Thuốc uống khác gì thuốc tiêm? Loại nào tốt hơn?

Hiện nay, có rất nhiều dạng thuốc khác nhau như dạng viên uống, dạng tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch, bột hoặc siro để uống,...Nhiều người thường nghĩ rằng thuốc tiêm tốt hơn thuốc uống nên thường đòi hỏi dùng thuốc tiêm. Vậy thuốc uống khác gì thuốc tiêm? Loại nào cho tác dụng tốt hơn?

1. Thuốc uống khác gì với thuốc tiêm?

1.1 Đặc điểm của thuốc uống

  • Tác dụng chậm hơn thuốc tiêm
  • Ít gây tai biến liên quan đến tiêm truyền
  • Tiện dụng, dễ sử dụng. Bệnh nhân có thể tự dùng thuốc tại nhà
  • Có một số loại thuốc khi uống cùng lúc có thể tương tác gây giảm hấp thu. Do đó, không nên uống các loại thuốc đó cùng một lúc với nhau mà cần đợi một khoảng thời gian nhất định (1-2 tiếng tùy từng loại thuốc)
  • Thuốc uống có thể không phù hợp cho các bệnh nhân nôn ói nhiều, tổn thương niêm mạc tiêu hóa, bị hội chứng kém hấp thu,...Đối với người bệnh hôn mê hay người bệnh không có khả năng ăn uống bình thường có thể cho uống thuốc qua sonde.
  • Thông thường, thuốc tiêm có giá thành đắt hơn thuốc uống. Các loại viên nén, viên nang, viên nhộng,...có thể dễ dàng tìm thấy ở các nhà thuốc trên toàn quốc.

1.2 Đặc điểm của thuốc tiêm

  • Thuốc tiêm khởi phát tác dụng nhanh, thường dùng trong các trường hợp cấp cứu cần tác dụng nhanh. Đối với bệnh nhiễm khuẩn, các kháng sinh dạng tiêm thường được chỉ định khi bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng, vị trí nhiễm khuẩn sâu hoặc không dung nạp kháng sinh đường uống.
  • Có một số loại thuốc chỉ có thể bào chế ở dạng tiêm mà không có dạng uống, vì hấp thu kém qua đường tiêu hóa, dễ bị phá hủy bởi dịch vị.
  • Thuốc tiêm hữu ích trong các trường hợp người bệnh không thể uống được như ôn ói quá nhiều, có các vấn đề tiêu hóa gây kém hấp thu, người bệnh không hợp tác,...
  • Thuốc tiêm có thể gây ra một số tai biến khi tiêm thuốc như đau, tắc mạch, áp xe, viêm tĩnh mạch, nhiễm trùng, sốc phản vệ, tiêm sai đường tiêm gây hoại tử mô (CaCl2),...
  • Người bệnh thường không thể tự dùng thuốc tiêm tại nhà (trừ một vài loại thuốc ví dụ như thuốc tiêm insulin) mà phải đến cơ sở y tế, được nhân viên y tế dùng thuốc và theo dõi.

2. Thuốc uống và thuốc tiêm loại nào tốt hơn?

Khi bác sĩ quyết định cho người bệnh sử dụng thuốc uống hay thuốc tiêm (tiêm bắp, tiêm dưới da hay tiêm tĩnh mạch chậm, tiêm nhỏ giọt) sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích điều trị, tình trạng thực tế của người bệnh cũng như xem xét các yếu tố dược lực, dược động học của loại thuốc đó. Yêu cầu khi dùng thuốc là phải chọn lựa loại thuốc tốt phù hợp, có khả năng đạt được đủ nồng độ tại vị trí tác dụng để phát huy hiệu quả. Mặt khác, thuốc không gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, dễ sử dụng, mùi vị dễ chịu khi uống hoặc khi tiêm ít gây đau và có giá thành hợp lý nhất.

Thuốc có nhiều dạng bào chế khác nhau để bác sĩ lựa chọn phù hợp với từng mức độ bệnh, tình trạng bệnh, nhu cầu để thuận lợi nhất cho người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em. Về dược động học, khi đưa bất kỳ một loại thuốc nào vào cơ thể, thuốc cũng cần có một thời gian nhất định để hấp thu vào máu rồi phát huy tác dụng, sau đó sẽ bị loại bỏ bằng các cách khác nhau ra khỏi cơ thể. Thuốc dùng qua đường tiêm sẽ nhanh chóng đạt nồng độ cao trong máu và trong vị trí tác động, nghĩa là sẽ nhanh phát huy tác dụng. Tuy nhiên, thuốc tiêm cũng có thể nhanh chóng bị đào thải khỏi cơ thể. Chẳng hạn, khi sử dụng kháng sinh tiêm ampicilin qua đường tĩnh mạch, sau 2 – 3 phút thuốc sẽ đạt được nồng độ tối đa trong máu và sẽ bị loại trừ ra khỏi cơ thể sau 5 giờ nên phải tiêm ít nhất 4 lần/ngày mới giữ được nồng độ thuốc thích hợp để có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn. Còn nếu tiêm bắp sẽ mất 45 - 60 phút để có nồng độ tối đa cần thiết và sẽ bị đào thải khỏi cơ thể sau 7 -8 giờ, như vậy đòi hỏi phải tiêm bắp ít nhất 3 lần mỗi ngày mới đủ tác dụng.

Như vậy, không thể có câu trả lời chính xác là thuốc tiêm hay thuốc uống tốt hơn. Việc lựa chọn dạng thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh, đặc điểm bệnh nhân, giá thành và nhiều yếu tố khác. Trên thực tế thường dùng thuốc đường tiêm trong những trường hợp có rối loạn hấp thu tại đường tiêu hóa, bệnh nhân nôn trớ thường xuyên, trường hợp nhiễm khuẩn quá nặng (nhiễm khuẩn máu có choáng, nhiễm khuẩn máu do não mô cầu... ). Còn trong đại đa số tình trạng khác đều có thể dùng đường uống với liều lượng thích hợp để đạt được tác dụng chữa bệnh. Ngoài ra, dùng thuốc đường uống còn tránh được đau đớn cho bệnh nhân nhất là trẻ em, ít có tác dụng phụ và tai biến hơn dạng tiêm, dễ dùng, sẵn có và giá thành hợp lý.

Tóm lại, thuộc tiêm hay thuốc uống đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Việc lựa chọn dạng thuốc phù hợp sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh, đặc điểm bệnh nhân, giá thành và một số yếu tố khác. Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan