Có biện pháp nào thải độc gan tại nhà?

Thải độc gan tại nhà đang là một trong những phương pháp chăm sóc gan đơn giản và được áp dụng phổ biến. Với lối sống hiện đại đầy căng thẳng và những thói quen ăn uống không lành mạnh khiến gan thường phải hoạt động quá mức. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các biện pháp thải độc gan đúng cách giúp gan khỏe mạnh và thực hiện tốt các chức năng.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

1. Gan có cơ chế tái sinh không?  

Trước khi đi sâu vào các phương pháp thải độc gan tại nhà, việc tìm hiểu cơ chế tái tạo gan là bước cần ưu tiên.

Gan sở hữu một đặc điểm đặc biệt là khả năng tự tái tạo. Điều này có nghĩa rằng sau khi bị tổn thương hoặc phẫu thuật cắt bỏ mô, gan có khả năng phục hồi bằng cách làm tăng kích thước các tế bào gan hiện tại và sau đó tạo ra các tế bào gan mới để thay thế mô đã mất.

Bệnh gan mạn tính có thể gây ảnh hưởng đến khả năng tái tạo của gan, do sự xuất hiện của sẹo và viêm mạn tính. Vì vậy, quá trình tái tạo gan trong trường hợp viêm gan mạn tính vẫn là một chủ đề cần nghiên cứu thêm. Hy vọng rằng các nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực này sẽ mở ra những phương pháp điều trị mới.

2. Những yếu tố gây tổn thương gan

Gan là cơ quan lớn nằm ở phía trên bên phải của vùng bụng, giữ vai trò quan trọng với nhiều chức năng cần thiết cho sức khỏe tổng quát của mỗi người, bao gồm:

  • Giải độc: Gan phân hủy thuốc, rượu và các chất độc khác để loại bỏ khỏi máu.
  • Tiêu hóa: Mật do gan sản xuất giúp phân giải chất béo và hấp thụ các vitamin từ thức ăn mà chúng ta tiêu thụ.
  • Dự trữ năng lượng: Gan có chức năng tích trữ năng lượng bằng cách dự trữ glucose dưới dạng glycogen và khi cơ thể cần, glycogen sẽ được chuyển đổi trở lại thành glucose để cung cấp năng lượng.

Một số chất và tình trạng sức khỏe có thể gây hại cho gan, dẫn đến việc hình thành sẹo. Khi sẹo tích tụ trong gan, mô sẹo này có thể thay thế các mô gan khỏe mạnh. Điều này khiến gan phải hoạt động nhiều hơn để thực hiện chức năng. Trong giai đoạn đầu, tổn thương gan có thể được chữa trị hoặc khắc phục. Có nhiều phương pháp giúp gan nghỉ ngơi và ngăn chặn những tổn thương lâu dài.

Rượu là một trong những yếu tố có thể gây tổn thương gan. Khi uống rượu vừa phải, các enzym trong gan sẽ phân hủy cồn một cách hiệu quả. Nhưng khi tiêu thụ quá mức, cồn và các chất độc khác không được gan xử lý kịp thời.  

Rượu cùng với các sản phẩm phụ có thể gây tổn hại đến tế bào gan, làm gia tăng viêm gan. Đồng thời, rượu cũng có thể ức chế quá trình phân hủy chất béo, gây tích tụ mỡ trong gan (tình trạng gan nhiễm mỡ). Rượu không phải là nguyên nhân duy nhất gây tổn thương gan, mà còn có những nguyên nhân tiềm ẩn khác như:

  • Các bệnh nhiễm trùng gây tổn thương gan như viêm gan A, B và C.
  • Các tình trạng tự miễn dịch như viêm gan tự miễn và viêm đường mật nguyên phát.
  • Sự tích tụ mỡ thừa trong gan không phải do tiêu thụ rượu (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu).
  • Một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng, ví dụ như acetaminophen (Tylenol), một số kháng sinh và ma hoàng (ephedra).
  • Các tình trạng di truyền như bệnh huyết sắc tố và bệnh Wilson.
  • Tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp.
  • Ung thư gan hoặc ung thư khởi phát từ các vị trí khác và di căn ra gan.

Tổn thương gan ban đầu có thể không gây ra triệu chứng. Khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện có thể bao gồm những biểu hiện sau đây:

  • Cảm giác đau hoặc sưng ở phần bụng phía trên bên phải.
  • Ăn không ngon.
  • Sụt cân không rõ lý do.
  • Cảm giác mệt mỏi.
  • Cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa.

Để có thể cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa tổn thương thêm, việc nhận ra sớm các dấu hiệu tổn thương gan là điều vô cùng quan trọng. 

Cách thải độc gan tại nhà hiệu quả là điều được nhiều người quan tâm.
Cách thải độc gan tại nhà hiệu quả là điều được nhiều người quan tâm.

3. Khi nào bệnh nhân cần thải độc gan?

Khi gan không thể loại bỏ độc tố hiệu quả do chức năng gan suy giảm, một số triệu chứng có thể xuất hiện, bao gồm:

  • Vàng da và vàng mắt.
  • Da khô và ngứa: Có thể kèm theo các vết mẩn đỏ ngứa râm ran xuất hiện tạm thời và sau đó biến mất.
  • Xuất hiện mụn, đặc biệt là trên mặt và lưng.
  • Hơi thở có mùi nồng nặc mặc dù không có vấn đề về vệ sinh răng miệng hay hệ hô hấp.
  • Nước tiểu đậm màu.
  • Cảm giác chướng bụng và đầy hơi.
  • Dễ bị bầm tím.

Việc thực hiện các biện pháp thải độc gan tại nhà có thể giúp kiểm soát các triệu chứng này và làm giảm bớt sự khó chịu cho người khỏe. Điều này có thể góp phần phục hồi chức năng gan trong vài tuần. 

Nước tiểu đậm màu thường là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp vấn đề, đặc biệt là khi liên quan đến các bệnh lý về gan.
Nước tiểu đậm màu thường là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp vấn đề, đặc biệt là khi liên quan đến các bệnh lý về gan.

4. Các biện pháp thải độc gan tại nhà đơn giản và hiệu quả

Gan nhiễm độc có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà để nâng cao sức khỏe gan hoặc phòng ngừa tổn thương ngay từ đầu. Hãy tìm hiểu về cách thải độc gan tại nhà kỹ hơn ngay bên dưới:

4.1 Uống rượu có chừng mực hoặc hoàn toàn không sử dụng rượu

Uống quá nhiều rượu có thể gây áp lực lên gan và dẫn đến tổn thương. Để thải độc gan tại nhà, hạn chế lượng rượu tiêu thụ hoặc hoàn toàn không uống rượu là biện pháp tốt nhất. Mức tiêu thụ rượu được coi là vừa phải là không quá hai ly rượu mỗi ngày đối với nam giới và một ly rượu mỗi ngày đối với phụ nữ.

Các loại rượu khác nhau có thể dẫn đến sự khác biệt về thể tích của đồ uống chuẩn. Chẳng hạn, một đồ uống chuẩn thường được xem là:

  • 354 ml bia với nồng độ cồn 5%.
  • 240 ml rượu mạch nha với nồng độ cồn 7%.
  • 150 ml rượu vang với nồng độ cồn 12%.
  • 45 ml rượu mạnh với nồng độ cồn 40%.

Bệnh gan nhiễm mỡ, một dạng của bệnh gan liên quan đến rượu giai đoạn đầu (ALRD), có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu kiêng rượu trong khoảng 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, với một số bệnh nhân mắc ALRD, thời gian kiêng rượu có thể cần kéo dài hơn hoặc thậm chí là vĩnh viễn. Việc lạm dụng rượu lâu dài có thể dẫn đến tổn thương gan liên tục, dẫn đến xơ gan và những tổn thương do xơ gan gây ra không thể phục hồi.

4.2 Theo dõi thuốc, thực phẩm chức năng và các chất bổ sung

Có một số loại thuốc và thực phẩm chức năng có thể làm tăng áp lực lên gan. Các sản phẩm này bao gồm:

  • Acetaminophen (thường được biết đến với tên Tylenol).
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen (có trong Advil, Motrin), naproxen (Aleve) và aspirin.
  • Thuốc kháng sinh: Amoxicillin-clavulanate.
  • Thuốc dùng để giảm mức cholesterol: Statin.
  • Thuốc điều trị bệnh động kinh: Phenytoin.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Azathioprine.
  • Các loại thảo dược bổ sung như ma hoàng (ephedra), black cohosh và kava.

Để giảm tải cho gan, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc hoặc chất bổ sung khi thật cần thiết. Nếu bệnh nhân quyết định sử dụng cách thải độc gan tại nhà ở trên, hãy làm theo hướng dẫn về liều lượng và tránh kết hợp với rượu.

4.3 Duy trì cân nặng hợp lý

Nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) có thể gia tăng do béo phì, khi mỡ thừa tích tụ trong gan. Tình trạng này có thể gây ra tổn thương và viêm gan, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của gan. Giữ cân nặng ở mức hợp lý cũng là một trong những cách thải độc gan tại nhà có thể áp dụng. Một số phương pháp để giảm cân hoặc giữ cân nặng ổn định bao gồm:

  • Thường xuyên vận động.
  • Chế độ ăn uống cân bằng.
  • Kiểm soát khẩu phần ăn, không ăn quá mức cần thiết.

Nếu được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp thải độc gan tại nhà nhằm giảm áp lực lên gan. Điều này thường bao gồm việc lập kế hoạch giảm cân từ từ và điều chỉnh chế độ ăn uống. 

Tập thể thao kết hợp ăn uống hợp lý là một cách giúp thải độc gan tại nhà.
Tập thể thao kết hợp ăn uống hợp lý là một cách giúp thải độc gan tại nhà.

4.4 Biện pháp thải độc gan tại nhà: Tập trung vào một chế độ ăn uống lành mạnh

Để giúp gan được nghỉ ngơi, một cách thải độc gan tại nhà khác là thực hiện chế độ ăn uống tốt cho gan. Điều này có thể thực hiện điều này bằng các bước sau đây:

  • Bổ sung đầy đủ chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả.
  • Chọn các nguồn protein ít mỡ như hải sản, thịt gia cầm không da hoặc các loại đậu, thay vì thịt nhiều mỡ.
  • Giảm thiểu món ăn và đồ uống chứa nhiều đường, muối hoặc chất béo không lành mạnh.
  • Ưu tiên thực phẩm nguyên hạt thay vì thực phẩm chế biến sẵn.
  • Tránh ăn các loại động vật có vỏ sống hoặc chưa chín.
  • Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày để giữ cơ thể được cấp nước đầy đủ.

Đối với một số tình trạng bệnh gan, người bệnh có thể cần điều chỉnh chế độ ăn uống theo chỉ dẫn cụ thể. Hãy đảm bảo rằng bản thân đã trao đổi với bác sĩ về những điều này.

4.5 Ngăn ngừa nhiễm trùng

Các loại viêm gan siêu vi có khả năng gây viêm gan, dẫn đến tổn thương gan. Các loại viêm gan A, viêm gan B, và viêm gan C là các ví dụ điển hình. Trong đó, viêm gan A thường tự khỏi mà không cần điều trị đặc biệt, trong khi viêm gan B và C có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính, gây ra tổn thương gan theo thời gian.  

Do đó, việc phòng ngừa viêm gan siêu vi là cách bảo vệ gan tốt nhất, giúp gan hoạt động bình thường và tránh bị nhiễm độc. Các biện pháp ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng gan có thể bao gồm:

  • Tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan A và B.
  • Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ an toàn khác khi quan hệ tình dục.
  • Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, dụng cụ cắt móng, hoặc bàn chải đánh răng.
  • Không tái sử dụng kim tiêm.
  • Đảm bảo thợ xăm hoặc thợ xỏ khuyên sử dụng kim một lần và thiết bị đã được vô trùng.

4.6 Kiểm tra và điều trị ngay khi có dấu hiệu bất thường liên quan đến gan

Khám sức khỏe định kỳ là bước cần thiết để duy trì sức khỏe toàn diện, bao gồm cả sức khỏe gan. Các bác sĩ có thể phát hiện và điều trị sớm những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trước khi trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu mọi người nhận thấy bất kỳ dấu hiệu sớm nào của tổn thương gan, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế để đánh giá và thiết lập kế hoạch điều trị nhằm đảm bảo gan được nghỉ ngơi và chăm sóc cần thiết. 

Kiểm tra những bất thường về gan là việc làm quan trọng bên cạnh việc thải độc lá gan.
Kiểm tra những bất thường về gan là việc làm quan trọng bên cạnh việc thải độc lá gan.

Gan là một cơ quan thiết yếu với nhiều chức năng quan trọng như giải độc, tiêu hóa và lưu trữ năng lượng. Có nhiều yếu tố có thể gây áp lực lên gan, dẫn đến tổn thương và làm giảm hiệu quả hoạt động của gan.  

Để cải thiện sức khỏe gan và ngăn ngừa tổn thương, mọi người có thể thực hiện một số biện pháp thải độc gan tại nhà, bao gồm việc tiêu thụ rượu ở mức vừa phải hoặc tránh hoàn toàn, theo dõi việc sử dụng thuốc và chất bổ sung và giữ cân nặng ở mức hợp lý.  

Nếu mọi người có dấu hiệu nghi ngờ về tình trạng gan của mình, việc trao đổi với bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế là rất quan trọng. Chẩn đoán và áp dụng các biện pháp thải độc gan tại nhà sớm có thể mang lại kết quả tốt hơn cho sức khỏe gan. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Nguồn tham khảo: hopkinsmedicine.org, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe