Trĩ nội độ 2 điều trị thế nào?

Điều trị trĩ nội độ 2 bao gồm các phương pháp nhằm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng tái phát. Trĩ nội độ 2 được đặc trưng bởi các búi trĩ sa ra ngoài trong khi đi vệ sinh nhưng có khả năng tự co lên sau khi đại tiện. Vậy trĩ độ 2 uống thuốc có khỏi không, trĩ độ 2 có tự khỏi không? Cùng giải đáp những thắc mắc qua bài viết dưới đây.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS CK II Nguyễn Ngọc Thắng, bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Tổng quan trĩ nội độ 2

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trĩ nội được chia thành nhiều độ khác nhau và phân độ chỉ áp dụng cho trĩ nội, không áp dụng cho trĩ ngoại. Trĩ nội độ 2 được định nghĩa là tình trạng búi trĩ sa ra ngoài khi đi đại tiện nhưng có khả năng tự co lại sau khi đại tiện xong.

Trong các triệu chứng lâm sàng của trĩ nội độ 2, hai dấu hiệu chính thường được nhận biết bao gồm:

  • Chảy máu: Đây là triệu chứng sớm nhất và phổ biến nhất đối với bệnh nhân mắc trĩ. Khi đi vệ sinh, máu có thể xuất hiện dưới dạng nhỏ giọt, dính vào phân hoặc thậm chí chảy thành dòng, đặc biệt khi ngồi xổm. Máu chảy thường là máu tươi hoặc dạng cục.
  • Sa búi trĩ: Tình trạng này thường xuất hiện sau một thời gian có triệu chứng chảy máu khi đi đại tiện. Đối với trĩ độ 2, búi trĩ có thể tự co lên được sau khi sa xuống. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, búi trĩ sẽ sa xuống nhiều hơn và cuối cùng không thể tự co lên được, dẫn đến trĩ độ 4. 
Các mức độ trĩ nội.
Các mức độ trĩ nội.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như đau rát khi đi vệ sinh, táo bón, ngứa vùng hậu môn. Điều trị trĩ nội độ 2 sớm và đúng cách sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển nghiêm trọng hơn của bệnh.

2. Trĩ độ 2 có tự khỏi không?

Trong một số trường hợp, trĩ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, để tránh bệnh kéo dài, bệnh nhân nên tiến hành can thiệp và điều trị từ sớm.  

Điều trị trĩ ở giai đoạn đầu, như trĩ độ 1 và độ 2, mang lại nhiều lợi ích bao gồm việc sử dụng các biện pháp nhẹ nhàng hơn, đạt hiệu quả cao, ngăn ngừa các biến chứng liên quan và giảm thiểu khả năng tái phát của bệnh.

Để điều trị trĩ nội độ 2 một cách dứt điểm, việc áp dụng đúng phương pháp điều trị từ đầu, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng. Nếu không điều trị triệt để từ nguyên nhân, bệnh trĩ có nguy cơ tái phát và thường trở nên nghiêm trọng hơn trong mỗi lần tái phát. Do đó, người bệnh cần tiến hành chẩn đoán và được thăm khám kỹ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa để đánh giá chính xác tình trạng búi trĩ và nhận được phác đồ điều trị trĩ nội độ 2 phù hợp nhất.

3. Điều trị trĩ nội độ 2

Câu hỏi phổ biến trong việc điều trị trĩ nội độ 2 là liệu có cần đến phương pháp phẫu thuật không hay trĩ độ 2 uống thuốc có khỏi không. Sự lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào phân độ của trĩ, giai đoạn bệnh và kích thước của búi trĩ.

Điều trị trĩ nội độ 2 có thể bao gồm cả điều trị nội khoa lẫn các thủ thuật khác:

3.1 Điều trị nội khoa

Vệ sinh búi trĩ: Người bệnh nên ngâm hậu môn trong nước lạnh khoảng 15 phút mỗi lần, thực hiện 2-3 lần mỗi ngày để giảm sưng và làm dịu búi trĩ.

Sử dụng thuốc:

  • Thuốc trợ tĩnh mạch: Dùng các thuốc có chứa tác nhân trợ tĩnh mạch, dẫn xuất từ flavonoid để tăng cường trương lực của tĩnh mạch, bảo vệ hệ thống vi tuần hoàn, giảm phù nề, và có tác dụng kháng viêm, chống nhiễm trùng.
  • Thuốc tại chỗ: Bao gồm thuốc mỡ (pommade) và viên đạn dược (suppositoire) giúp kháng viêm, làm mất cảm giác đau và tăng hiệu quả của tác nhân trợ tĩnh mạch.

Việc chăm sóc và điều trị trĩ nội độ 2 kịp thời sẽ hỗ trợ giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

3.2. Điều trị bằng các thủ thuật

Nếu điều trị trĩ nội độ 2 bằng phương pháp nội khoa không mang lại hiệu quả, việc kết hợp điều trị nội khoa và các thủ thuật khác là cần thiết.

3.2.1 Phẫu thuật Longo

Phương pháp phẫu thuật Longo sử dụng máy khâu vòng để cắt khoanh niêm mạc (khoảng 3-5 cm trên đường lược) và khâu vòng bằng máy bấm khâu tự động. Phương pháp này hoạt động theo nguyên tắc cắt và khâu khoanh niêm mạc tại vị trí có búi trĩ, từ đó giúp giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ, từ đó làm giảm thể tích búi trĩ và giúp treo đệm hậu môn trở lại vị trí ban đầu.

Ưu điểm của phẫu thuật Longo:

  • Thời gian nằm viện ngắn, ít cần nghỉ dưỡng.
  • Phù hợp cho các trường hợp sa trực tràng và trĩ nội.
  • Sử dụng chỉ tự tiêu, đảm bảo tính thẩm mỹ và hạn chế nhiễm trùng.
  • Bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau một thời gian ngắn.

Nhược điểm:

  • Chi phí cao.
  • Tỷ lệ tái phát cao.
  • Có nguy cơ gặp phải biến chứng như chảy máu thứ phát, thủng hoặc hẹp trực tràng thứ phát. 
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật Longo để điều trị trĩ nội độ 2 là thời gian nằm viện của bệnh nhân được rút ngắn nhưng chi phí phẫu thuật cao.
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật Longo để điều trị trĩ nội độ 2 là thời gian nằm viện của bệnh nhân được rút ngắn nhưng chi phí phẫu thuật cao.

3.2.2 Phương pháp chích xơ

Phương pháp này được áp dụng cho trĩ độ 1 và độ 2, áp dụng bằng cách bơm thuốc trực tiếp vào gốc búi trĩ để giảm lượng máu đến búi trĩ và tạo mô sẹo xơ giúp cố định lớp cơ dưới niêm mạc, từ đó giảm triệu chứng chảy máu. 

Phương pháp chích xơ điều trị trĩ nội độ 2.
Phương pháp chích xơ điều trị trĩ nội độ 2.

Ưu điểm của phương pháp chích xơ:

  • Kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện.
  • Thủ thuật nhanh chóng, thời gian tiến hành ngắn, không gây áp lực cho bệnh nhân và người thực hiện
  • An toàn cho người bệnh.

Nhược điểm:

  • Đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa tay nghề cao để đạt kết quả tốt và hạn chế biến chứng.
  • Có thể xảy ra biến chứng như chảy máu tại chỗ chích xơ, viêm tuyến tiền liệt, hoặc các vấn đề ở hậu môn và âm đạo.

3.2.3 Quang đông hồng ngoại

Phương pháp này sử dụng năng lượng hồng ngoại để làm đông mô, tạo sẹo xơ giúp giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định búi trĩ trong ống hậu môn.

Ưu điểm của quang đông hồng ngoại:

  • Không ảnh hưởng đến các thiết bị y tế điện tử khác như máy điều hòa nhịp tim.
  • An toàn và hiệu quả cao trong cầm máu.

Nhược điểm:

  • Chi phí cao và thường cần thực hiện nhiều lần.

3.2.4 Thắt trĩ bằng vòng cao su

Phương pháp thắt trĩ bằng vòng cao su để điều trị trĩ nội độ 2 dựa trên nguyên tắc cột búi trĩ cùng với da xung quanh hậu môn để giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, từ đó tạo mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới niêm mạc. Từ đó, phương pháp này giúp cố định ống hậu môn theo nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn.

Nhược điểm của thắt trĩ bằng vòng cao su:

  • Có thể gây đau rát, khó chịu cho bệnh nhân do phương pháp này thắt chung búi trĩ vào da hậu môn.
  • Hiện nay phương pháp này không còn phổ biến do các hạn chế về cảm giác đau và một số biến chứng có thể xảy ra.

Ngoài các phương trên, để điều trị trĩ nội độ 2 còn có các phương pháp khác ít được sử dụng hơn:

  • Phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc: Hiện nay ít được sử dụng do để lại nhiều biến chứng và có tỷ lệ tái phát cao.
  • Phẫu thuật cắt búi trĩ: Chỉ áp dụng cho trĩ độ 2 khi búi trĩ có kích thước lớn, đa búi hoặc trong trường hợp bệnh nhân chảy máu nhiều và liên tục.

3.3. Chế độ chăm sóc

Trong quá trình điều trị trĩ nói chung và điều trị trĩ nội độ 2 nói riêng, việc duy trì một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng.

  • Thói quen đi vệ sinh: Người bệnh cần phát triển thói quen đi vệ sinh đều đặn mỗi ngày để tránh tình trạng táo bón, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trĩ. 
Cần tập thói quen đi vệ sinh đều đặn hằng ngày giúp hỗ trợ điều trị trĩ nội độ 2.
Cần tập thói quen đi vệ sinh đều đặn hằng ngày giúp hỗ trợ điều trị trĩ nội độ 2.
  • Chế độ ăn uống: Hạn chế chất kích thích như rượu, cà phê và các thức ăn cay nóng, vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Đồng thời, bệnh nhân cần tăng cường bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn qua rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, phòng ngừa táo bón.
  • Tăng cường hoạt động thể chất và thể thao: Điều này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể mà còn hỗ trợ giảm triệu chứng của trĩ, cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa và hệ thống tuần hoàn.
  • Điều trị các bệnh lý mạn tính: Viêm phế quản, giãn phế quản hay các vấn đề về tiêu hóa (như táo bón) cần được điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng xấu đến tình trạng trĩ.

Trĩ nội độ 2 không phải là tình trạng không thể chữa trị. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh hoàn toàn có thể khỏi bệnh và giảm thiểu tối đa các biến chứng có thể xảy ra. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe