Tình trạng đau ngứa da do côn trùng cắn, bỏng nhẹ hoặc trầy xước gây ra rất nhiều khó chịu. Để giảm vấn đề này, bệnh nhân có thể cần các thuốc bôi ngoài da giảm ngứa, trong đó có thuốc Anti-Itch Cream.
1. Anti-Itch cream là thuốc gì?
Anti-Itch Cream là một thuốc giảm ngứa do côn trùng cắn, giảm đau do bỏng nhẹ, trầy xước da, tình trạng cháy nắng, kích ứng da hoặc giảm ngứa do dị ứng tiếp xúc với các loại thực vật có độc khác.
Hoạt chất chính của thuốc Anti-Itch Cream là Diphenhydramine (nhóm kháng histamin) có tác dụng giảm ngứa da do cơ chế ức chế tác dụng của histamin.
Ngoài thành phần chính có tác dụng điều trị ngứa, thuốc Anti-Itch Cream còn chứa các thành phần khác (chất bảo vệ da allantoin, kẽm axetat) có tác dụng làm giảm tình trạng khô da hoặc da rỉ dịch.
Một số sản phẩm bôi ngoài da chứa diphenhydramine có thể không được khuyến cáo ở trẻ em dưới 2, 6 hoặc 12 tuổi trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Đọc kỹ thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi bôi.
Đối với bệnh nhân tự mua thuốc giảm ngứa do côn trùng cắn Anti-Itch Cream để điều trị, vấn đề quan trọng nhất là cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì trước khi bắt đầu sử dụng để chắc chắn rằng nó phù hợp với tình trạng của bản thân.
2. Cách sử dụng thuốc Anti-Itch Cream
Thuốc Anti-Itch Cream chỉ sử dụng để bôi ngoài da theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Bệnh nhân không được tự kê đơn và tự điều trị bằng thuốc Anti-Itch Cream, cần đọc và làm theo tất cả hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Trước khi bôi thuốc, người sử dụng cần rửa sạch vùng da bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước. Sau đó, nhẹ nhàng lau khô và tiến hành bôi thuốc lên vùng da đó theo chỉ dẫn, lặp lại không quá 3 đến 4 lần mỗi ngày. Rửa tay ngay sau khi sử dụng, trừ khi đang điều trị ở vùng da bàn tay. Tuyệt đối không bôi thuốc Anti-Itch Cream trên một vùng da rộng lớn hoặc sử dụng thường xuyên hơn chỉ dẫn vì tình trạng ngứa có thể không cải thiện nhanh hơn mà còn làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ.
Không để thuốc bôi ngoài da Anti-Itch Cream tiếp xúc trực tiếp với mắt, niêm mạc mũi, tai hoặc miệng, nếu vô tình để thuốc dính vào những khu vực này, hãy nhanh chóng lau và rửa sạch bằng nước sạch nhiều lần.
Ngừng sử dụng thuốc Anti-Itch Cream và thông báo với bác sĩ nếu tình trạng của bệnh nhân xấu hơn, các triệu chứng không cải thiện trong vòng 7 ngày hoặc kéo dài trên 7 ngày bôi thuốc, hoặc tình trạng ngứa da tái phát sau khi khỏi hoàn toàn.
3. Phản ứng phụ của thuốc Anti-Itch Cream
Tác dụng phụ hay gặp nhất là da có cảm giác châm chích nhẹ. Nếu tác dụng này kéo dài nặng hơn, hãy ngừng sử dụng thuốc Anti-Itch Cream và thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.
Rất khó xảy ra tình trạng dị ứng nghiêm trọng khi sử dụng thuốc Anti-Itch Cream, tuy nhiên, khi xuất hiện dấu hiệu như phát ban toàn thân, ngứa hoặc sưng mặt/môi/lưỡi/họng, chóng mặt dữ dội hoặc khó thở, bệnh nhân cần liên hệ cơ sở y tế ngay.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Anti-Itch Cream
Trước khi sử dụng thuốc giảm ngứa do côn trùng cắn Anti-Itch Cream, bệnh nhân cần lưu ý về tình trạng dị ứng với hoạt chất diphenhydramine hoặc bất kỳ thành phần nào khác có trong sản phẩm, tình trạng dị ứng với dimenhydrinat và các dị ứng khác.
Một số bệnh lý đang mắc cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng loại thuốc giảm ngứa này, đặc biệt là bệnh thủy đậu và bệnh sởi.
Mặc dù khả năng không cao nhưng thuốc Anti-Itch Cream vẫn có thể được hấp thụ vào máu của bệnh nhân. Ở trẻ nhỏ khi sử dụng Anti-Itch Cream bôi kéo dài trên những vùng da rộng (đặc biệt là các vùng da bị rạn) nguy cơ sẽ cao hơn, đặc biệt khi sử dụng kèm các thuốc có diphenhydramine khác bằng đường uống hoặc bôi ngoài da. Ngưng sử dụng thuốc Anti-Itch Cream và thông báo ngay lập tức cho bác sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:
- Giãn đồng tử ở mắt;
- Đỏ bừng mặt;
- Thay đổi tâm thần, tâm trạng như xuất hiện ảo giác, hưng phấn bất thường, lú lẫn;
- Đi lại khó khăn;
- Tiểu khó.
Phụ nữ đang mang thai chỉ bôi thuốc Anti-Itch Cream khi thật cần thiết và sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, Anti-Itch Cream có thể đi vào sữa mẹ. Do đó, phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc giảm ngứa da do côn trùng cắn này.
5. Tương tác thuốc Anti-Itch Cream
Tác dụng của thuốc Anti-Itch Cream có thể bị ảnh hưởng nếu dùng thuốc đồng thời với các thuốc bôi ngoài da khác. Những ảnh hưởng có thể bao gồm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, những tương tác giữa Anti-Itch Cream với các thuốc khác xảy ra hay không còn tùy thuộc vào từng người bệnh. Quan trọng nhất vẫn là bác sĩ chỉ định thuốc có thể có các biện pháp giúp ngăn ngừa hoặc quản lý các tương tác thuốc bằng cách thay đổi cách sử dụng thuốc của bệnh nhân.
Không sử dụng thuốc Anti-Itch Cream với bất kỳ sản phẩm diphenhydramine nào khác bôi ngoài da hoặc đường uống vì có thể tăng tác dụng phụ.
Anti-Itch Cream có thể gây hại cho cơ thể nếu không may nuốt phải. Nếu quá nhiều thuốc được bôi lên da, hãy rửa sạch bằng nhiều nước và xà phòng. Nếu đã sử dụng quá liều và có các triệu chứng nghiêm trọng như ngất đi hoặc khó thở cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm: Thay đổi tâm thần, lú lẫn, khô miệng, khó nói, run tay run chân, co giật.
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng. Kiểm tra trên bao bì sản phẩm thuốc Anti-Itch Cream để biết hướng dẫn về cách bảo quản thuốc một cách chính xác nhất. Một số sản phẩm thuốc có chứa cồn trong thành phần cần đóng chặt nắp sau khi sử dụng và tránh xa nguồn nhiệt vì chúng dễ cháy. Giữ tất cả các loại thuốc trong gia đình tránh xa tầm với của trẻ em và vật nuôi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.