Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa.
Lupus ban đỏ hệ thống (gọi tắt là lupus ban đỏ hay lupus) là bệnh tự miễn, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể bệnh nhân. Điều mà các bệnh nhân nữ mắc lupus ban đỏ băn khoăn, là họ có thể thực hiện thiên chức làm mẹ của mình hay không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này.
1. Mắc lupus ban đỏ có nên mang thai và sinh con không?
Lupus ban đỏ thường gặp ở phụ nữ chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ do đó vấn đề thai sản cần đặc biệt lưu tâm. Bệnh nhân lupus ban đỏ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con, tuy nhiên bệnh Lupus và quá trình thai sản có sự tác động qua lại lẫn nhau. Theo nhiều nghiên cứu, quá trình thai sản là một trong những yếu tố gây khởi phát đợt cấp của bệnh Lupus. Các cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt cấp là da, thận, máu và khớp, trong đó thận tổn thương nặng nhất với biểu hiện viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận, là một trong những yếu tố tiên lượng xấu, có thể dẫn đến tử vong mẹ trong thai kỳ.
Ngược lại, bệnh Lupus gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến quá trình thai sản của bệnh nhân, dẫn tới nhiều nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi, như tỷ lệ sảy thai và thai lưu, đẻ non, thai chậm phát triển ở bệnh nhân Lupus mang thai cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trong cộng đồng.
2. Bệnh nhân lupus ban đỏ nên lưu ý gì khi mang thai?
Nhiều năm trước đây phụ nữ mắc Lupus ban đỏ rất ít có cơ hội được làm mẹ do chậm
được điều trị, một phụ nữ mắc bệnh lupus chỉ nên có thai khi không có các dấu hiệu tiến triển bệnh về lâm sàng và cận lâm sàng trong 6 tháng liền trước đó. Khi có thai phải theo dõi như là thai nghén có nhiều nguy cơ.
Với sự phát triển của xã hội và y học hiện đại hiện nay, Lupus ban đỏ ngày nay được kiểm soát hiệu quả hơn, khiến mong muốn được sinh đẻ của những phụ nữ mắc bệnh được quan tâm hơn.
Điều quan trọng đầu tiên cần nhấn mạnh là phải tuân thủ và điều trị với những thuốc được cho là cần thiết. Hầu hết các thuốc thường dùng trong kiểm soát Lupus có thể được sử dụng an toàn trong thời kỳ mang thai.
Tuy vậy, mang thai trên bệnh nhân Lupus ban đỏ vẫn là “thai nghén nguy cơ cao”, do đó trước và trong quá trình mang thai cũng như quá trình chuyển dạ, bệnh nhân cần được thăm khám và theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên khoa, tránh những tình huống xấu cho cả mẹ và bé.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.