Thuốc Decolgen ND là một loại thuốc kết hợp, có tác dụng giảm đau, hạ sốt và giảm các triệu chứng sổ mũi, ngạt mũi trong các trường hợp mắc bệnh lý viêm đường hô hấp trên. Để sử dụng thuốc đúng cách bạn cần hiểu rõ về thành phần, công dụng của thuốc.
1. Thuốc Decolgen ND có tác dụng gì?
Thuốc Decolgen ND có thành phần hoạt chất bao gồm Paracetamol (acetaminophen) 500mg và Phenylephrine Hydrochloride 10mg. Được bào chế dưới dạng viên nén, thuốc có công dụng giảm nhức đầu, giảm đau nhức cơ thể, hạ sốt, giảm nghẹt mũi, sổ mũi. Những tác dụng đó nhờ tác dụng của các thành phần hoạt chất bao gồm:
- Paracetamol (acetaminophen): Đây là thuốc thuộc nhóm giảm đau, chống viêm không steroid. Thuốc làm tăng ngưỡng đau, kiểm soát các triệu chứng đau nhẹ và vừa như nhức đầu, đau cơ, đau khớp và các tình trạng khó chịu thường đi kèm với bệnh cảm. Thuốc tác dụng lên vùng dưới đồi (trung tâm điều hoà nhiệt độ của cơ thể) gây hạ nhiệt, tăng tỏa nhiệt ra ngoài môi trường do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên. Paracetamol làm giảm thân nhiệt ở những người bệnh đang bị sốt, nhưng nó hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường. Mặc dù được xếp và nhóm thuốc giảm đau chống viêm, nhưng thuốc này gần như không cho tác dụng chống viêm và chống ngưng kết tiểu cầu như những thuốc khác trong cùng nhóm. Lưu ý khi dùng quá liều sẽ tạo ra chất chuyển hóa là N-acetyl-benzoquinoimin, gây ra tình trạng độc nặng cho tế bào gan, gây ra suy gan cấp tính, hủy hoại tế bào gan nếu không được điều trị kịp thời.
- Phenylephrine: Thuốc tác động trực tiếp trên các thụ thể α-adrenergic trên niêm mạc đường hô hấp, gây ra tác động co mạch làm co niêm mạc mũi đang bị sưng nề, giúp giảm phù nề, sung huyết mô, sung huyết mũi và làm tăng thông khí qua mũi, đặc biệt ở các vùng niêm mạc mũi mà các loại thuốc dùng tại chỗ như thuốc xịt, thuốc nhỏ giọt...không thể đến được.
Khi kết hợp hai thành phần này vừa giúp làm giảm các triệu chứng và không gây ra tác dụng phụ là buồn ngủ.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Decolgen ND
Thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Điều trị giúp làm giảm triệu chứng cảm thông thường, viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, viêm màng nhầy xuất tiết do cảm, viêm mũi xoang và các rối loạn của đường hô hấp trên.
- Giảm đau, hạ sốt trong các trường hợp viêm đường hô hấp trên.
Chống chỉ định:
- Mẫn cảm với hoạt chất của thuốc hoặc với bất cứ thành phần nào khác của thuốc;
- Bệnh suy gan hay suy thận nặng;
- Người bệnh thiếu hụt men glucose-6-phosphat dehydrogenasse (G6PD);
- Đối với hoạt chất phenylephrine: Không được dùng thuốc khi mắc bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác, trường hợp khó tiểu do phì đại tiền liệt tuyến;
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Decolgen ND
Cách dùng: Thuốc được dùng qua đường uống. Có thể uống trước hoặc sau ăn. Nhưng để giảm kích thích dạ dày thì nên uống sau ăn.
Liều dùng:
- Đối với người lớn dùng liều 1 đến 2 viên mỗi lần, ngày 3 đến 4 lần.
- Trẻ em từ 7 đến 12 tuổi: 1⁄2 đến 1 viên mỗi lẫn, ngày từ 3 đến 4 lần.
- Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: Dùng 1v/ lần, ngày từ 3 đến 4 lần.
- Đối với trẻ em dưới 2 tuổi: Không khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi.
4. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Decolgen ND
Cả hai thành phần này đều có thể gây ra tác dụng phụ khi dùng, một số tác dụng phụ có thể gặp bao gồm:
- Đối với paracetamol: Ít khi gây ra tác dụng phụ, nhưng nó có thể gây ra một số biểu hiện như phát ban da, loạn quá trình tạo máu, thiếu máu, bệnh thận. Hiếm gặp hơn là gây phản ứng quá mẫn.
- Đối với Phenylephrine: Có thể gây ra kích động thần kinh, bồn chồn, lo âu, khó ngủ, người mệt, choáng váng, đau trước ngực, run rẩy, dị cảm đầu chi, huyết áp tăng, nhợt nhạt, cảm giác lạnh...Ít gặp tăng huyết áp kèm phù phổi, loạn nhịp tim, co mạch ngoại vi, suy hô hấp, ảo giác, tróc vảy, nhìn mờ... Hiếm gặp hơn là có thể gây viêm cơ tim thành ổ, xuất huyết màng ngoài tim.
5. Những lưu ý khi dùng Decolgen ND
Để sử dụng thuốc an toàn bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Khi dùng thuốc cần nói với bác sĩ hay dược sĩ về tiền sử dị ứng, các bệnh lý đi kèm để tránh tác dụng không mong muốn xảy ra;
- Quá liều Paracetamol có thể xảy ra khi lạm dụng thuốc, sử dụng đồng thời nhiều thuốc có cùng thành phần, dùng với hàm lượng cao trong một lần và có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng. Các triệu chứng xuất hiện sau dùng thuốc 2 đến 3 giờ. Nặng hơn, có thể gây ra tình trạng Methemoglobin máu (biểu hiện là xanh tím da và niêm mạc), rối loạn ý thức, lú lẫn, hôn mê, suy giảm chức năng gan nếu như không được xử trí kịp thời. Khi có tình trạng dùng quá liều xảy ra cần báo ngay cho nhân viên y tế để có những can thiệp kịp thời, nếu có thể sử dụng N-acetylcystein dùng làm chất giải độc. Nếu xử trí muộn được xác định là sau khi uống thuốc quá liều 36 giờ, thường gan đã bị tổn thương sẽ khó hồi phục;
- Dùng quá liều đối với thành phần phenylephrine làm tăng huyết áp, đau đầu, cơn co giật, xuất huyết não, đánh trống ngực, ngoại tâm thu, bồn chồn. Các biểu hiện này cần được xử lý tại các cơ sở y tế.
- Nên thận trọng khi sử dụng thuốc trong trường hợp sau: Thiếu máu mạn tính; người mắc bệnh lý về gan, thận; nghiện rượu bởi vì Paracetamol và rượu đều là chất có hại đối với gan. Tránh việc phối hợp thuốc này với các chế phẩm khác cũng chứa Paracetamol có thể gây hiện tượng quá liều.
- Phụ nữ có thai: Khi sử dụng phenylephrine ở giai đoạn cuối thai kỳ hay đang chuyển dạ có thể gây thiếu oxy cho mô và làm chậm nhịp tim cho thai nhi do tăng co bóp cơ tử cung và giảm tưới máu tử cung. Phenylephrine không thấy xuất hiện trong sữa mẹ, tuy nhiên vẫn nên cẩn trọng khi dùng cho phụ nữ cho con bú.
- Bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc có chứa phenylephrine nếu như các triệu chứng kéo dài hơn 7 ngày; hay có các triệu chứng khác đi kèm theo như sốt cao, triệu chứng bồn chồn, chóng mặt, mất ngủ. Bệnh nhân cũng không nên dùng các loại thuốc có chứa phenylephrine khi đang được điều trị hay vừa chấm dứt điều trị (trong 2 tuần) với thuốc ức chế MAO.
- Khi xuất hiện các tác dụng phụ, bạn nên thông báo với nhân viên y tế để được tư vấn đúng nhất.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời.
Trên đây là một số tác dụng và lưu ý khi dùng thuốc. Đây là thuốc điều trị triệu chứng của bệnh, nhưng không điều trị nguyên nhân gây bệnh. do đó, nếu những bệnh như nhiễm khuẩn cần dùng thêm các thuốc điều trị nguyên nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.