Nhịp tim nhanh ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Trẻ em cần tham gia hoạt động thể dục đều đặn để phát triển cơ bắp, củng cố xương và duy trì sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, khi nói đến tần suất nhịp tim trong quá trình hoạt động mạnh thì nhịp tim bao nhiêu thì được gọi là quá cao so với mức bình thường của trẻ? Câu hỏi này trở nên phổ biến hơn trong thời hiện đại, đặc biệt là khi có nhiều thiết bị đồng hồ thông minh có khả năng theo dõi nhịp tim của trẻ em. Các bậc phụ huynh đều mong muốn biết con số cụ thể cho mức độ nhịp tim tối đa an toàn khi trẻ thực hiện các hoạt động tăng cường thể chất.
1. Các dấu hiệu để nhận biết nhịp tim nhanh ở trẻ em
Có một công thức tính nhịp tim tối đa phổ biến thường được sử dụng: lấy số 220 trừ đi số tuổi hiện có sẽ ra được nhịp tim tối đa mà người đó có thể đạt được ở độ tuổi đó.
- Ví dụ: Bạn 40 tuổi, lấy 220 - 40 sẽ ra nhịp tim tối đa là 180.
Theo các chuyên gia, nhịp tim tối đa của trẻ từ 8 - 17 tuổi thường chỉ rơi vào khoảng 190. Nếu sử dụng công thức trên, kết quả sẽ là quá cao so với mức bình thường của trẻ.
Dù không có công thức tính nhịp tim tối đa cho trẻ nhưng các phụ huynh hoàn toàn có thể biết được khi nào trẻ đang tập quá sức hoặc đang vượt quá giới hạn bản thân bằng cách theo dõi các dấu hiệu gắng sức ở trẻ.
Theo nhiều nghiên cứu cho biết, trẻ em thường rất biết cách lắng nghe cơ thể và sẽ tự hạn chế hoạt động để phù hợp với thể chất của mình, ví như bé sẽ đi chậm hoặc dừng lại mỗi khi cần thiết.
Có những dấu hiệu gắng sức cho thấy trẻ đang tập luyện quá mức và đang gặp căng thẳng khi tập thể dục, bao gồm:
- Chóng mặt.
- Cảm giác nhẹ đầu.
- Khó khăn khi thở (vượt quá mức thông thường).
Nếu như trẻ có các triệu chứng trên thì các bậc phụ huynh nên khuyên trẻ dừng lại và nghỉ ngơi. Tốt nhất là đặt trẻ nằm xuống nếu trẻ bị chóng mặt. Khi phần đầu và tim của trẻ ngang nhau thì máu sẽ dễ lên não hơn và giúp cho bé không bị ngất xỉu.
Ngoài ra, trẻ cũng cần được bù nước đầy đủ nhằm tránh tình trạng mất nước ( mất nước hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng chóng mặt ở cả trẻ em và người lớn). Hầu hết trẻ em sẽ cảm thấy dễ chịu trong vòng vài phút rồi lại tiếp tục hoạt động như bình thường.
2. Tại sao nhịp tim của trẻ lại khác so với người lớn?
Nhịp tim của trẻ em thường cao hơn so với người lớn trong trạng thái nghỉ ngơi, do kích thước tim nhỏ hơn, thể tích nhát bóp giảm, và lượng máu giảm. Các đặc điểm này tạo ra sự chênh lệch trong công thức và khiến nó trở nên không chính xác đối với trẻ em.
Số nhịp tim tối đa có thể thay đổi đáng kể ở mỗi đứa trẻ do ảnh hưởng của chế độ ăn uống và dinh dưỡng, việc sử dụng thuốc hoặc các vấn đề sức khỏe như vấn đề về tuyến giáp. Các yếu tố di truyền cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định mức nhịp tim tối đa.
Để xác định con số nhịp tim tối đa thực tế của con bạn, bác sĩ có thể thực hiện bài kiểm tra thể lực để có thể biết chính xác con số này. Tuy nhiên, đôi khi việc này có thể không cần thiết.
3. Khi nào nhịp tim nhanh ở trẻ em là mối lo ngại?
Nhịp tim của trẻ em thường cao hơn trong những năm sơ sinh và khi chúng mới biết đi, sau đó giảm dần khi chúng tiến đến tuổi thiếu niên. Chỉ số nhịp tim bắt đầu hiển thị sự tương đồng với người trưởng thành trong giai đoạn thiếu niên. Theo từng giai đoạn phát triển, dưới đây là phạm vi dự kiến của nhịp tim khi nghỉ ngơi:
- Trẻ sơ sinh (sơ sinh đến 4 tuần): 100–205 nhịp mỗi phút (bpm).
- Trẻ sơ sinh (4 tuần đến 1 tuổi): 100–180 bpm.
- Trẻ mới biết đi (1 đến 3 tuổi): 98–140 bpm.
- Mầm non (3 đến 5 tuổi): 80–120 bpm.
- Tuổi đi học (5 đến 12 tuổi): 75–118 bpm.
- Thanh thiếu niên (13 đến 17): 60–100 bpm.
Khi trẻ đang nghỉ ngơi, nếu nhịp tim bỗng nhiên tăng cao hơn mức tối đa của từng giai đoạn kể trên, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cần thiết giúp nhận biết lý do tại sao lại xảy ra vấn đề.
Lúc này, trẻ có thể bị nhịp tim nhanh. Tình trạng nhịp tim nhanh ở trẻ em thường không cần điều trị và có thể tự khỏi. Tuy nhiên một số loại nhịp tim nhanh vẫn có thể gây ra các vấn đề cho trẻ. Vì lý do này, trẻ cần được thăm khám bác sĩ để có được chẩn đoán và điều trị phù hợp cho các tình trạng bất thường.
4. Bạn có nên liên tục theo dõi để biết nhịp tim của trẻ không?
Trong thời đại hiện nay, khi các chỉ số nhịp tim ngày càng dễ theo dõi từ các thiết bị đồng hồ thông minh. Việc kiểm tra nhịp tim của con trẻ liên tục cả ngày và đêm có thể trở thành một nỗi ám ảnh và tạo nên tâm lý nặng nề cho các bậc phụ huynh.
Theo các chuyên gia chia sẻ, các bậc phụ huynh chỉ nên xem các chỉ số mang tính tham khảo và chú trọng vào cách mà trẻ thể hiện khi tham gia vào các hoạt động thể chất để hỗ trợ trẻ kịp thời. Đó là cách tiếp cận hữu ích hơn là chỉ nhìn vào nhịp tim thông qua các thiết bị công nghệ cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.