Cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Khi nào đáng lo ngại?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ em ngày một nhiều hơn, khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Vậy cân nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi nào sẽ trở nên đáng lo ngại?

1. Cân nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi nào trở nên đáng lo ngại?

Khi trẻ còn nhỏ, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của trẻ bằng bảng theo dõi cân nặng theo chiều cao. Khi trẻ đã lớn hơn, lúc này bác sĩ có thể tiến hành tính chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI). Bảng theo dõi được sử dụng nhằm đánh giá xu hướng phát triển của trẻ, cũng như giúp so sánh sự phát triển của trẻ với mức trung bình của những trẻ khác cùng giới tính trong cùng độ tuổi.

Hãy nhớ rằng trẻ nhỏ cần chế độ ăn có hàm lượng chất béo cao phục vụ cho nhu cầu phát triển toàn diện. Tuy vậy, thu nhận quá nhiều chất béo và năng lượng ở trẻ em rất dễ dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì. Vì vậy, hãy bổ sung dinh dưỡng cho trẻ một cách khoa học. Một đứa trẻ được xem là có nguy cơ béo phì khi có mức cân nặng vượt quá 2-3 kg so với cân nặng tiêu chuẩn theo độ tuổi phát triển của trẻ.


Chỉ số BMI giúp bác sĩ tình trạng cân nặng của trẻ
Chỉ số BMI giúp bác sĩ tình trạng cân nặng của trẻ

2. Tiêu chuẩn chiều cao cân nặng trẻ 2 tuổi

2.1 Cân nặng trẻ 2 tuổi

Tiêu chuẩn cân nặng chiều cao của bé trai và bé gái sẽ khác nhau. Theo tiêu chuẩn mới nhất của WHO, cân nặng bé gái 2 tuổi trung bình trong khoảng 11,5 kg và 12,2 kg đối với bé trai. Nếu cận nặng của trẻ 2 tuổi vượt quá 20% cân nặng trung bình, khả năng cao trẻ bị thừa cân. Ngược lại, nếu cân nặng thấp hơn 20%, trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng.

2.2 Chiều cao trẻ 2 tuổi

Chiều cao trung bình của bé trai 2 tuổi là 87cm và 86,4cm đối với các bé gái. Nếu cả chiều cao và cân nặng của trẻ đều thấp, trẻ có thể bị còi xương, thấp còi.


Ba mẹ cần chú ý theo dõi chiều cao của trẻ ở mỗi độ tuổi
Ba mẹ cần chú ý theo dõi chiều cao của trẻ ở mỗi độ tuổi

3. Làm thế nào để giữ cho cân nặng của trẻ ở mức hợp lý?

Có nhiều gợi ý khác nhau giúp giữ cân nặng của trẻ ở mức hợp lý:

  • Duy trì cân nặng của thai phụ hợp lý trong suốt quá trình mang thai: Nếu trong quá trình mang thai người phụ nữ tăng cân quá nhiều thì sẽ làm tăng khả năng gây tăng cân cho thai nhi. Các nghiên cứu gợi ý rằng cân nặng của trẻ khi sinh tăng lên cũng làm tăng nguy cơ béo phì thời thơ ấu.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ: Một số nghiên cứu gợi ý nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ béo phì ở trẻ em.

Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ béo phì
Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ béo phì
  • Hạn chế các loại thức uống có đường bổ sung: Nước ép trái cây không phải là một thành phần cần thiết trong chế độ ăn của em bé. Khi bé bắt đầu ăn dặm, thay vì nước trái cây, hãy cho bé làm quen với trái cây và rau xanh toàn phần.
  • Hạn chế sử dụng các phương tiện nghe nhìn: Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics) không ủng hộ việc sử dụng các phương tiện nghe nhìn cho trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ càng xem vô tuyến nhiều thì nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ càng tăng cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe