Lorastad có hoạt chất chính là loratadin, một chất kháng histamin H1 thế hệ 2 được sử dụng phổ biến hiện nay. Bài viết sẽ cung cấp cho quý đọc giả một số thông tin tổng quát về thuốc Lorastad.
1. Thuốc Lorastad là gì?
Loratadin là thuốc kháng histamin H1 có tác động kéo dài. Loratadin hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, thức ăn làm tăng sinh khả dụng từ 40- 48% và nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khoảng 1 giờ dùng thuốc. Loratadin bị chuyển hóa chủ yếu qua gan và chất chuyển hóa chính là desloratadin cũng có hoạt tính kháng histamin. Thời gian bán thải trung bình của Loratadin, desloratadin lần lượt là 8,4 và 28 giờ. Loratadin và chất chuyển hóa của nó có thể bài tiết trong sữa mẹ. Phần lớn thuốc được bài tiết qua nước tiểu và phân chủ yếu ở dạng các chất chuyển hóa.
2. Thuốc Lorastad trị bệnh gì?
Thuốc Lorastad được chỉ định giảm các triệu chứng của dị ứng, bao gồm viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc và mày đay.
3. Liều dùng của thuốc như thế nào?
Lorastad được dùng bằng đường uống với liều cụ thể như sau:
Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: 10mg x 1 lần/ ngày.
Trẻ em từ 2 - 12 tuổi:
- Nếu trọng lượng cơ thể > 30 kg: 10mg x 1 lần/ ngày;
- Nếu trọng lượng cơ thể < 30 kg: 5mg x 1 lần/ ngày.
Bệnh nhân cần lưu ý liều dùng trên chỉ có tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào thể trạng và mức độ nặng của bệnh. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nhân viên y tế để có liều dùng phù hợp. Không sử dụng thuốc trong trường hợp bệnh nhân quá mẫn hay dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc, trẻ em dưới 2 tuổi.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc là gì?
Khi sử dụng thuốc Loratadin với liều lớn hơn 10mg hàng ngày, những tác dụng phụ sau đây có thể xảy ra:
Tỷ lệ 1-10%:
- Hệ thần kinh trung ương: Nhức đầu, trạng thái an thần, buồn ngủ, mệt mỏi, lo lắng;
- Tiêu hóa: Đau bụng, nôn, tiêu chảy, khô miệng.
Tần suất không được xác định:
- Da liễu: Phát ban da;
- Tiêu hóa: Viêm dạ dày, buồn nôn;
- Quá mẫn: Phản ứng quá mẫn.
Tỷ lệ <1%:
Rụng tóc, trầm cảm, sốc phản vệ, ho, chóng mặt, khô mũi, suy gan, tăng cảm giác thèm ăn, đánh trống ngực, co giật, nhịp tim nhanh, loạn nhịp nhanh trên thất.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Lorastad là gì?
Ngoài việc tìm hiểu “thuốc Lorastad có tác dụng gì” thì những lưu ý khi sử dụng cũng rất quan trọng:
- Khi dùng loratadin bệnh nhân sẽ có nguy cơ khô miệng (đặc biệt ở người cao tuổi) và tăng nguy cơ sâu răng. Do đó, bệnh nhân cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ trong thời gian dùng Loratadin;
- Suy thận và gan: Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy thận và gan;
- Thuốc an thần: Tác dụng của Loratadin có thể tăng lên khi được sử dụng với các loại thuốc an thần khác hoặc etanol;
- Tương tác với các thuốc khác: Sử dụng đồng thời Loratadin và Cimetidin dẫn đến tăng nồng độ Loratadin trong huyết tương do Cimetidin ức chế chuyển hóa của Loratadin. Điều trị đồng thời với Loratadin và Ketoconazol có thể dẫn tới tăng nồng độ Loratadin trong huyết tương gấp 3 lần do ức chế CYP3A4. Tốt nhất bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng để được tư vấn phù hợp;
- Lái xe và vận hành máy móc: Trong các thử nghiệm lâm sàng đánh giá khả năng lái xe ở bệnh nhân dùng Loratadin, khả năng này không bị suy giảm. Tuy nhiên, có một vài trường hợp hiếm gặp bệnh nhân gặp tình trạng ngủ gà và có thể ảnh hưởng lên khả năng lái xe, vận hành máy móc;
- Phụ nữ mang thai: Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng histamine trong điều trị viêm mũi dị ứng hoặc mày đay khi mang thai giống như ở phụ nữ chưa mang thai. Có thể dùng Loratadine khi cần thiết. Liều thấp nhất có hiệu quả nên được sử dụng để đảm bảo tính an toàn.
- Phụ nữ cho con bú: Khi cần điều trị bằng thuốc kháng histamine ở phụ nữ cho con bú, thuốc kháng histamine thế hệ thứ 2 chẳng hạn như Loratadine, được ưu tiên sử dụng.
6. Làm gì khi bị quá liều Lorastad?
Khi sử dụng quá liều Lorastad, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng bao gồm:
- Người lớn: Buồn ngủ, đau đầu, nhịp tim nhanh;
- Trẻ em: Có dấu hiệu ngoại tháp và đánh trống ngực.
Điều trị:
Xử trí quá liều Loratadin bao gồm điều trị triệu chứng và hỗ trợ.Trường hợp quá liều Loratadin cấp tính nên làm rỗng dạ dày bằng cách gây nôn. Uống than hoạt sau khi gây nôn có thể hiệu quả để ngăn chặn sự hấp thu của Loratadin. Nếu gây nôn không có hiệu quả hoặc bị chống chỉ định (như với bệnh nhân hôn mê, co giật) thì có thể tiến hành súc rửa dạ dày.
Tóm lại, Loratadin là thuốc kháng histamin H1 được sử dụng để giảm triệu chứng dị ứng trong các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc, nổi mề đay,... Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.