Nhiễm trùng đường ruột là vấn đề sức khỏe phổ biến mà ai cũng có thể gặp, đặc biệt trong nhịp sống hối hả hiện nay và những lo ngại về an toàn thực phẩm. Tuy đa phần các trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau vài ngày, nhưng một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như mất nước nặng, suy thận, thậm chí tử vong.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Tổng quan về bệnh nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột là vấn đề sức khỏe phổ biến ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Nguyên nhân chính là do sự xâm nhập của các vi sinh vật gây hại, bao gồm vi khuẩn, nấm men và một số ít trường hợp do ký sinh trùng.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Nhiễm khuẩn đường ruột ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa của con người, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe chung. Nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột chính là do vi sinh vật có hại.
Mặc dù chúng có thể tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau, nhưng phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột đều xuất phát từ vi sinh vật có hại trong thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Trong xã hội hiện đại, các thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc được sản xuất tràn lan trên thị trường, khiến nguy cơ nhiễm trùng đường ruột tăng một cách đáng báo động.
Ngoài ra, một số loại vi khuẩn gây hại cho hệ tiêu hóa cũng có thể xuất hiện nhiều trong một số nhóm thực phẩm như thực phẩm đóng hộp, cá chứa hàm lượng thủy ngân cao,...
Đặc biệt, thói quen ăn rau sống của nhiều người Việt Nam cũng là một nguồn gây bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, do rau sống là nơi lý tưởng cho vi khuẩn E.coli - một trong những vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa rất phổ biến.
Cuối cùng, thói quen uống nước chưa đun sôi và không rửa tay trước khi ăn cũng góp phần làm gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh đường ruột.
3. Dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột sớm
3.1 Chán ăn và ăn không ngon miệng
Một trong những dấu hiệu sớm thường gặp của bệnh nhiễm khuẩn đường ruột là chán ăn. Người bệnh không có cảm giác thèm ăn hoặc ăn không ngon miệng, cảm thấy hương vị thức ăn nhạt nhẽo.
3.2 Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa
Người bệnh nhiễm khuẩn đường ruột thường xuyên gặp các cơn đau bụng quặn thắt liên tục, mỗi cơn kéo dài 3-4 phút và ngày càng nặng hơn. Kèm theo đó là cảm giác đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn và nôn mửa liên tục dù bệnh nhân ăn rất ít hoặc chỉ uống nước.
3.3 Dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột phổ biến - Tiêu chảy
Tiêu chảy là dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột phổ biến nhất do tác nhân gây hại tấn công và kích thích ruột. Biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh nhân là đi ngoài ra phân lỏng, có thể lẫn chất nhầy.
3.4 Vấn đề sức khỏe tâm thần
Nhiễm trùng đường ruột do nấm men tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến bệnh trầm cảm. Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy chán nản, mệt mỏi, lười vận động. Thêm vào đó, các triệu chứng tiêu hóa do nhiễm trùng cũng làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ.
3.5 Các dấu hiệu khác
- Các vi sinh vật gây nhiễm khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác như đường hô hấp, gây nhiễm trùng xoang mũi, ho, hoặc nhiễm siêu vi.
- Sự tác động của các chất kích thích như nấm men hoặc mất nước trong hệ tiêu hóa làm tăng nguy cơ nhức đầu.
- Ngứa da hoặc bỏng rát da cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường ruột.
4. Nhiễm trùng đường ruột có nguy hiểm không?
Nhiễm trùng đường ruột là một vấn đề y tế phổ biến, thường không nghiêm trọng và không gây ra bất kỳ biến chứng nào đối với sức khỏe nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Thậm chí, một số trường hợp có thể tự khỏi sau vài ngày.
Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng này kéo dài mà không được can thiệp y tế, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng, như sau:
- Nhiễm trùng tiến triển nặng có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày do các tác nhân làm tổn thương dạ dày.
- Viêm loét đại trực tràng và hội chứng ruột kích thích.
- Mất nước nghiêm trọng do triệu chứng tiêu chảy kéo dài; nếu không được bù nước kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.
5. Nhiễm khuẩn đường ruột có lây không?
Các bệnh do nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng đường ruột, đều có khả năng lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
Với bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, con đường lây truyền phổ biến nhất là qua đường ăn uống hoặc do không vệ sinh kỹ lưỡng sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, nguồn lây chính của bệnh thường xuất phát từ việc sử dụng thực phẩm hoặc nước bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn.
6. Hướng dẫn điều trị bệnh hiệu quả
Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột đều có thể áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc tại nhà.
Tiêu chảy khiến cơ thể mất đi lượng nước và chất điện giải thiết yếu, ảnh hưởng đến hoạt động sống. Do đó, điều quan trọng nhất khi bị tiêu chảy là bổ sung nước đầy đủ.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tự tăng cường số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột bằng cách: bổ sung sữa chua, thực phẩm lên men hoặc men vi sinh. Nhờ việc bổ sung lợi khuẩn đầy đủ, người bệnh có thể hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại và kích thích hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.
Nhiễm trùng nặng cần được điều trị y tế kịp thời. Hãy đến gặp bác sĩ để được thực hiện xét nghiệm và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nhiễm khuẩn đường ruột cần lưu ý những điều sau:
- Rửa tay sạch sẽ là biện pháp hiệu quả để ngắt chuỗi lây truyền bệnh nhiễm trùng.
- Uống nhiều nước giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân để tránh lây nhiễm.
- Loại bỏ mầm bệnh gây nhiễm trùng bằng cách khử trùng các nguồn lây lan.
- Đảm bảo vệ sinh nguồn nước.
Người bị nhiễm trùng đường ruột cần đến cơ sở y tế khám chữa bệnh để được bác sĩ điều trị kịp thời và tránh lây lan. Lưu ý không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
Nhiễm trùng đường ruột đang trở thành vấn đề sức khỏe phổ biến trong xã hội hiện đại. Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân cần bổ sung nước và các thực phẩm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng để cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.