Trước đây, việc mang thai với bệnh lupus được coi là rủi ro cao. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ tiến bộ y học, hầu hết phụ nữ mắc lupus có thể mang thai an toàn và sinh con khỏe mạnh, nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng và chăm sóc đúng cách.
Phụ nữ mắc lupus có thể mang thai an toàn không?
Trước đây, việc mang thai với bệnh lupus được coi là rủi ro cao. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ tiến bộ y học, hầu hết phụ nữ mắc lupus có thể mang thai an toàn và sinh con khỏe mạnh, nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng và chăm sóc đúng cách.
Chuẩn bị cho việc mang thai
Những bước đầu tiên để có một thai kỳ và thai nhi khỏe mạnh bắt đầu trước khi bạn mang thai:
- Kiểm soát lupus ổn định ít nhất 6 tháng trước khi mang thai: Càng khỏe mạnh khi mang thai, cơ hội có một thai kỳ và em bé khỏe mạnh càng cao. Mang thai tạo ra thêm áp lực lên thận. Việc bị bệnh thận hoạt động có thể gây ra vấn đề trong thai kỳ và thậm chí dẫn đến sảy thai. Cần đảm bảo lupus được kiểm soát ít nhất 6 tháng trước khi mang thai.
- Điều chỉnh thuốc điều trị: Một số loại thuốc như methotrexate hoặc cyclophosphamide không an toàn trong thai kỳ. Hãy tham khảo bác sĩ để thay đổi thuốc phù hợp.
- Chọn bác sĩ sản khoa chuyên về thai kỳ nguy cơ cao: Vì lupus có thể gây ra một số rủi ro – bao gồm huyết áp cao do mang thai và sinh non – bác sĩ sản khoa cần có kinh nghiệm về thai kỳ nguy cơ cao và làm việc tại bệnh viện chuyên về sinh mổ nguy cơ cao.
- Kiểm tra bảo hiểm y tế: Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm của bạn bao gồm các dịch vụ chăm sóc thai kỳ.
Quản lý thai kỳ cho người bệnh lupus
Khám thai định kỳ là điều bắt buộc để phòng ngừa biến chứng, rủi ro tiềm ẩn. Một số vấn đề trong thai kỳ có thể xảy ra ở người bệnh lupus:
- Bùng phát lupus: Khoảng 30% phụ nữ bị bùng phát trong thai kỳ, thường nhẹ và có thể điều trị bằng corticosteroid.
- Huyết áp cao và tiền sản giật: Tình trạng này ảnh hưởng khoảng 20% thai phụ mắc lupus. Kiểm tra huyết áp thường xuyên và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ là cần thiết.
- Sảy thai hoặc sinh non: Khoảng 1/5 sản phụ bệnh lupus bị sảy thai. Sảy thai có khả năng cao hơn ở phụ nữ có huyết áp cao, kích hoạt lupus và biến chứng bệnh thận. Kháng thể antiphospholipid có thể làm tăng nguy cơ này. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc làm loãng máu nếu cần.
- Sinh non: Khoảng 1/3 phụ nữ mắc lupus sinh con non. Tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ có tiền sản giật, kháng thể antiphospholipid và kích hoạt lupus. Việc nhận biết các triệu chứng sinh non là rất quan trọng, bao gồm:
- Đau lưng
- Cảm giác áp lực ở vùng chậu
- Chảy máu hoặc dịch trong suốt từ âm đạo
- Cơn đau bụng
- Cơn co thắt xảy ra mỗi 10 phút hoặc ít hơn
Phụ nữ mắc lupus có thể có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng trong thai kỳ. Hãy thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này.
Chăm sóc trong thai kỳ cho người bệnh lupus
Ngoài việc thăm khám bác sĩ thường xuyên và tuân thủ kế hoạch điều trị lupus, sản phụ cũng cần:
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Ăn uống lành mạnh, tránh tăng cân quá mức. Nên tham khảo chuyên gia dinh dưỡng.
- Không hút thuốc và uống rượu.
- Thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có triệu chứng.
Sinh nở và chăm sóc sau sinh
Hầu hết phụ nữ mắc lupus có thể sinh thường, nhưng nếu có biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ. Sau sinh, lupus có thể bùng phát trở lại. Theo dõi sức khỏe chặt chẽ và tuân thủ kế hoạch điều trị là rất quan trọng.
- Khó khăn khi cho con bú: Trẻ sinh non có thể không đủ khỏe để bú sữa mẹ. Các bà mẹ sinh non hoặc sử dụng một số loại thuốc có thể gặp khó khăn trong việc về sữa. Ngoài ra, một số bà mẹ phải dùng thuốc có thể truyền qua sữa mẹ và được khuyến cáo không nên cho con bú. Nhưng hầu hết các vấn đề này có thể được giải quyết. Hãy khám với bác sĩ kỹ lưỡng để phòng ngừa và khắc phục mọi nguy cơ.
- Lupus bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là tình trạng hiếm gặp (3%), chủ yếu là tạm thời và sẽ tự hết sau 6-8 tháng. Tuy nhiên, nếu có nhịp tim bất thường, trẻ có thể cần được điều trị đặc biệt.
Sau khi sinh, bà mẹ cần tiếp tục thăm khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi những thay đổi trong cơ thể. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và theo dõi chặt chẽ, phụ nữ mắc lupus hoàn toàn có thể có một thai kỳ an toàn và em bé khỏe mạnh. Hãy luôn đồng hành cùng bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd