Trĩ nội độ 3 có cần phẫu thuật?

Trĩ nội độ 3 là giai đoạn bệnh có nhiều biểu hiện nghiêm trọng, thường gây khó chịu và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị trĩ nội độ 3 cần được cân nhắc có nên phẫu thuật không, hay chỉ cần điều trị bằng thuốc. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ các yếu tố cần xem xét để quyết định khi điều trị.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Trĩ nội là gì?

Trĩ nội là bệnh phát triển trong khoang dưới niêm mạc, bắt nguồn từ đám tĩnh mạch trĩ nằm bên trong hậu môn. Nguyên nhân gây bệnh thường do thói quen sinh hoạt không lành mạnh, hội chứng ruột kích thích, trong thời kỳ mang thai…

Phân độ trĩ nội:

  • Độ 1: Ở giai đoạn này, bệnh mới bắt đầu và chưa có những dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh thường gặp phải tình trạng táo bón kéo dài, kèm theo cảm giác đau rát và ngứa ngáy khó chịu khi đi vệ sinh. Máu có thể chảy nhưng chưa nhiều, chỉ xuất hiện một ít trên giấy vệ sinh. Búi trĩ đã hình thành nhưng rất khó quan sát bằng mắt thường vì vẫn nằm trong ống hậu môn.
  • Độ 2: Bệnh bắt đầu nặng hơn, với dấu hiệu là lượng máu chảy nhiều hơn, kèm theo cảm giác đau rát và ngứa ở hậu môn. Búi trĩ bắt đầu lòi ra ngoài với biểu hiện là xuất hiện cục thịt nhỏ khi đi đại tiện, nhưng thường sẽ co lại ngay sau đó.
  • Độ 3: Lượng máu chảy ra lúc này tăng lên đáng kể. Do búi trĩ đã phát triển, người bệnh thường xuyên cảm thấy đau và gặp khó khăn khi ngồi, ngay cả khi không đi đại tiện. Kích thước của búi trĩ quá lớn nên không thể tự co vào bên trong, nhưng bệnh nhân vẫn có thể dùng tay để đẩy búi trĩ vào trong.
  • Độ 4: Ở giai đoạn này, búi trĩ đã quá lớn, gây sa ra ngoài ngay cả khi không đi đại tiện và không thể đẩy vào trong. Người bệnh luôn cảm thấy đau đớn và có thể chảy máu bất cứ lúc nào. Ngoài bệnh trĩ, bệnh nhân còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như nhiễm trùng búi trĩ, hoại tử búi trĩ, nứt kẽ hậu môn, áp xe hậu môn và thậm chí là ung thư trực tràng. 
Trĩ nội được chia thành 4 cấp độ.
Trĩ nội được chia thành 4 cấp độ.

2. Trĩ nội độ 3 có cần phẫu thuật?

Trĩ nội độ 3 thường có xu hướng sa ra bên ngoài và không tự co lại, điều này dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn hậu môn, gây tổn thương cho các tế bào xung quanh, đặc biệt là khi đại tiện. Tùy thuộc vào từng trường hợp và khả năng phát triển của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân điều trị nội khoa hoặc sử dụng phương pháp phẫu thuật để giảm thiểu biến chứng.

Trĩ nội độ 3 có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng như viêm nhiễm, sưng phù và thậm chí nhiễm trùng hậu môn và mất máu. Do đó, việc điều trị bệnh trĩ nội độ 3 trở nên cấp thiết và yêu cầu bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt. Phẫu thuật cắt búi trĩ nội độ 3 là cần thiết nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng như nghẹt búi trĩ, chảy máu hậu môn và viêm nhiễm nặng.

Bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị trĩ nội độ 3 bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng, vì vậy bệnh nhân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định phương pháp điều trị.

Bệnh trĩ độ 3 là giai đoạn nặng của bệnh. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu việc sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật. 

Nếu việc điều trị trĩ nội độ 3 bằng thuốc không hiệu quả bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Nếu việc điều trị trĩ nội độ 3 bằng thuốc không hiệu quả bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Như vậy, phẫu thuật không hoàn toàn bắt buộc ở giai đoạn này, nhưng nếu việc sử dụng thuốc không hiệu quả thì bệnh nhân cần tiến hành phẫu thuật. Quyết định có phẫu thuật hay không cần phải dựa vào sự kiểm tra và kết luận của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào khác, vì điều này có thể làm cho các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dù là điều trị nội khoa hay ngoại khoa, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng, cụ thể:

2.1. Phương pháp phẫu thuật trĩ

  • Ưu điểm: Kết quả điều trị nhanh chóng, bệnh nhân có thể xuất viện và phục hồi sau khoảng một tuần kể từ khi phẫu thuật.
  • Nhược điểm: Tuy nhiên, phẫu thuật cắt trĩ cũng có một số nhược điểm bao gồm chi phí thực hiện ca phẫu thuật cao và tốn kém. Bệnh nhân cần thời gian để nghỉ ngơi để phục hồi vết thương. Phẫu thuật có thể gây tổn thương cho hậu môn, dẫn đến các di chứng như nhiễm trùng hoặc hẹp hậu môn. Ngoài ra, búi trĩ có nguy cơ tái phát cao nếu không được chăm sóc đúng cách.
Phẫu thuật cắt búi trĩ giúp điều trị nhanh chóng và thời gian phục hồi ngắn.
Phẫu thuật cắt búi trĩ giúp điều trị nhanh chóng và thời gian phục hồi ngắn.

2.2. Phương pháp điều trị nội khoa

  • Ưu điểm: Chi phí thấp, tiết kiệm và an toàn trong quá trình điều trị với khả năng điều trị dứt điểm bệnh trĩ.
  • Nhược điểm: Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số nhược điểm như thời gian điều trị lâu, hiệu quả chậm và có nguy cơ gặp tác dụng phụ khi lạm dụng thuốc.

Phương pháp phẫu thuật được áp dụng cho những trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc khi trĩ có dấu hiệu biến chứng đe dọa đến tính mạng. Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật cũng rất quan trọng. Những trường hợp trĩ nặng cần lựa chọn các phương án tối ưu để đạt được hiệu quả cao nhất. Bệnh nhân không nên quá lo lắng vì hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật hiện đại, ít đau, ít chảy máu và thời gian phục hồi nhanh.

3. Các phương pháp phẫu thuật trĩ nội độ 3

  • Đốt laser: Phương pháp này sử dụng chùm tia laser tác động vào búi trĩ thông qua ống kính chứa CO2, giúp cắt búi trĩ mà không cần dao phẫu thuật. Nhờ vào lượng nhiệt lớn, phương pháp này còn giúp làm bay hơi phần búi trĩ có chứa hơi nước.
  • Chích xơ hoá búi trĩ: Nguyên tắc của phương pháp này là bác sĩ tiêm một lượng hóa chất nhất định vào búi trĩ, nhằm tạo xơ bên trong. Điều này khiến máu không thể lưu thông đến búi trĩ, dẫn đến việc búi trĩ sẽ tự động teo đi theo thời gian.
  • Phương pháp Longo: Đây là phương pháp điều trị hiện đại đang được áp dụng. Bác sĩ sẽ sử dụng mũi khâu vòng để cắt khoanh niêm mạc trĩ trực tiếp trên đường lược. Nhờ vào các thao tác này, lượng máu lưu thông đến búi trĩ sẽ giảm, giúp búi trĩ teo nhỏ một cách dễ dàng.
  • Phương pháp HCPT: Phương pháp này được đánh giá cao về độ chính xác trong điều trị và khả năng phục hồi nhanh chóng. Bác sĩ sẽ sử dụng sóng cao tần để làm đông các tế bào và tạo ra các nút thắt mạch máu. Cuối cùng, dao điện sẽ được sử dụng để cắt búi trĩ ngay trong ống hậu môn. 
Longo là phương pháp điều trị trĩ nội hiện đại.
Longo là phương pháp điều trị trĩ nội hiện đại.

Điều trị bệnh trĩ bằng phẫu thuật đã có từ rất lâu và được coi là phương pháp điều trị triệt để nhất. Đến nay, mặc dù có nhiều cải tiến về kỹ thuật, phẫu thuật vẫn chủ yếu được chia thành hai nhóm: cắt búi trĩ riêng lẻ và cắt toàn bộ niêm mạc. Vào năm 1998, Antonio Longo đã giới thiệu một kỹ thuật điều trị trĩ mới, đó là cắt một vòng niêm mạc dưới niêm mạc trực tràng, khoảng 3cm trên đường lược. Kỹ thuật này nhằm kéo búi trĩ và niêm mạc trực tràng sa trở về vị trí cũ, đồng thời hạn chế cung cấp máu tới các búi trĩ.

Phương pháp Longo là một phương pháp điều trị phổ biến hiện nay, mang tính hiện đại và hiệu quả cao. Phương pháp này giúp hạn chế các biến chứng sau phẫu thuật và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng.

4. Phẫu thuật trĩ nội độ 3 có biến chứng không?

Ngoài vấn đề trĩ nội độ 3 có cần phẫu thuật không, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như:

  • Vị trí mổ bị chảy máu.
  • Đại tiện không kiểm soát.
  • Hậu môn hẹp tạm thời hoặc vĩnh viễn.
  • Bí tiểu (phổ biến ở nam giới).
  • Sa niêm mạc.
  • Vị trí cắt trĩ có thể nhiễm trùng. 
Sau khi phẫu thuật bệnh nhân có thể xuất hiện một số biến chứng không mong muốn.
Sau khi phẫu thuật bệnh nhân có thể xuất hiện một số biến chứng không mong muốn.

Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler

Trĩ nội độ 3 là giai đoạn nghiêm trọng và có thể gây ra nhiều bất tiện cũng như đau đớn cho người bệnh. Việc quyết định có cần thực hiện phẫu thuật hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, việc tham khảo ý kiến từ bác sĩ, tiến hành khám định kỳ rất quan trọng để đưa ra quyết định điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe