Tác dụng của thuốc Sudafed

Thuốc Sudafed được kê đơn sử dụng để điều trị hiệu quả cho các trường hợp bị nghẹt mũi, xoang mũi hoặc tắc nghẽn ống Eustachian. Sử dụng Sudafed theo đúng phác đồ của bác sĩ sẽ giúp người bệnh sớm cải thiện các triệu chứng và ngăn nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ.

1. Thuốc Sudafed là thuốc gì?

Sudafed thuộc nhóm thuốc thông mũi, được sử dụng chủ yếu cho những trường hợp bị xoang, nghẹt mũi hoặc tắc nghẽn ống Eustachian. Ngoài ra, thuốc Sudafed còn được dùng để điều trị hiệu quả tình trạng tắc nghẽn xoang do sốt cỏ khô, cảm lạnh thông thường hay một số bệnh dị ứng khác.

Hiện nay, sản phẩm được bào chế dưới 2 dạng chính, bao gồm thuốc xịt mũi Sudafed và viên nén. Hoạt chất chính trong thuốc là Phenylephrine HCl hàm lượng 10mg. Đây là chất có tác dụng thông mũi, giúp làm giảm thiểu các triệu chứng viêm mũi, nghẹt mũi mà không gây phản ứng buồn ngủ cho người sử dụng.

Trong nội dung tiếp theo sẽ đề cập chủ yếu đến công dụng, cách dùng và những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc Sudafed dạng viên nén. Vì đây là thuốc kê đơn, do đó bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng Sudafed khi chưa được bác sĩ chỉ định.

2. Thuốc Sudafed có tác dụng gì?

2.1. Công dụng của hoạt chất Phenylephrine HCl

Phenylephrine HCl trong thuốc Sudafed đóng vai trò là chất có tác dụng giống thần kinh giao cảm α1 tác động trực tiếp lên những thụ thể α1-adrenergic, từ đó dẫn đến hiện tượng co mạch máu và tăng mức huyết áp. Hoạt chất Phenylephrine hoạt động dựa trên cơ chế ngăn chặn quá trình sản xuất AMP vòng nhờ ức chế enzym adenylcyclase.

Ngoài ra, Phenylephrine cũng mang đến tác dụng gián tiếp nhờ phóng thích các norepinephrine đến từ những nang chứa vào trong tuần hoàn. Nhìn chung, hoạt chất Phenylephrine có khả năng gây quen thuốc nhanh chóng, nghĩa là tác dụng của thuốc sẽ giảm dần đi khi bệnh nhân sử dụng lặp lại nhiều lần.

2.2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Sudafed

Vậy thuốc Sudafed trị bệnh gì? Theo chỉ định của bác sĩ, thuốc Sudafed thường được kê đơn sử dụng cho những trường hợp dưới đây:

  • Điều trị chứng nghẹt mũi gây ra bởi sốt cỏ khô, cảm lạnh hoặc các bệnh dị ứng tại đường hô hấp trên.
  • Giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn, đồng thời giảm áp lực xoang tạm thời.

Tuy nhiên, không dùng thuốc Sudafed cho những đối tượng bệnh nhân sau đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với thành phần Phenylephrine hay bất kỳ tá dược có trong công thức thuốc.
  • Mắc bệnh tim nặng, bệnh mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim.
  • Người bị block nhĩ thất, tăng huyết áp nặng, nhịp nhanh thất hoặc xơ cứng động mạch nghiêm trọng.
  • Bệnh Glaucoma góc đóng hoặc cường giáp nặng.
  • Người đang sử dụng các thuốc ức chế MAO hoặc đã ngưng dùng loại thuốc này chưa đến 14 ngày.
  • Phụ nữ đang mang thai (nhất là 3 tháng đầu).
  • Trẻ em dưới 12 tuổi không sử dụng thuốc Sudafed.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Sudafed

3.1. Hướng dẫn dùng thuốc Sudafed đúng cách

Thuốc Sudafed cần được dùng chính xác theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc chỉ dẫn ghi trên nhãn của nhà sản xuất. Tránh dùng cùng lúc với số lượng lớn hoặc tự ý giảm liều và kéo dài thời gian so với khuyến cáo. Thuốc Sudafed thường chỉ được sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn cho tới khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn.

Sudafed được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc với ly nước đầy, tránh bẻ, nhai hoặc nghiền nát thuốc. Theo khuyến nghị, Sudafed không được dùng quá 7 ngày liên tiếp. Nếu các triệu chứng bệnh không cải thiện, hoặc thậm chí phát triển thêm những vấn đề khác như sốt kèm ho, nhức đầu hay phát ban, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để có cách khắc phục. Nếu bạn chuẩn bị thực hiện phẫu thuật, hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng Sudafed. Bác sĩ có thể cho bạn ngừng thuốc trong một thời gian ngắn để không ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.

3.2. Liều dùng thuốc Sudafed theo khuyến cáo

Thuốc Sudafed được dùng theo liều chỉ định của bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh cụ thể mà bạn mắc phải. Liều uống thông thường cho người trưởng thành là 1 viên mỗi 4 giờ, với liều tối đa không vượt quá 6 viên / 24 giờ. Bệnh nhân cần dùng thuốc Sudafed đúng liều, đúng tần suất và thời gian mà bác sĩ đã khuyến cáo. Tốt nhất, bạn nên uống thuốc vào cùng một khung giờ mỗi ngày để tránh tình trạng quên liều.

Trong trường hợp trót quên liều thuốc, hãy cố gắng uống bù liều càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, không nên uống quá sát liều dùng tiếp theo hoặc uống chồng liều cùng một thời điểm. Đối với trường hợp dùng quá liều Sudafed và gặp các triệu chứng như lo lắng hoặc có cảm giác bồn chồn, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ sớm để được xử trí.

4. Thuốc Sudafed gây ra các tác dụng phụ gì?

Trong quá trình dùng thuốc Sudafed, bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng phụ ngoại ý sau:

  • Ngứa ran, da ấm hoặc đỏ dưới da.
  • Ăn mất ngon.
  • Phát ban hoặc ngứa ngáy.
  • Có cảm giác kích động hoặc bồn chồn, nhất là ơ trẻ em.
  • Gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như khó ngủ hoặc mất ngủ.

Nếu xuất hiện những triệu chứng dị ứng như sưng lưỡi / môi / cổ họng / mặt, khó thở hoặc phát ban, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay. Ngoài ra, bạn cũng cần ngưng dùng Sudafed và báo cho bác sĩ nếu gặp phải những phản ứng sau:

  • Lo lắng hoặc chóng mặt nghiêm trọng.
  • Nhịp tim đập nhanh/ mạnh hoặc không đều.
  • Dễ bị chảy máu hoặc bầm tím.
  • Cơ thể có cảm giác đau đớn, ớn lạnh hoặc triệu chứng của cúm.
  • Nhức đầu nghiêm trọng, huyết áp cao, đinh tai, mờ thị lực, nhầm lẫn, đau ngực, lo lắng, động kinh hoặc nhịp tim không đều.

Trên đây chưa phải là danh sách đầy đủ các phản ứng phụ liên quan đến thuốc Sudafed. Nếu xảy ra bất kỳ triệu chứng nào trong quá trình dùng Sudafed, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ điều trị để có biện pháp thích hợp.

5. Những lưu ý quan trọng cần nắm rõ khi dùng thuốc Sudafed

Trước khi bắt đầu điều trị các tình trạng nghẹt mũi / xoang với thuốc Sudafed, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ nếu đang có bất kỳ tình trạng nào dưới đây:

  • Đang mang thai hoặc nuôi con bú.
  • Bị dị ứng với một số hoạt chất trong thuốc hay các thuốc khác.
  • Đang dùng các loại dược phẩm khác ngoài Sudafed, bao gồm thực phẩm chức năng, thuốc không kê toa, thuốc kê toa hoặc thảo dược.
  • Đang mắc bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp, tiêu khó do sưng tuyến tiền liệt hoặc bệnh tuyến giáp.
  • Chuẩn bị tiến hành phẫu thuật.

Thực tế, việc cho trẻ em dưới 4 tuổi dùng thuốc Sudafed có thể dẫn đến tử vong hoặc gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Vì vậy, cha mẹ cần trao đổi với dược sĩ / bác sĩ trước khi cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc ho hay cảm lạnh nào. Ngoài ra, hoạt chất Phenylephrine trong thuốc cũng có thể tương tác khi dùng chung với những chất khác. Điều này có thể khiến bệnh nhân dễ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc Sudafed cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và nơi có độ ẩm cao. Tuyệt đối không để Sudafed tại ngăn đá hay phòng tắm. Vì mỗi loại thuốc sẽ có cách bảo quản riêng, do vậy bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm để có biện pháp cất giữ thuốc tốt nhất.

Đối với thuốc hết hạn hoặc có dấu hiệu nấm mốc và chảy nước, bạn nên loại bỏ thuốc đúng cách theo khuyến cáo. Không tự ý vứt bỏ thuốc vào đường ống dẫn nước hoặc toilet trừ khi có yêu cầu.

6. Những loại thuốc tương tác với Sudafed

Một số loại thuốc khác khi dùng cùng lúc với Sudafed có thể xảy ra phản ứng tương tác, bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta như Carvedilol (Coreg), Atenolol (Tenormin, Tenoretic), Propranolol (Inderal, InnoPran), Nadolol (Corgard), Labetalol (Normodyne, Trandate), Sotalol (Betapace),...
  • Thuốc huyết áp.
  • Thuốc chống trầm cảm như Nortriptyline (Pamelor), Doxepin (Sinequan), Amitriptyline (Elavil, Vanatrip và Limbitrol).

Thuốc Sudafed được kê đơn sử dụng để điều trị hiệu quả cho các trường hợp bị nghẹt mũi, xoang mũi hoặc tắc nghẽn ống Eustachian. Để nâng cao hiệu quả sử dụng, người dùng cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:drugs.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe