Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Gọi là nhịp tim chậm khi tần số tim đập chậm dưới 60 nhịp mỗi phút (nhịp/phút) và tình trạng này có thể do một số bệnh lý nền gây ra như bệnh lý tim mạch hay suy tuyến giáp.
1. Nhịp tim chậm là gì?
Ở người trưởng thành, nút xoang (có chức năng phát nhịp trong tim) phát xung nhịp từ 60-100 lần một phút, do vậy nhịp tim bình thường cũng dao động trong khoảng đó. Nhịp tim dưới 60 lần được gọi là nhịp chậm.
Nhịp tim chậm có thể là dấu hiệu của sự bất thường trong hệ thống dẫn truyền xung điện của tim, nghĩa là vị trí phát xung điện tự nhiên của tim - nút xoang (sinoatrial node - SA) hoạt động không bình thường, hoặc con đường dẫn truyền xung điện trong tim (từ nút xoang đến cơ tim) vì một nguyên nhân nào đó bị thương tổn, không còn nguyên vẹn.
Ở những trường hợp nặng, tim sẽ đập rất chậm, lưu lượng tuần hoàn rất thấp, cơ thể không được đáp ứng đủ lượng máu nuôi, do đó sẽ có nhiều triệu chứng biểu hiện ra ngoài và tính mạng có thể bị đe dọa.
Trắc nghiệm: Sự thật về trái tim của bạn
Tim là 1 phần của hệ tuần hoàn, được cấu thành bởi tâm thất, tâm nhĩ, các van tim, động mạch và tĩnh mạch. Trái tim có chức năng lưu thông máu giàu oxy đưa tới khắp cơ thể. Được xem là "chìa khóa" của sự tồn tại nên việc giữ gìn một trái tim khỏe mạnh là rất quan trọng. Cùng tìm hiểu xem bạn đã thực sự hiểu về trái tim hay chưa.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Triệu chứng của nhịp tim chậm là gì?
Trên thực tế, nhịp tim chậm có thể hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi tim đập chậm có thể khiến cơ thể cảm thấy:
- Chóng mặt hoặc choáng váng, quay cuồng, nặng hơn có thể đột ngột kiệt sức hoặc ngất xỉu.
- Khó thở, đặc biệt là khi tập luyện hoặc gắng sức.
- Cảm thấy rất mệt mỏi.
- Đau ngực, hoặc có cảm giác đánh trống ngực.
- Hay nhầm lẫn, khó giữ được sự tập trung.
3. Các yếu tố nguy cơ của nhịp tim chậm là gì?
Nhịp tim chậm có thể do nhiều yếu tố và nguyên nhân gây ra. Nhịp tim chậm có thể là bình thường (đặc biệt là đối với người trẻ tuổi rất khỏe mạnh, tập luyện thể dục thể theo đều), nhưng cũng có thể do những nguyên nhân bất thường gây ra:
- Sự dẫn truyền bất thường của xung điện trong tim, rối loạn nhịp tim.
- Những tổn thương thực thể của tim do nhồi máu cơ tim.
- Tăng huyết áp.
- Các bệnh lý tim bẩm sinh.
- Nhiễm khuẩn cơ tim (viêm cơ tim).
- Biến chứng của phẫu thuật tim.
- Thiểu năng tuyến giáp.
- Sử dụng thuốc trong điều trị một số bệnh, ví dụ như thuốc chẹn beta, digoxin,...
4. Nhịp tim chậm được chẩn đoán như thế nào?
Nhịp tim chậm có thể được phát hiện khá đơn giản:
- Khám lâm sàng, đếm nhịp mạch cho thấy kết quả là tim đập rất chậm.
- Những xét nghiệm cận lâm sàng đầu tiên cần làm là xét nghiệm máu và điện tâm đồ tiêu chuẩn.
- Đôi khi nhịp tim chậm không xuất hiện thường xuyên (đột ngột xuất hiện, sau đó tự hết mà không cần điều trị, rồi lại đột ngột xuất hiện), do đó cần tiến hành đo điện tâm đồ lưu động ( 24h ECG, 7 ngày ECG, hoặc dài hơn \). Đây là một phương pháp ghi điện tâm đồ liên tục trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 24 - 48 giờ hoặc có thể dài hơn tuy thuộc vào tần suất xuất hiện triệu chứng. Các dữ liệu điện tâm đồ sẽ được ghi lại để bác sĩ chuyên khoa xem xét sau khi quá trình thực hiện kết thúc. Trong suốt thời gian tiến hành đo điện tâm đồ lưu động, bệnh nhân vẫn sinh hoạt, làm việc hoàn toàn bình thường.
5. Nhịp tim chậm được điều trị như thế nào?
Phương pháp điều trị nhịp tim chậm phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh lý nền gây ra nó và các triệu chứng biểu hiện. Nếu như nhịp tim chậm không gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì sẽ không cần thiết phải điều trị, trừ khi nguyên nhân bệnh lý nền gây nên nhịp tim chậm cần phải được điều trị.
- Nếu như tổn thương của hệ dẫn truyền xung điện là nguyên nhân khiến tim đập quá chậm thì bệnh nhân có thể sẽ phải đặt máy tạo nhịp nhân tạo. Máy tạo nhịp nhân tạo là một thiết bị được cấy ghép vào cơ thể nhằm điều chỉnh lại tần số tim. Những bệnh nhân mang máy tạo nhịp nhân tạo vẫn hoàn toàn có thể sống cuộc sống bình thường, năng động (tuy nhiên cũng còn phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý nền đang có).
- Nếu nhịp tim chậm do một số bệnh lý gây ra (như thiểu năng tuyến giáp, hoặc mất cân bằng điện giải,...), thì thường sau khi giải quyết nguyên nhân cũng sẽ giải quyết được tình trạng nhịp tim chậm.
- Nếu việc sử dụng thuốc điều trị bệnh khiến tim đập quá chậm, bác sĩ có thể chỉ định giảm liều thuốc đang sử dụng hoặc chuyển sang điều trị bằng một loại thuốc khác.
- Luôn luôn tìm kiếm sự trợ giúp cấp cứu khi bản thân hoặc người xung quanh ngất xỉu hoặc có các biểu hiện của nhồi máu cơ tim. Ví dụ như đau ngực nặng hoặc khó thở nghiêm trọng. Hãy liên lạc với bác sĩ hoặc gọi ngay số máy cấp cứu nếu thấy nhịp tim chậm hơn bình thường, thấy cơ thể như muốn đổ sụp, hay khó thở ngày càng tăng lên.
6. Các biến chứng của nhịp tim chậm
Với đa số mọi người, nhịp tim chậm vừa phải không có triệu chứng thì thường không gây ra biến chứng nào. Biến chứng xảy ra khi nhịp chậm có triệu chứng đồng thời cũng phụ thuộc vào nguyên nhân nền khiến tim đập chậm
Nếu nhịp tim chậm ở mức độ nghiêm trọng mà không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề, bao gồm ngất xỉu, co giật, thậm chí đe dọa tử vong.
7. Phòng ngừa nhịp tim chậm như thế nào?
Nhịp tim chậm có thể do các bệnh lý tim mạch gây ra, do đó thực hành một lối sống lành mạnh là rất hữu ích. Lối sống lành mạnh nghĩa là ăn uống cân bằng, đủ chất, tốt cho sức khỏe, không hút thuốc lá, giảm cân nặng (nếu đang thừa cân), duy trì cân nặng hợp lý, và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Bên cạnh đó việc khám bệnh định kỳ hoặc khi mới xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ do nhịp chậm kể trên nên tới khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để đánh giá cũng như đưa ra phác đồ xử trí phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai Gói khám Rối loạn nhịp tim, trong đó có sử dụng phương pháp Holter điện tâm đồ để phát hiện rối loạn nhịp tim. Gói khám được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tim mạch, luôn tận tụy và hết lòng với bệnh nhân, cùng sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại sẽ giúp phát hiện rối loạn nhịp tim sớm và chính xác nhất, để từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Thạc sĩ - Bác sĩ Cao Thanh Tâm đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch; Thực hiện siêu âm tim qua thành ngực trong lĩnh vực nội khoa và can thiệp Tim mạch; Thực hiện các Thăm dò chức năng không xâm lấn khác trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch. Hiện tại đang là bác sĩ Nội tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park từ tháng 11/2015.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.