Bạn có biết 06 sự thật về cơn đau thắt ngực? Bạn từng trải qua cơn đau thắt ngực và lo lắng rằng đó có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Nhưng thực tế lại không phải bệnh lý tim mạch. Hoặc đôi khi bạn có biểu hiện đau ngực và nghĩ rằng do bệnh lý viêm dạ dày bạn đang có, nhưng lại là cơn nhồi máu cơ tim thật sự nguy hiểm tính mạng. Vậy cơn đau thắt ngực do bệnh lý tim có đặc điểm như thế nào và phân biệt đau ngực do bệnh lý khác ra sao?
1. Sự thật về cơn đau thắt ngực 01 - Đau ngực không nhất thiết là bị nhồi máu cơ tim
Khi người bệnh nghe bác sĩ nói rằng họ bị cơn đau thắt ngực, mọi người thường lầm tưởng đó là từ y học để mô tả nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi có tắc nghẽn mạch vành, nguyên nhân thường là do các mảng bám trên thành động mạch bong ra và gây tắc mạch. Tuy nhiên, không phải trường hợp đau thắt ngực nào cũng là đang bị nhồi máu cơ tim, đó có thể là triệu chứng của bệnh mạch vành, nhưng chưa phái tình trạng tắc mạch vành cấp. Nếu cơn đau thắt ngực xảy ra khi gắng sức và hết khi nghỉ ngơi, người ta gọi đó là cơn đau thắt ngực ổn định. Nếu cơn đau thắt ngực xảy ra cả khi nghỉ và có tính chất kéo dài hơn, không đỡ dù đã nghỉ ngơi, có thể bạn đang có cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc ở tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, đây là trường hợp đau thắt ngực nguy hiểm cần tới bệnh viện kiểm tra sớm hoặc nhập viện ngay nếu tình trạng đau ngực liên tục không thuyên giảm.
2. Sự thật về cơn đau thắt ngực 02 - Các bệnh tim mạch khác cũng có thể gây ra đau ngực
Mặc dù bệnh động mạch vành là nguyên nhân phổ biến nhất của cơn đau thắt ngực, nhưng còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến triệu chứng đau ngực này. Dưới đây là một số vấn đề tim mạch khác có thể dẫn đến cơn đau thắt ngực:
● Viêm màng ngoài tim: Viêm hoặc nhiễm trùng màng ngoài tim có thể gây ra cơn đau tương tự như cơn đau thắc ngực.
● Viêm cơ tim: Viêm cơ tim cũng có thể gây đau ngực, thường kèm theo sốt, mệt mỏi và khó thở.
● Phình tách động mạch chủ cấp tính: Đây là một tình trạng hiếm nhưng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Bệnh này xảy ra khi có một vết rách trong lòng động mạch chủ (động mạch lớn nhất trong cơ thể), gây ra cơn đau dữ dội ở ngực và lưng.
● Đau thắt ngực do vi mạch: Đây là một bệnh ảnh hưởng đến các động mạch nhỏ nhất của tim, thường không thấy hẹp tương xứng khi kiểm tra các nhánh lớn của hệ thống động mạch vành
Mặc dù cơn đau thắt ngực thường là dấu hiệu của vấn đề tim mạch, nhưng trên thực tế, bất kỳ cơ quan hoặc bộ phận ở lồng ngực, bao gồm phổi, thực quản, cơ, gân, xương sườn và thần kinh, cũng có thể là nguồn gốc của đau ngực.
3. Đau ngực có thể không đến từ tim hoặc thậm chí không từ lồng ngực!
Đau ngực thường được liên kết với các vấn đề tim mạch, nhưng điều quan trọng là bạn không nên bỏ qua các yếu tố nguyên nhân khác. Đau ngực có thể xuất phát từ nhiều cơ quan, tạo ra những cơn đau từ ngực và lưng, khiến cho người bệnh lầm tưởng cơn đau là do tim.
Theo nghiên cứu, khoảng 25% người có cơn đau thắt ngực không phải từ nguyên nhân tim mạch, mà từ:
● Bệnh lý tiêu hóa: Các bệnh như loét dạ dày, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản và sỏi mật.
● Hô hấp: viêm phổi và viêm màng phổi hoặc tràn dịch, tràn khí màng phổi bất thường.
● Rối loạn lo âu: Các cơn lo lắng, còn gọi là rối loạn lo âu, có thể gây ra đau ngực và các triệu chứng khác giống nhồi máu cơ tim.
● Viêm các khớp nối xương sườn với xương ức : Viêm các khớp giữa xương sườn với xương ức cũng có thể gây ra đau ngực.
● Viêm gân hoặc đau cơ: Viêm gân hoặc đau cơ ở thành ngực hoặc xương sườn cũng có thể gây đau ngực.
● Hen: Bệnh hen suyễn có thể gây ra khó thở và đau ngực.
● Đau do rona thần kinh: Một loại bệnh do virus gây nên, cũng có thể gây đau ngực do viêm các dây thần kinh liên sườn bị nhiễm Rona virus
4. Không phải ai cũng có triệu chứng đau ngực rõ ràng khi bị nhồi máu cơ tim
Mặc dù cơn đau thắt ngực thường được liên kết với nhồi máu cơ tim, nhưng không phải ai cũng sẽ có cơn đau ngực như vậy. Một số người có thể cảm thấy cơn đau dữ dội, trong khi người khác chỉ cảm thấy khó thở nhiều kèm nặng ngực hoặc thậm chí, họ có thể không cảm thấy đau chút nào.
● Phụ nữ thường có các triệu chứng nhồi máu cơ tim khác hơn so với nam giới. Theo bác sĩ Gary Schaer, phụ nữ thường ít khi có các triệu chứng kinh điển của nhồi máu cơ tim. Thay vào đó, một số phụ nữ có thể có triệu chứng choáng váng, buồn nôn, mệt mỏi và có thể đau lan ra cả hai cánh tay thay vì chỉ một cánh tay trái như ở nam giới.
● Bệnh nhân tiểu đường cũng có thể sẽ không cảm thấy cơn đau thắt ngực vì có thể hệ thần kinh cảm giác của họ không còn hiệu quả giống như bình thường. Khi bị nhồi máu cơ tim, người mắc tiểu đường có thể cảm thấy mất thăng bằng, cảm giác ngột ngạt, khó thở hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy mệt.
● Các bệnh nhân cao tuổi có thể không cảm thấy đau ngực, và một số nghiên cứu cho thấy những người có ngưỡng nhận cảm đau cao cũng giảm khả năng nhận biết các dấu hiệu của cơn đau thắt ngực.
Do đó, nếu bạn hoặc người khác trong gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc tuổi đã cao, việc theo dõi và quản lý sức khỏe tim mạch là vô cùng quan trọng, đôi khi không có triệu chứng đau ngực rõ ràng nhưng người bệnh đã có tình trạng nhồi máu cơ tim và bị bỏ qua.
5. Thời gian là cơ tim, không có thời gian để trì hoãn nếu nhồi máu cơ tim cấp
Nếu bạn nghĩ rằng mình đang bị nhồi máu cơ tim, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian đóng vai trò vô cùng quan trọng, càng để lâu động mạch vành sẽ tắc nghẽn càng lâu và vùng cơ tim bị thiếu máu sẽ có nguy cơ mất chức năng vĩnh viễn không thể hồi phục dẫn đến suy tim. Một số trường hợp còn xảy ra hoại tử cơ tim sau nhồi máu cơ tim và gây ra thủng tim, đột tử do nhồi máu cơ tim cấp.
Nếu bạn lo lắng về mức độ đau khác thường của cơn đau thắt ngực, hoặc nếu cơn đau ngực kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, hãy nói chuyện ngay với các bác sĩ. Họ sẽ tiến hành thực hiện thăm khám, xét nghiệm và chụp chiếu để xác định nguyên nhân, giúp bạn điều trị giảm đau thắt ngực và ngăn ngừa các vấn đề như nhồi máu cơ tim có thể xảy ra trong tương lai hoặc can thiệp kịp thời nếu bạn có tình trạng nhồi máu cơ tim cấp.
6. Bác sĩ sẽ hỏi những thông tin gì khi bạn có tình trạng đau ngực?
Các câu hỏi mà bác sĩ thường hỏi bạn:
- Lần đầu tiên bạn cảm thấy đau tức ngực là khi nào?
- Đau ngực trở nên nhiều hơn hay đỡ hơn?
- Bạn có các triệu chứng khác như chóng mặt, khó thở hoặc nôn không?
- Có yếu tố gì làm giảm bớt hoặc tăng mức độ đau ngực của bạn không?
- Bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tim không?
- Bạn có bị cholesterol cao, tăng huyết áp hoặc tiểu đường không?
- Những loại thuốc điều trị hoặc thuốc bổ sung bạn đang dùng là gì?
Các câu hỏi bạn nên hỏi bác sĩ:
- Bác sĩ nghĩ nguyên nhân gì khiến tôi có triệu chứng đau ngực?
- Có thể có những nguyên nhân khác không?
- Tôi có cần xét nghiệm không?
- Các lựa chọn điều trị của tôi là gì và có rủi ro nào liên quan đến các phương pháp điều trị này không?
Trên đây là những thông tin thêm về cơn đau thắt ngực với mục đích giúp cho người bệnh và gia đình hiểu hơn về các nguyên nhân có thể dẫn đến triệu chứng đau ngực và có thái độ đánh giá đúng mực với triệu chứng đau tức ngực đang có. Bệnh tim mạch là nhóm bệnh lý nguy hiểm và không thể chủ quan đặc biệt khi có tình trạng đau thắt ngực, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tình trạng tim mạch và tính mạng nếu không được kiểm tra và điều trị kịp thời.