Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Số trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì không dừng lại mà ngày càng có chiều hướng gia tăng và đây cũng chính là nguyên nhân khiến các căn bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường,...) trong tương lai tăng lên.
1. Nguyên nhân nào gây ra béo phì ở trẻ em?
Trẻ em có thể bị thừa cân, béo phì do rất nhiều lý do khác nhau, trong đó những nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm: Yếu tố về di truyền, thiếu hoạt động thể chất, thói quen ăn uống không lành mạnh, hoặc là kết hợp của nhiều lí do khác nhau.
Chỉ có một số ít trường hợp thừa cân là do tình trạng bệnh lý gây ra, chẳng hạn như: Rối loạn nội tiết tố.
Tuy nhiên, không phải tất cả những đứa trẻ trong một gia đình có tiền sử béo phì đều bị thừa cân.
Chế độ ăn và mức độ hoạt động là những khía cạnh quan trọng tác động tới cân nặng của trẻ em. Trẻ em ngày nay ngày càng có xu hướng hoạt động ít hơn, bởi chúng có thể tiêu khiển hàng giờ liền bằng cách xem vô tuyến, chơi trò chơi điện tử, sử dụng internet,... thay vì các hoạt động thể chất truyền thống.
2. Trẻ béo phì có nguy cơ đối mặt với những căn bệnh nào?
Trẻ em bị béo phì vẫn phải đối mặt với nguy cơ gặp phải một số tình trạng nhất định, bao gồm:
- Tăng nồng độ cholesterol
- Tăng huyết áp
- Bệnh lý tim mạch sớm
- Đái tháo đường
- Các vấn đề về xương khớp
- Các vấn đề về da liễu, chẳng hạn như: Ban nhiệt, nhiễm nấm, trứng cá,...
3. Làm thế nào để biết được con mình có bị thừa cân hay không?
Bác sĩ sẽ tiến hành đo chiều cao, cân nặng của đứa trẻ nhằm tính ra chỉ số khối cơ thể (body mass index - BMI), sau đó so sánh với các giá trị tiêu chuẩn. Bên cạnh chỉ số khối cơ thể, bác sĩ cũng có thể theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ theo độ tuổi.
4. Nếu con mình bị thừa cân thì nên làm những gì?
Nếu con mình bị thừa cân, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là sự thấu hiểu, chia sẻ cũng như để trẻ hiểu sự quan tâm của cha mẹ về cân nặng với trẻ.
Tách biệt trẻ chỉ vì vấn đề cân nặng là hành động hoàn toàn không nên làm. Thay vào đó, cả gia đình hãy cùng nhau bắt tay thay đổi thói quen ăn uống, thói quen vận động, từ đó mỗi người đều hiểu được tầm quan trọng của chế độ ăn lành mạnh, lối sống lành mạnh
5. Làm thế nào để cả gia đình cùng thực hành những thói quen lành mạnh?
Có nhiều cách để cả gia đình cùng với trẻ thực hiện các thói quen lành mạnh, đặc biệt là các hoạt động thể chất.
- Hãy lấy ví dụ bằng cách làm gương. Nếu đứa trẻ thấy cha mẹ thường xuyên vui vẻ hoạt động thể chất, trẻ sẽ dễ trở nên năng động và duy trì sự năng động đó trong suốt tương lai phía trước.
- Lên kế hoạch cho gia đình bằng các hoạt động như đi dạo, đạp xe đạp, hoặc bơi lội.
- Những đứa trẻ thừa cân có thể sẽ không thoải mái khi tham gia một số hoạt động nhất định. Do đó hãy hiểu và giúp trẻ tham gia những hoạt động thể chất mà trẻ ưa thích, đừng khiến trẻ gặp khó khăn hoặc cảm thấy khó xử.
- Cắt giảm thời gian gia đình dành cho các hoạt động tĩnh tại, như xem vô tuyến hoặc chơi trò chơi điện tử.
Dù là dưới bất kỳ hình thức nào, khi cả gia đình cùng tham gia vào việc hình thành và duy trì một lối sống lành mạnh thì mỗi một thành viên trong gia đình đều được hưởng lợi ích từ lối sống đó. Và ngoài những lợi ích hiện tại được hưởng, đứa trẻ sẽ hiểu tầm quan trọng của việc thực hành lối sống lành mạnh, qua đó tạo lập ý thức và giúp trẻ duy trì thực hành trong suốt cuộc đời của trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com