phụ khoa, có chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Sản Phụ khoa như:

  • Khám sàng lọc các bệnh lý cho mẹ và bé trước sinh
  • Sinh thiết gai nhau, chọc ối..
  • Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi ( siêu âm 3D, 4D)
  • Theo dõi sinh, đỡ sinh các trường hợp sinh thường, sinh khó
  • Khám điều trị các bệnh lý tiền sản giật, nhau tiền đạo, thai kỳ kèm các bệnh lý nội khoa phức tạp...
  • Phẫu thuật lấy thai các trường hợp mổ lấy thai lần 1, lần 2, lần 3...
  • Khám, điều trị các bệnh lý phụ khoa.
  • Khám, tư vấn các cặp vợ chồng hiếm muộn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan