Điều gì gây ra chứng đau bụng và tiêu chảy?

Bị đau quặn bụng từng cơn và tiêu chảy thường xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau ví dụ như chứng khó tiêu, nhiễm virus hoặc các loại bệnh đường ruột. Việc xác định nguyên nhân chính xác là rất cần thiết để có hướng điều trị kịp thời và phù hợp. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta biết rõ các nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - BV ĐKQT Vinmec Central Park.

1. Nguyên nhân bị đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy

1.1 Do bệnh lý nguy hiểm

Hầu hết mọi người có thể trải qua đau bụng và tiêu chảy ngắn hạn. Những thay đổi trong chế độ ăn, việc tiêu thụ rượu quá mức và tình trạng khó tiêu đều có thể là nguyên nhân của các triệu chứng này.

Tuy nhiên, nếu bị đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy thường xuyên, liên tục hoặc đau dữ dội, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý hoặc vấn đề y tế nghiêm trọng hơn. Các nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Viêm dạ dày ruột do virus, thường được gọi là cúm dạ dày.
  • Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn, thường liên quan đến ngộ độc thực phẩm.
  • Dị ứng thực phẩm.
  • Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
  • Hội chứng ruột kích thích, một rối loạn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
  • Viêm túi thừa.
  • Không dung nạp lactose, cơ thể không thể tiêu hóa lactose, một loại đường trong sữa và các sản phẩm từ sữa.
  • Tắc ruột do phân hoặc tắc ruột non.
  • Viêm ruột kết hoặc viêm ruột thừa.
  • Nhiễm virus Tây sông Nile.
  • Ký sinh trùng như giardiasis, amebiasis, hoặc giun móc.
  • Nhiễm vi khuẩn, ví dụ như shigellosis hoặc E. coli.
  • Dị ứng thuốc.
  • Bệnh celiac.
  • Bệnh Crohn.
  • Bệnh xơ nang.
  • Căng thẳng và lo lắng.
  • Một số dạng ung thư. 

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bệnh nhân bị đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bệnh nhân bị đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy.

1.2 Các bệnh lý liên quan đến đường ruột

Chứng khó tiêu, cảm cúm và ngộ độc thực phẩm là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tiêu chảy cấp tính và đau bụng. Trong những trường hợp này, các triệu chứng thường kéo dài dưới bốn ngày và thường tự hết mà không cần can thiệp y tế.

Các nguyên nhân khác có thể gây đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy bao gồm nhiễm trùng hoặc các bệnh lý ảnh hưởng đến các cơ quan trong bụng, gây ra đau do tiêu chảy. Các cơ quan trong bụng bao gồm:

  • Ruột.
  • Thận.
  • Ruột thừa.
  • Lách.
  • Dạ dày.
  • Túi mật.
  • Gan.
  • Tuyến tụy.

Tiêu chảy và đau bụng kéo dài hơn một tuần hoặc xuất hiện thường xuyên có thể là biểu hiện của một bệnh lý hoặc rối loạn ở đường ruột. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu những triệu chứng này kéo dài hơn một tuần hoặc lặp đi lặp lại.

Các tình trạng và rối loạn này có thể gây viêm ở các phần khác nhau của hệ tiêu hóa, bao gồm dạ dày và ruột. Viêm ở hệ tiêu hóa có thể gây ra các cơn chuột rút và làm gián đoạn quá trình tiêu hóa bình thường, dẫn đến đau bụng và tiêu chảy.

1.3 Nguyên nhân gây đau bụng và tiêu chảy ở trẻ em

Giống như ở người lớn, trẻ em bị đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy thường do các nguyên nhân như nhiễm trùng, dạ dày, dị ứng thực phẩm, không dung nạp lactose và căng thẳng. Tuy nhiên, ăn quá nhiều cũng có thể gây ra những triệu chứng này. Một số trẻ khó có thể nhận biết được khi nào trẻ thật sự đói hoặc no, dẫn đến việc ăn quá nhiều. Việc này có thể gây căng thẳng cho hệ tiêu hóa của chúng, từ đó có thể gây ra đau bụng và tiêu chảy. 


Trẻ nhỏ bị đau bụng và tiêu chảy cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Trẻ nhỏ bị đau bụng và tiêu chảy cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

1.4 Nguyên nhân gây đau bụng, tiêu chảy ở bà bầu

Phụ nữ mang thai thường dễ bị đau bụng và tiêu chảy hơn. Một nguyên nhân phổ biến là do họ thường thay đổi chế độ ăn uống sau khi phát hiện mình có thai, điều này có thể gây khó tiêu. Bên cạnh đó, sự thay đổi hormone trong hệ thống sinh sản khi mang thai cũng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng này.

2. Phân biệt đau bụng tiêu chảy thông thường với bị đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy

Đau bụng tiêu chảy thông thường:

  • Nguyên nhân là do ngộ độc thực phẩm, dị ứng với thuốc hoặc uống rượu bia quá nhiều.
  • Tình trạng này không quá nguy hiểm và bệnh nhân có thể tự chữa bằng các biện pháp tại nhà.

Đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy:

  • Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như viêm đại tràng co thắt hoặc thậm chí là ung thư bao gồm ung thư tụy, ung thư đường ruột…
  • Bệnh nhân sẽ xuất hiện các cơn đau quanh ổ bụng theo từng cơn.
  • Tần suất đi đại tiện tăng, phân lỏng kèm dịch nhầy và có cảm giác nóng rát ở hậu môn.
  • Không thể điều trị bằng thuốc được kê đơn.

3. Khi nào cần tìm kiếm trợ giúp y tế?

Nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức cho bất kỳ trường hợp bị đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy kéo dài hơn ba ngày, hoặc nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn trong 24 giờ, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng sau:

  • Buồn nôn hoặc nôn thường xuyên.
  • Sốt cao liên tục từ 101 độ F (tương đương 38 độ C), hoặc 100,4 độ F cho trẻ em.
  • Phân có máu hoặc máu khô (trông giống như bã cà phê ướt).
  • Không thể giữ thức ăn.
  • Cảm giác khát quá mức hoặc miệng khô rát.
  • Khó khăn trong việc nói hoặc nhìn.
  • Rối loạn tâm thần hoặc mất ý thức.
  • Vàng da hoặc vàng mắt.
  • Co giật.
  • Sưng tấy ở bộ phận sinh dục.
  • Chảy máu không thể kiểm soát. 
Khi xuất hiện buồn nôn hoặc nôn thường xuyên bệnh nhân nên đến bác sĩ điều trị.
Khi xuất hiện buồn nôn hoặc nôn thường xuyên bệnh nhân nên đến bác sĩ điều trị.

Tiêu chảy có thể cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, người lớn tuổi, và những người có hệ thống miễn dịch yếu kém. Trong những tình huống này, bệnh nhân nên nhanh chóng thảo luận về các triệu chứng với một chuyên gia y tế.

4. Các biện pháp chẩn đoán

Để xác định nguyên nhân gây ra đau bụng và tiêu chảy, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách khám sức khỏe tổng quát và đặt một số câu hỏi liên quan đến lịch sử sức khỏe và lối sống của bệnh nhân.  

Thường xuyên du lịch đến các quốc gia khác có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa, vì vậy hãy thông báo cho bác sĩ về bất kỳ chuyến đi nào gần đây. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hỏi về bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống gần đây.

Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm phân, trong đó mẫu phân của bệnh nhân sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Nếu kết quả xét nghiệm này không chỉ ra nguyên nhân, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các phân tích đầy đủ hơn để tìm kiếm các rối loạn tiêu hóa khác. Các xét nghiệm chẩn đoán thông thường khác bao gồm:

  • Nội soi thực quản dạ dày và tá tràng: Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng có gắn camera xuống cổ họng để xem xét dạ dày và tá tràng, tìm kiếm các vấn đề như loét hoặc dấu hiệu của bệnh celiac.
  • Nội soi đại tràng: Quá trình này bao gồm việc đưa một camera vào trực tràng và đại tràng, tìm các dấu hiệu tổn thương và bệnh tật như loét hoặc polyp.
  • Chụp X-quang đường tiêu hóa (trên hoặc dưới): Kỹ thuật viên sẽ chụp X-quang bụng theo thời gian thực, sau khi bác sĩ tiêm chất cản quang gốc bari vào trực tràng. Điều này giúp kiểm tra các tắc nghẽn ruột và các vấn đề khác. 

Bác sĩ có thể chỉ định nội soi đại tràng giúp chẩn đoán đau bụng và tiêu chảy.
Bác sĩ có thể chỉ định nội soi đại tràng giúp chẩn đoán đau bụng và tiêu chảy.

5. Phương pháp điều trị

Điều trị y tế có thể giải quyết nguyên nhân gây ra đau bụng và tiêu chảy. Nếu các triệu chứng liên quan đến căng thẳng và có thể được kiểm soát, một số biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể mang lợi hiệu quả.

Phương pháp điều trị y tế sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra các triệu chứng. Các phương pháp điều trị phổ biến cho các nguyên nhân này bao gồm:

  • Sử dụng kháng sinh để điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm ngộ độc thực phẩm.
  • Thuốc theo toa để điều trị dị ứng.
  • Thuốc chống trầm cảm để giảm căng thẳng và lo lắng.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kê đơn để điều trị các triệu chứng PMS.
  • Thuốc chống ký sinh trùng để tiêu diệt các ký sinh trùng.

Đối với việc khắc phục tại nhà, điều quan trọng là phải duy trì đủ nước trong cơ thể. Bệnh nhân nên uống nhiều chất lỏng trong suốt như nước lọc, nước trái cây, và nước canh. Ngoài ra, người bệnh cần tránh các chất kích thích như caffeine và rượu.

Khi hoạt động của ruột trở nên ổn định hơn, hãy bắt đầu ăn những thực phẩm nhẹ và ít chất xơ như bánh mì nướng, cơm và trứng. Tránh các thức ăn cay, giàu chất béo và nhiều chất xơ vì chúng có thể làm tình trạng viêm trong hệ tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn.  

Việc bổ sung probiotics có thể hỗ trợ quá trình chữa lành hệ tiêu hóa. Probiotics tự nhiên có thể được tìm thấy trong các sản phẩm như sữa chua. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng các chất bổ sung probiotic dạng viên nén hoặc bột.

Nhiều loại thuốc không kê đơn và chất bổ sung thảo dược có thể giúp làm dịu cơn đau dạ dày và tiêu chảy do nhiễm trùng hoặc khó tiêu. Một số chất bổ sung thảo dược được nhiều người ghi nhận lại hiệu quả bao gồm: cây nham lê, gừng, tía tô đất và hoa cúc. Bệnh nhân nên hỏi ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi sử dụng các chất bổ sung này để được tư vấn phù hợp. Khi dùng các loại thuốc không kê đơn, luôn tuân thủ hướng dẫn trên bao bì.

Để giải tỏa căng thẳng và lo lắng, bệnh nhân có thể thử các phương pháp như thiền, yoga, hít thở sâu, và các kỹ thuật thư giãn khác. Nói chuyện với một nhà trị liệu cũng có thể là một giải pháp hữu hiệu để hạn chế căng thẳng.

6. Làm thế nào để có thể ngăn ngừa đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy?

Không phải tất cả các trường hợp bị đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy đều có thể phòng tránh được, nhưng bạn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách áp dụng các biện pháp sau:

  • Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng.
  • Giới hạn lượng rượu tiêu thụ.
  • Hạn chế thức ăn cay và chất béo.
  • Uống đủ nước hàng ngày.
  • Rửa tay thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus gây ra các triệu chứng này.
  • Vệ sinh kỹ lưỡng khi chế biến thực phẩm, bao gồm rửa sạch bề mặt bếp và bảo quản thực phẩm một cách phù hợp. 

Uống nhiều nước có thể giúp ngăn ngừa chứng khó tiêu và đau bụng.
Uống nhiều nước có thể giúp ngăn ngừa chứng khó tiêu và đau bụng.

Đối với những người đi du lịch, "tiêu chảy du lịch" và đau bụng có thể xảy ra do thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Khi du lịch tại những nơi có tiêu chuẩn vệ sinh kém, hãy thận trọng với những gì bản thân ăn và uống. Tránh sử dụng nước máy, đá viên, và thực phẩm sống như trái cây hay rau củ đã gọt vỏ. Tham khảo các cảnh báo bệnh tật và lời khuyên du lịch từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh trên trang web sức khỏe du lịch của mình, cũng như hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đi du lịch nước ngoài.

Để xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng bị đau bụng quặn từng cơn và tiêu chảy, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và đánh giá kỹ lưỡng, từ đó nhận được chỉ định điều trị phù hợp.

Với các trang thiết bị máy móc hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, chuyên khoa Nội soi Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện là địa chỉ chăm sóc y tế chất lượng mà khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng tới khám khi gặp các vấn đề về tiêu chảy, đau bụng... Qua quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và tư vấn về hướng điều trị, chế độ, lối sống tốt nhất cho từng trường hợp bệnh nhân. Do đó, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng dịch vụ và y tế tại bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Tài liệu tham khảo

  • Abdominal pain. (2012, November) med.umich.edu/yourchild/topics/abpain.htm
  • Bateman, O.M., Jahan, R.A., Brahman, S., Zeitlyn, S., & Laston, S.L. (n.d.). Prevention of diarrhea through hygiene behaviors ehproject.org/PDF/Joint_Publications/JP004SAFEr.pdf
  • Belly pain. (2016, July) kidshealth.org/en/kids/abdominal-pain.html
  • Definition and facts for diarrhea. (2016, November) niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/diarrhea/definition-facts
  • Digestive disorders - diarrhea. (n.d.) hopkinsmedicine.org/healthlibrary/conditions/adult/digestive_disorders/diarrhea_85,P00365/
  • Mayo Clinic Staff. (2016, September 2). Diarrhea mayoclinic.com/health/diarrhea/MY00149
  • Diarrhea during pregnancy. (2015, July) americanpregnancy.org/pregnancy-concerns/diarrhea-during-pregnancy/
  • Mayo Clinic Staff. (2016, October 25). Abdominal pain mayoclinic.org/symptoms/abdominal-pain/basics/definition/sym-20050728
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe