Vai trò của máy tạo nhịp tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Máy tạo nhịp tim là một trong những thiết bị giúp tim đập đều đặn và hiệu quả hơn. Là một trong những phương tiện giúp hỗ trợ, kiểm soát các bệnh tim như rối loạn nhịp tim, tim đập không đều,...

1. Máy tạo nhịp tim

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị được sử dụng giúp cho tim đập đều đặn và hiệu quả hơn. Máy tạo nhịp tim có cấu tạo gồm hai phần là bộ điều khiển và hai dây điện cực.

  • Dây điện cực: Một đầu dây điện cực thứ nhất được nối với bộ điều khiển, đầu dây còn lại được cắm vào thành tim. Dây điện cực thứ hai có 2 đầu được gắn ở buồng nhĩ và buồng thất.
  • Bộ điều khiển: một hộp kim loại nhỏ bao gồm mạch điện và pin. Bộ điều khiển điều chỉnh được tần số xung điện, từ đó gửi xung điện có năng lượng thấp đến tim bằng dây điện cực. Xung điện có tác dụng làm tim co bóp theo tần số đã được cài đặt.
Máy tạo nhịp tim
Máy tạo nhịp tim là thiết bị giúp cho tim đập đều đặn và hiệu quả

2. Vai trò máy tạo nhịp tim

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện tử có vai trò được dùng để điều trị các bệnh về tim mạch như rối loạn nhịp tim. Cấu tạo của tim có 4 ngăn, gồm hai ngăn trên và hai ngăn dưới. Các ngăn trên co lại hút màu và đẩy xuống các ngăn dưới của tim. Khi tâm thất co lại, chúng đẩy máu ra khỏi tim lưu thông khắp cơ thể. Quá trình co thắt được gọi là một nhịp tim và tín hiệu xung điện có vai trò kiểm soát nhịp đập.

Các tế bào ở các ngăn trên tạo ra tín hiệu điện này, di chuyển xuống ngăn dưới tạo ra sự co bóp xen kẽ. Rối loạn nhịp tim làm gián đoạn tín hiệu điện khiến tim đập không đều. Những trường hợp thường gặp là tăng nhịp tim và giảm nhịp tim. Rối loạn nhịp tim làm cho tim không bơm máu đúng cách có thể gây ra một số triệu chứng như:

  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Yếu mệt
  • Ngất xỉu
  • Nhịp tim nhanh
đau ngực
Nhịp tim rối loạn có thể gây đau tức ngực, khó thở

Các trường hợp nặng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan khác trong cơ thể hoặc gây ra ngừng tim. Do đó, máy tạo nhịp tim có thể giúp giảm các triệu chứng bằng cách sử dụng xung điện để tác động đến nhịp tim. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, máy tạo nhịp tim có thể làm chậm, làm nhanh hoặc ổn định nhịp tim.

Máy tạo nhịp tim có thể giải quyết được những vấn đề như rung tâm nhĩ. Trong trường hợp này, các ngăn trên của tim không co bóp đúng cách và tâm thất không thể bơm đủ máu ra khỏi tim. Máy tạo nhịp tim có thể đảm bảo được các buồng tim co bóp đúng cách. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có tình trạng rối loạn nhịp tim phải sử dụng máy tạo nhịp tim suốt đời.

Ngoài ra, trong một số trường hợp máy tạo nhịp tim có thể được trực tiếp cấy ghép tạm thời, nhằm đáp ứng với tình trạng chấn thương tim cấp tính ví dụ như thuốc quá liều hoặc đau tim. Những trường hợp này cần lưu ý khi lại gần máy chụp cộng hưởng từ hay đi qua hàng rào an ninh,... cần phải khai báo, vì nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến máy tạo nhịp tim, và gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Tóm lại, vai trò của máy tạo nhịp tim dùng để theo dõi và ghi lại các hoạt động của tim. Đồng thời, nó cũng có thể tự động điều chỉnh các xung điện của tim theo thông tin mà nó ghi nhận được.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan