Tắc ruột: Cơ chế sinh bệnh và nguyên tắc điều trị phẫu thuật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp trong cấp cứu ổ bụng. Hội chứng tắc ruột có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Việc điều trị tắc ruột chủ yếu là phẫu thuật và hồi sức để điều chỉnh các rối loạn toàn thân do tắc ruột gây nên, loại trừ nguyên nhân gây tắc.

1. Tắc ruột là gì?

Tắc ruột là quá trình di chuyển của các chất trong lòng ruột bị ngưng trệ, đây là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm tỷ lệ 9 - 19% cấp cứu bụng và 0,8 - 1,2% các bệnh ngoại khoa.

Các chất trong lòng ruột:

  • Ruột non: Thức ăn trong quá trình tiêu hóa, hấp thu, dịch tiêu hóa
  • Ruột già: Hơi, phân

Tắc ruột gặp ở mọi lứa tuổi, ở cả hai giới, nhưng mỗi lứa tuổi có những nguyên nhân hay gặp khác nhau. Tắc ruột thường được chia thành 2 loại:

  • Tắc ruột cơ năng: Chiếm tỷ lệ 3 - 5%
  • Tắc ruột cơ học: Thường gặp hơn, chiếm tỷ lệ 95 - 97%.
Phân biệt tắc ruột và liệt ruột sau mổ nhờ chụp CT
Tắc ruột là quá trình di chuyển của các chất trong lòng ruột bị ngưng trệ

2. Cơ chế bệnh sinh của tắc ruột

2.1 Tắc ruột cơ học

Vật cản cơ học là rào cản vật lý ngăn chặn hoặc hạn chế dòng chảy của vật chất qua ruột. Bao gồm:

  • Do dính, hoặc mô có thể phát triển sau phẫu thuật bụng hoặc xương chậu
  • U đường tiêu hóa
  • Nuốt phải dị vật, dị vật trong lòng ruột (Búi giun đũa , u bã thức ăn, u tóc,...)
  • Sỏi mật, mặc dù đây là một nguyên nhân hiếm gặp của tắc ruột
  • Thoát vị (thoát vị bẹn nghẹt, thoát vị đùi nghẹt,...)
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh viêm ruột (IBDs)
  • Chứng lồng ruột
  • Hội chứng nút phân su (phân su là loại phân đầu tiên mà trẻ sơ sinh thải ra)
  • Khối u
  • Xoắn ruột: Xoắn ruột non do quai tiểu tràng còn bị dính và cố định, quai ruột chứa đầy giun
  • Xoắn đại tràng Sigma: Do đại tràng quá dài so với rễ mạc treo, táo bón kinh niên, đại tràng chứa nhiều phân cục.

2.2 Tắc ruột cơ năng

Tắc ruột cơ năng gây ra bởi những vật cản không cơ học như do co thắt (gặp trong tổn thương thần kinh, ngộ độc chì) hoặc do liệt ruột (các nguyên nhân gây liệt ruột như: Viêm phúc mạc, tổn thương thần kinh tủy sống, máu tụ sau phúc mạc, nhiễm khuẩn toàn thân).

Tắc ruột cơ năng xảy ra khi có một bất thường gây phá vỡ hoạt động của toàn bộ hệ thống tiêu hóa. Ruột già và ruột non di chuyển nhờ các cơn co thắt phối hợp. Nếu quá trình này bị gián đoạn, tắc ruột cơ năng có thể xảy ra. Tuy nhiên một số bệnh lý mãn tính cũng có thể là nguyên nhân gây tắc ruột cơ năng.

Nguyên nhân gây tắc ruột cơ năng bao gồm:

  • Phẫu thuật bụng hoặc xương chậu
  • Đái tháo đường
  • Mất cân bằng điện giải
  • Suy giáp
  • Bệnh phì đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung’s disease)
  • Nhiễm trùng
  • Một số rối loạn thần kinh và cơ bắp, chẳng hạn như bệnh Parkinson
  • Thuốc opioid.
Tiểu đường ở trẻ em
Đái tháo đường có thể gây tắc ruột cơ năng

3. Điều trị tắc ruột

3.1 Nguyên tắc điều trị

Điều trị phẫu thuật kết hợp với hồi sức ngoại khoa trước trong và sau mổ nằm điều chỉnh các rối loạn toàn thân do tắc ruột gây nên (rối loạn nước điện giải) và loại trừ nguyên nhân gây tắc, phục hồi lưu thông ruột.

3.2. Điều trị các rối loạn toàn thân do tắc ruột gây nên

  • Truyền dịch và điện giải theo điện giải đồ, huyết tương, máu.
  • Hút dịch dạ dày ruột, phải làm ngay: Đặt sonde dạ dày để hút dịch ở trên chỗ tắc.
  • Kháng sinh và thuốc trợ sức, corticoid, giảm đau...

3.3. Điều trị phẫu thuật để giải quyết nguyên nhân tắc, phục hồi lưu thông ruột

3.3.1. Gây mê nội khí quản có giãn cơ

Đường mổ: phụ thuốc vào tình trạng bụng để quyết định phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật mở cũng như vị trí mở bụng

  • Nếu biết nguyên nhân tắc thì đường mổ phụ thuộc vị trí nguyên nhân và phẫu thuật dự định tiến hành.
  • Nếu nguyên nhân chưa rõ ràng thì nên dùng đường trắng giữa trên dưới rốn

Thăm dò

  • Tìm vị trí tắc
  • Đánh giá tổn thương

Xử trí nguyên nhân gây tắc ruột

  • Dị vật trong lòng ruột: Đẩy dị vật khi dị vật gần góc hồi manh tràng hoặc mở ruột lấy dị vật: mổ dưới chỗ tắc, lấy dị vật rồi khâu kín.
  • Thoát vị bẹn, đùi nghẹt: Phải xử trí ruột nghẹt, sau đó khâu phục hồi thành bụng.
  • Lồng ruột: Ở trẻ em: tiến hành tháo lồng và cố định. Nếu không tháo lồng được hoặc ruột bị hoại tử thì cần cắt đoạn ruột. Người lớn: tháo lồng, cố định hồi tràng với đại tràng, manh tràng với thành bụng, cắt ruột thừa. Nếu có u, cắt đoạn ruột có khối u hoặc nối tắt.
  • Xoắn ruột: Tháo xoắn và cắt bỏ nguyên nhân gây xoắn:
  • Đại trực tràng
  • Tắc ruột tái phát phải mổ đi mổ lại nhiều lần thì sau khi giải quyết nguyên nhân tắc ruột phải nghĩ đến việc cố định lại ruột. Làm phẫu thuật xếp ruột hoặc tạo dính ruột có thứ tự không bị gập góc thường là những tắc ruột sau mổ dính nhiều lần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan