Các loại viêm gan: A, B và C

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm gan virus được chia thành ba loại chính và tất cả đều ảnh hưởng đến gan của bệnh nhân tùy mức độ. Một số triệu chứng của các loại viêm gan sẽ tương tự nhau, nhưng phương pháp điều trị của từng loại sẽ khác nhau.

1. Viêm gan A

Viêm gan A xuất hiện trong cơ thể khi bạn vô tình ăn hoặc uống món gì đó có chứa virus gây bệnh. Viêm gan A rất dễ lây lan và có thể truyền từ người này sang người khác ở nhiều môi trường khác nhau, cũng như qua thực phẩm hoặc nước. Thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm độc nếu bệnh nhân viêm gan chạm vào sau khi đi vệ sinh mà không rửa tay. Một lượng nhỏ phân bị nhiễm bệnh đã bị chuyển vào thực phẩm và lây lan bệnh. Hải sản sống, trái cây, rau và thức ăn chưa nấu chín cũng là “thủ phạm” phổ biến trong đợt bùng phát viêm gan A. Virus còn lây lan trong các trung tâm giữ trẻ nếu giáo viên không cẩn thận rửa tay sau khi thay tã cho bé.

Yếu tố nguy cơ chính của bệnh viêm gan A là đi du lịch hoặc sống ở một quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao. Khi đó việc ăn thực phẩm sống hoặc uống nước máy có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Loại viêm gan virus này chỉ là một căn bệnh nhẹ, sẽ không dẫn đến nhiễm trùng hay tổn thương lâu dài. Bệnh thường không gây ra bất kỳ triệu chứng hay biến chứng nào. Virus hầu như luôn tự biến mất, gan của bạn sẽ tự động lành lặn trở lại trong khoảng 2 tháng nếu sinh hoạt điều độ, hợp lý. Bạn có thể ngăn ngừa mắc bệnh bằng cách tiêm vắc-xin viêm gan A theo đúng khuyến cáo.


Viêm gan A do virus
Viêm gan A do virus

2. Viêm gan B

Bạn có thể bị lây nhiễm bệnh viêm gan B nếu:

  • Quan hệ tình dục với người đã mắc bệnh;
  • Dùng chung bơm kim tiêm bẩn ở người nghiện ma túy;
  • Tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch cơ thể của người đã mắc bệnh.

Hầu hết bệnh nhân viêm gan B có thể phục hồi trong khoảng 6 tháng. Đôi khi, tình trạng này cũng gây ra nhiễm trùng lâu dài và dẫn đến tổn thương gan. Người đã mắc bệnh có khả năng lây truyền virus ngay cả khi chưa nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa viêm gan B hiệu quả nhất.

Lưu ý, phụ nữ đang mang thai mắc viêm gan B có thể truyền bệnh cho thai nhi. Do đó, em bé nhiễm bệnh từ mẹ cần được điều trị theo dõi ngay trong vòng 12 giờ đầu sau khi sinh.

Mặc dù đã có vắc-xin phòng bệnh hữu hiệu nhưng viêm gan B vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây các bệnh viêm gan mạn, xơ ganung thư gan ở người. Theo thống kê tại bệnh viện, cứ 1.020 trường hợp mắc bệnh gan thì viêm gan virus B chiếm gần 50%. Đồng thời tỷ lệ các trường hợp xơ gan và ung thư gan do viêm gan B cũng đứng hàng đầu.


Dùng chung bơm kim tiêm với người mắc viêm gan B
Dùng chung bơm kim tiêm với người mắc viêm gan B

3. Viêm gan C

Nhiều bệnh nhân viêm gan C không có bất kỳ triệu chứng nào. Khoảng 80% người mắc bệnh bị nhiễm trùng lâu dài. Viêm gan C có nguy cơ dẫn đến xơ gan, hoặc hình thành mô sẹo ở gan. Điều quan trọng là hiện nay không có vắc-xin nào giúp ngăn chặn loại viêm gan virus này.

Giống như viêm gan B, bạn có thể bị lây nhiễm viêm gan C khi dùng chung bơm kim tiêm hoặc tiếp xúc với máu và dịch có chứa virus của bệnh nhân. Bạn cũng có nguy cơ mắc viêm gan C nếu quan hệ tình dục với người bệnh, song trường hợp này ít phổ biến hơn.

Trước khi đưa ra những quy trình sàng lọc máu vào năm 1992, những người đã từng được truyền máu vào giai đoạn này có nguy cơ bị lây nhiễm viêm gan C. Tuy nhiên máu được sử dụng trong truyền máu ngày nay là rất an toàn. Toàn bộ máu đều được kiểm tra trước để chắc chắn rằng không mang virus gây viêm gan B hoặc C.


Hiện nay chưa có vắc-xin phòng viêm gan C
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng viêm gan C

4. Triệu chứng và biến chứng của viêm gan virus

Các triệu chứng phổ biến nhất cho cả ba loại viêm gan virus trên là:

  • Nước tiểu đậm màu;
  • Đau bụng;
  • Vàng da hoặc mắt;
  • Phân màu nhạt hoặc màu đất sét;
  • Sốt nhưng không cao;
  • Ăn mất ngon;
  • Mệt mỏi;
  • Cảm thấy đau bụng;
  • Thiếu dinh dưỡng.

Ngoài ra, những người mắc viêm gan B cũng có thể bị đau khớp. Gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như đã liệt kê trên đây.

Nhìn chung, trong các loại viêm gan virus thì viêm gan B và C là nguy hiểm hơn cả vì sau giai đoạn viêm cấp, bệnh có thể diễn tiến thành viêm gan mãn tính, xơ gan, ung thư gan nguyên phát... Những biến chứng này gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng sống cũng như kinh tế của người bệnh.


Vàng da vàng mắt là triệu chứng điển hình của viêm gan
Vàng da vàng mắt là triệu chứng điển hình của viêm gan

5. Điều trị viêm gan virus

5.1. Viêm gan A

Nếu bạn bị viêm gan A, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động của gan, nhưng không có phương pháp điều trị Viêm gan A nào để chữa khỏi. Đại đa số những trường hợp người khỏe mạnh mang bệnh thì không cần điều trị bằng thuốc, chỉ cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc hợp lý. Cụ thể:

  • Không làm việc nặng;
  • Không ăn thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ có hại cho gan;
  • Đặc biệt không uống bia, rượu, hút thuốc lá...

5.2. Viêm gan B

Các nhóm cần điều trị phải theo sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Hiện nay có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị, nhưng cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa cũng theo dõi các xét nghiệm kèm theo khá tốn kém, mất thời gian. Có một số loại thuốc dùng để điều trị viêm gan B lâu dài bao gồm:

  • Adefovir (Hepsera);
  • Entecavir (Baraclude);
  • Interferon;
  • Lamivudine (Epivir HBV);
  • Telbivudine (Tyzeka);
  • Tenofovir (Viread).

Người bệnh điều trị viêm gan cần thuận thủ phác đồ của bác sĩ
Người bệnh điều trị viêm gan cần thuận thủ phác đồ của bác sĩ

5.3. Viêm gan C

Ngày này, các loại thuốc kháng virus điều trị viêm gan C đã được cải thiện nhanh chóng. Sự ra đời của liệu pháp kháng virus tác dụng trực tiếp (direct-acting antiviral - DAA) giúp thuốc ngày có hiệu quả cao và dung nạp tốt hơn. Mục tiêu chữa trị hiện đại là giúp thêm nhiều người khỏi bệnh viêm gan C. Nếu bệnh nhân chưa từng được điều trị viêm gan C trước đây, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc sau đây:

  • Elbasvir-grazoprevir (Zepatier);
  • Glecaprevir-pibrentasivir (Meefret);
  • Ledipasvir-sofosbuvir (Harvestoni);
  • Ombitasvir-paritaprevir-ritonavir-dasabuvir (Viekira Pak);
  • Simeprevir (Olysio);
  • Sofosbuvir (Sovaldi);
  • Sofosbuvir / velpatasvir (Epclusa).

Viêm gan B và C mạn tính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư gan. Tiêm vắc-xin dự phòng viêm gan A và B, xét nghiệm sớm, theo dõi và điều trị đúng cách có thể giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ xơ gan, ung thư gan. Bên cạnh đó, mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn, sinh hoạt điều độ, hợp lý để giảm nguy cơ lây nhiễm viêm gan virus cho bản thân và cộng đồng.


Phòng bệnh viêm gan A, B bằng cách tiêm chủng vắc-xin càng sớm càng tốt
Phòng bệnh viêm gan A, B bằng cách tiêm chủng vắc-xin càng sớm càng tốt

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Sàng lọc Gan mật, giúp phát hiện Virus viêm gan ở giai đoạn sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng. Ngoài ra, Gói sàng lọc gan mật toàn diện giúp khách hàng:

  • Đánh giá khả năng làm việc của gan thông qua các xét nghiệm men gan;
  • Đánh giá chức năng mật; dinh dưỡng lòng mạch;
  • Tầm soát sớm ung thư gan;
  • Thực hiện các xét nghiệm như Tổng phân tích tế bào máu, khả năng đông máu, sàng lọc viêm gan B, C
  • Đánh giá trạng thái gan mật qua hình ảnh siêu âm và các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng gây ra bệnh gan/làm bệnh gan nặng hơn
  • Phân tích sâu các thông số đánh giá chức năng gan mật thông qua xét nghiệm, cận lâm sàng; các nguy cơ ảnh hưởng đến gan và tầm soát sớm ung thư gan mật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe