Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Béo phì là một bệnh mạn tính do sự mất cân bằng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và năng lượng tiêu thụ gây ra . Nguyên nhân gây bệnh có nhiều yếu tố bao gồm di truyền, môi trường và các ảnh hưởng của hành vi.
1. Đo chỉ số khối cơ thể (BMI) để xác định béo phì
Béo phì có thể được đo bằng chỉ số khối lượng cơ thể (body mass index - BMI), là trọng lượng đo bằng kilogam chia cho bình phương chiều cao đo bằng mét (Kg/m2). BMI trên 27kg/m2 (> 27,8 kg/m” đối với nam; > 27,3 kg/m” đối với nữ) thì được coi là béo phì.
BMI = Cân nặng (kg)/ Chiều cao (m) x Chiều cao (m)
Những người bị béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh về tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đề kháng insulin và tăng insulin máu.
2. Nguyên nhân gây béo phì
Đến nay nguyên nhân gây ra bệnh béo phì vẫn đang được cân nhắc và diễn biến vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, phần lớn các thảo luận đều cho rằng các nhân tố như: Di truyền, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt... đều tác động qua lại với nhau để gây nên bệnh.
Nhân tố trực tiếp dẫn đến bệnh béo phì là do lượng nhiệt năng hấp thụ vào cơ thể cao hơn lượng nhiệt nặng bị tiêu hao đi, dẫn đến sự tích quá nhiều mỡ trong cơ thể.
3. Điều trị bệnh nhân béo phì
Điều trị bệnh béo phì là một quá trình lâu dài bao gồm: Chế độ ăn uống tập luyện, dùng thuốc hoặc lựa chọn phẫu thuật .
3.1 Chế độ ăn uống tập luyện
Thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng tiêu thụ năng lượng cơ thể bằng cách tăng hoạt động thể lực, chơi các môn thể thao, đi bộ hằng ngày, trung bình (đi bộ) ít nhất 30 phút mỗi ngày cũng đảm bảo cho việc tiêu tốn năng lượng và có ích cho sức khoẻ.
Thể dục là thành phần chính của mọi chương trình giảm cân. Nó cải thiện sức khỏe và tâm lý thoải mái, là yếu tố quan trọng để có thành công lâu dài.
Hạn chế ăn thức ăn có nhiều năng lượng như: Chất béo, thịt mỡ, trứng, hải sản
- Hạn chế rượu bia thuốc lá, nước giải khát
- Hạn chế ăn thức ăn nhanh
- Ăn nhiều rau, trái cây
- Ăn kiêng, ăn ít calo hơn hoặc tăng tiêu thụ calo.
3.2 Sử dụng thuốc
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc điều trị giảm cân. Để đảm bảo sức khỏe bạn nên sử dụng thuốc giảm cân khi có chỉ định của bác sĩ tư vấn, kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ chất không nên sử dụng thuốc một cách bừa bãi, thiếu khoa học.
3.3 Phẫu thuật
Phẫu thuật cũng là thủ thuật điều trị béo phì, mặc dù vậy phẫu thuật bị hạn chế ở vai trò một phương pháp điều trị toàn diện, để lại hậu quả đáng kể về mặt tâm lý và sinh lý. Vì vậy, trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật bạn cần chẩn bị tâm lý cũng như thể trạng sức khỏe thật tốt, lựa chọn cơ sở cũng như phương pháp điều trị tiên tiến, tránh đem lại những rủi ro đáng tiếc.
4. Chăm sóc bệnh nhân béo phì
- Thay đổi thói quên nấu ăn, ưu tiên dùng các cách chế biến như hấp, luộc. Hạn chế các thức ăn nhanh hoặc chiên, xào.
- Hạn chế ăn các ngọt, các nước uống nhiều đường
- Hạn chế ăn tinh bột; thay vào đó ăn các loại tinh bột an toàn như gao lứt, khoai lang, hạt ngũ cốc.
- Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày
- Bữa ăn chính là bữa sáng, hạn chế ăn tinh bột vào buổi tối thay vào đó có thể thay thế bằng các chất xơ như rau, củ, quả.
- Ngoài chế độ ăn uống, cần kết hợp với tập luyện hằng ngày. Ban đầu có thê lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, sau một thời gian có thể nâng mức độ tập lâu hơn.
Tóm lại, phương pháp điều trị bệnh béo phì đem lại thành công lâu dài nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt kết hợp với luyện tập hằng ngày. Điều trị béo phì đòi hỏi người bệnh phải kiên trì.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM