Có ba loại thuốc giảm đau chính là thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), paracetamol và opioid. Mỗi loại hoạt động theo một cách khác nhau. Hầu hết mọi người chỉ cần uống thuốc giảm đau trong vài ngày hoặc nhiều nhất là vài tuần, nhưng một số người cần phải uống trong thời gian dài tùy vào nguyên nhân gây đau và số lần uống tùy vào loại thuốc giảm đau có tác dụng trong bao lâu.
1. Thuốc giảm đau là gì?
Thuốc giảm đau là loại thuốc được sử dụng để điều trị cơn đau. Trên thị trường có một số lượng lớn thuốc giảm đau với nhiều nhãn hiệu khác nhau và nhiều dạng bào chế khác nhau như dạng chất lỏng, viên nén, viên nang, thuốc tiêm, qua đường trực tràng với thuốc đạn hay một số loại thuốc giảm đau trình bày dưới dạng kem, thuốc mỡ hoặc miếng dán dùng ngoài da.
Mặc dù có một số lượng lớn thuốc giảm đau, nhưng chỉ có ba loại chính (mỗi loại hoạt động theo một cách khác nhau, cách sử dụng khác nhau), bao gồm:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS): ví dụ như ibuprofen, diclofenac và naproxen. Aspirin cũng là một NSAID; tuy nhiên, thuốc chủ yếu được kê đơn với liều lượng thấp để giúp giữ cho máu không đông lại - ví dụ, đối với những người đã từng bị đau tim trong quá khứ, với số lần dùng là một lần trong ngày.
Paracetamol: đây là thuốc giảm đau thường được sử dụng nhất, với thời gian tác dụng là 4 đến 6 giờ, có thể dùng 3 đến 4 lần trong ngày và liều thuốc tối đa có thể là 4 gam/ngày. Tuy nhiên, ở bệnh nhân có tổn thương gan thì là chống chỉ định.
Opioid yếu và opioid mạnh: ví dụ về opioid yếu bao gồm codeine và dihydrocodeine. Mặc dù thường được mô tả là 'opioid yếu', chúng vẫn là thuốc giảm đau cực kỳ hiệu quả thường được sử dụng để điều trị cơn đau dữ dội; tuy nhiên, chúng có thể gây nghiện đáng kể và có các tác dụng phụ, vì vậy không nên coi thường. Ví dụ về opioid mạnh bao gồm morphin, oxycodone, pethidine và tramadol. Nhiều người cần đến opioid mạnh thường trong quá trình điều trị nội trú tại bệnh viện, sau phẫu thuật.
Các loại thuốc giảm đau khác nhau đôi khi được kết hợp với nhau thành một viên thuốc giảm đau phối hợp - ví dụ, paracetamol cộng với codeine (co-codamol).
2. Cách kê đơn thuốc giảm đau như thế nào?
Loại thuốc giảm đau và liều lượng sử dụng mà bác sĩ sẽ kê đơn tùy thuộc vào:
- Nguồn gốc cơn đau của người bệnh
- Bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác đồng mắc
- Mức độ cơn đau nghiêm trọng đến mức nào
- Các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc
- Thời gian tác dụng của thuốc phù hợp với thời điểm thường xuất hiện cơn đau trong ngày
Theo đó, paracetamol thường được kê đơn nếu cơn đau không quá nghiêm trọng và người bệnh không bị viêm, sưng hay phù nề. Bên cạnh đó, NSAID thường được kê đơn cho những người bị đau và viêm - ví dụ, nếu bệnh nhân bị đau ở khớp (viêm khớp) hoặc cơ (đau lưng), điều này là do có khả năng xuất hiện một số chứng viêm và NSAID hoạt động hiệu quả để điều trị đau cũng như viêm. Tuy nhiên, NSAID cũng có một số tác dụng phụ có thể xảy ra nên không phù hợp với tất cả mọi người. Ví dụ, thuốc không thích hợp cho những người đã hoặc đang bị loét dạ dày. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể kê một loại thuốc an toàn hơn như paracetamol mặc dù có thể không hiệu quả. Nếu cần đến NSAID thì vẫn có thể được sử dụng với liều lượng và số lần tối thiểu trong ngày, kết hợp với điều trị giảm đau bằng nhiệt và đá lạnh trong các chấn thương khớp, cơ hoặc dây chằng.
Cuối cùng, thuốc phiện loại yếu thường được kê đơn cho những cơn đau dữ dội hơn hoặc nếu đã thử paracetamol và/hoặc ibuprofen nhưng chúng không có tác dụng. Thuốc phiện loại mạnh hơn thường được sử dụng để điều trị cơn đau dữ dội - ví dụ: đau liên quan đến ung thư, đau sau khi phẫu thuật hoặc nếu bị chấn thương nghiêm trọng.
Còn lại là các dạng thuốc giảm đau tại chỗ như thuốc chống viêm được sử dụng dưới dạng kem được sử dụng chủ yếu để điều trị đau ở các mô mềm và cơ bắp, hạn chế được các tác dụng không mong muốn nếu không sử dụng đường toàn thân.
3. Tuân thủ dùng thuốc giảm đau như thế nào?
Những người luôn bị đau thường được khuyến cáo dùng thuốc giảm đau thường xuyên. Ví dụ, nếu người bệnh đã được kê đơn paracetamol, họ sẽ thường uống bốn lần một ngày, mỗi ngày cho đến khi cơn đau thuyên giảm. Nếu không, họ chỉ cần uống thuốc giảm đau khi cần.
Nếu bệnh nhân đang dùng NSAID như ibuprofen hoặc diclofenac thì sẽ cần dùng thuốc này cùng hoặc sau khi ăn bữa ăn chính trong ngày, một đến hai lần mỗi ngày. Điều này giúp giảm kích ứng viêm niêm mạc dạ dày và đôi khi gây chảy máu trong dạ dày.
4. Thời gian điều trị thuốc giảm đau thông thường là bao lâu?
Giống như tất cả các loại thuốc, thuốc giảm đau nên được dùng trong thời gian ngắn nhất có thể, với liều lượng thấp nhất để kiểm soát cơn đau. Điều này là để giúp tránh bất kỳ tác dụng phụ nào.
Hầu hết mọi người chỉ cần dùng thuốc giảm đau trong vài ngày (ví dụ, khi đau răng) hoặc vài tuần (sau khi kéo cơ). Tuy nhiên, một số người có tình trạng đau đớn và cần phải dùng thuốc giảm đau trong thời gian dài. Ví dụ như những người bị viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp hoặc đau lưng mãn tính.
Tóm lại, đau là cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến từng người khác nhau theo những cách khác nhau. Có nhiều loại thuốc giảm đau với các cơ chế hoạt động khác nhau giúp kiểm soát cơn đau để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc như thế nào tùy thuộc vào dược động học, dược lý học của từng loại thuốc, vừa giúp đạt hiệu quả tốt để kiểm soát cơn đau.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vui lòng đăng ký khám trực tuyến trên Website để được phục vụ tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: health.harvard.edu, healthline.com, patient.info