Mometasone furoate là thuốc gì?

Thuốc Mometasone furoate được chỉ định trong điều trị các bệnh lý như hen suyễn, dị ứng hoặc bệnh về da. Tuy nhiên, Mometasone furoate cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng và được chỉ định của bác sĩ.

1. Mometasone là thuốc gì ?

Thuốc Mometasone furoate thuộc nhóm thuốc glucocorticoid tổng hợp có hoạt tính chống viêm tốt. Các corticosteroid có tác dụng trong việc ức chế các loại tế bào như dưỡng bào, bạch cầu, ưa eosin, bạch cầu trung tính, đại thực bào, hoặc tế bào lympho, hay các chất trung gian như histamin, eicosanoid, leucotrien và cytokin. Những hợp chất này có liên quan tới tình trạng viêm và hen. Các bạch cầu và đại thực bào có thể giúp cho sự khởi đầu các đáp ứng của thuốc qua các chất trung gian nói trên.

Mometasone furoate có khả năng ức chế sự bám vào của bạch cầu ở thành mạch bị tổn thương. Sau đó nó sẽ ngăn cản các tế bào viêm không di chuyển đến vùng bị tổn thương, làm co mạch và giảm tính thấm của mạch máu. Khi đó, sẽ làm cho các tế bào viêm không đến được vị trí tổn thương.

Thuốc Mometasone furoate thuộc loại corticosteroid sử dụng với các dạng:

  • Kem bôi tại chỗ với hàm lượng 0.1% kem kết hợp với thuốc xức 0.1%, thuốc mỡ 0.1% Mometasone furoate
  • Thuốc Mometasone furoate ở dạng xịt qua miệt sử dụng bột xịt qua miệng với hàm lượng 110 microgam tương đương với hàm lượng một lần xịt
  • Thuốc Mometasone furoate dạng xịt vào mũi bằng dịch treo xịt với hàm lượng 0.05% tương đương với 50 microgam Mometasone furoate mỗi lần xịt.

Khi đưa Mometasone furoate vào cơ thể bằng dạng xịt mũi thì không phát hiện thấy hợp chất của thuốc có trong huyết tương. Nhưng sử dụng thuốc ở dạng mỡ hoặc kem bôi có thể hấp thụ toàn thân của Mometasone furoate với 0.7% và khả năng hấp thu tăng cao khi sử dụng băng kín. Với thuốc Mometasone furoate xịt qua miệng của thuốc Mometasone furoate có khả năng hấp thu dưới 1%.

Thuốc Mometasone furoate có thể gắn với protein từ 98 đến 99%. Thuốc Mometasone furoate được chuyển hoá ở gan thông qua CYP3A4 và tạo thành chất chuyển hoá. Tuy nhiên, Mometasone furoate và các chất chuyển hoá được thải trừ ở phần, mật và nước tiểu.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Mometasone furoate

2.1. Chỉ định

  • Thuốc Mometasone furoate được chỉ định trong điều trị giúp làm giảm các biểu hiện viêm và ngứa của các bệnh ngoài da đáp ứng với corticosteroid ở những bệnh nhân có độ tuổi trên 2 tuổi.
  • Thuốc này có thể được sử dụng trong điều trị các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc dự phòng bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa.
  • Trường hợp bị polyp mũi ở người lớn.
  • Sử dụng thuốc trong điều trị duy trì hen để dự phòng hoặc bổ sung cho người bệnh hen khi cần sử dụng corticosteroid để giảm hoặc loại bỏ nhu cầu về corticosteroid đường uống.

2.2. Chống chỉ định

  • Thuốc Mometasone furoate chống chỉ định cho những người quá mẫn cảm với thành phần của thuốc
  • Không sử dụng thuốc đề điều trị cho bệnh nhân lên cơn co thắt phế quản cấp tính ở trạng thái hen hoặc ở trẻ em dưới 4 tuổi.
  • Thuốc Mometasone furoate cũng chống chỉ định cho bệnh rosacea ở mặt hoặc mụn trứng cá, viêm da quanh miệng, teo da, viêm ngứa quanh hậu môn và các bộ phận sinh dục, chốc lở, mụn thịt, hoặc herpes hoặc do nhiễm ký sinh trùng và nấm, bệnh lao, bệnh giang mai.
  • Không nên sử dụng thuốc Mometasone furoate trong các trường hợp vết thương hở hoặc trên da bị lở loét.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Mometasone furoate

3.1. Đối với người lớn

  • Điều trị bệnh hen với liều ban đầu cho người lớn và thiếu niên trên 12 tuổi sử dụng liều đơn trong trị liệu kết hợp với thuốc giãn phế quản hoặc có thể sử dụng kết hợp với corticosteroid xịt với hàm lượng 220 microgam/ngày vào buổi tối. Trường hợp bệnh hen không đỡ sau hai tuần điều trị với liều ban đầu có thể sử dụng liều cao hơn để kiểm soát bệnh, liều tối đa khuyến cáo sử dụng cho người bệnh với liều lượng 440 microgam mỗi ngày và sử dụng vào buổi tối.
  • Sử dụng liệu pháp xịt qua miệng ở người bệnh đang sử dụng corticosteroid toàn thân: Khi sử dụng liệu pháp này bệnh nhân hen phải tương đối ổn định,mới bắt đầu xịt qua miệng. Đầu tiên, sử dụng Mometasone furoate dạng xịt đồng thời với liều duy trì corticosteroid toàn thân. Sau đó, giảm liều corticosteroid toàn thân ít nhất 1 tuần sau khi bắt đầu sử dụng Mometasone furoate xịt qua miệng và không giảm liều hàng ngày quá 2.5mg prednisone trong mỗi tuần.
  • Bệnh viêm mũi dị ứng: Được sử dụng thuốc dạng xịt mũi để điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa. Liều sử dụng ở người lớn thường là 100 microgam vào mũi mỗi ngày. Để dự phòng viêm mũi dị ứng theo mùa ở người lớn có dị ứng nguyên theo mùa thì liều sử dụng Mometasone furoate là 200 microgam mỗi ngày và bắt đầu từ 2 đến 4 tuần trước lúc dự kiến bắt đầu đến mùa phấn hoa.
  • Bệnh polyp mũi được điều trị bằng Mometasone furoate với liều 100 microgam vào mỗi lỗ mũi 2 lần mỗi ngày tương đương tổng liều mỗi ngày 400 microgam. Sử dụng thuốc Mometasone furoate tại chỗ

Kem và thuốc mỡ Mometasone furoate được sử dụng tại chỗ bôi thành mảng mỏng và thoa vào các vùng bị bệnh. Người bệnh thường bôi ngày hai lần. Còn với dạng xức có thể nhỏ vài giọt Mometasone furoate vào vùng bị bệnh ngày một lần rồi sử dụng tay xoa bóp nhẹ nhàng. Lưu ý không sử dụng Mometasone furoate với băng kín.

3.2. Đối với trẻ em

  • Sử dụng thuốc Mometasone furoate dạng xịt qua miệng

Điều trị bệnh hen ở trẻ từ 4 đến 11 tuổi với liều ban đầu tối đa là 110 microgam và sử dụng ngày một lần vào buổi tối.

  • Sử dụng thuốc Mometasone furoate dạng xịt vào mũi

Điều trị viêm mũi dị ứng cho r trẻ từ 12 tuổi trở lên với liều 100microgam vào mỗi lỗ mũi mỗi ngày với tổng liều mỗi ngày là 200 microgam. Với trẻ từ 2 tuổi đến 11 tuổi sử dụng liều 50 microgam mỗi lỗ mũi mỗi ngày với tổng liều 100 microgam

Điều trị dự phòng viêm mũi dị ứng cho trẻ em trên 1 tuổi với nguyên nhân dị ứng theo mùa sử dụng liều 200 microgam mỗi ngày và bắt đầu từ 2 đến 4 tuần trước lúc dự kiến bắt đầu mùa phấn hoa.

Liều lượng thuốc Mometasone furoate trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.Vì vậy, nếu bạn sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng sức khoẻ thì cần tìm hiểu kỹ và tư vấn bởi bác sĩ.

Nếu bạn quên không sử dụng thuốc thì hãy sử dụng ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu liều Mometasone furoate quên gần với liều kế tiếp thì bạn nên bỏ qua liều quên và sử dụng liều kế tiếp. Bạn nên lưu ý không được sử dụng gấp đôi liều Mometasone furoate, bởi việc này có thể gây ra các triệu chứng xấu ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Trong trường hợp sử dụng thuốc quá liều cần ngưng sử dụng và gặp bác sĩ để hỗ trợ kịp thời.

4. Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Mometasone furoate

Thuốc Mometasone furoate có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn thường gặp như: nhức đầu, đau, trầm cảm, mệt mỏi, đau cơ xương khớp, đau lưng, viêm mũi, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm họng, chảy máu cam, đau bụng, chán ăn, khô miệng, đầy hơi, viêm dạ dày - ruột, viêm tai giữa, viêm kết mạc, nhiễm siêu vi khuẩn...Tuy nhiên, một số người có thể gặp các tác dụng phụ hiếm gặp như phù mạch, bệnh nấm candida mũi, thủng vách mũi, bệnh nấm, viêm nang lông, ức chế trục HPA, dị cảm, mất sắc tố...

Thuốc Mometasone furoate có tương tác với các thuốc khác như thuốc ức chế isoenzyme CYP3A4 vì thành phần Mometasone furoate được chuyển hoá ở gan bởi isoenzyme cytochrome P450. Việc sử dụng đồng thời các thuốc với nhau có thể tạo ra chất ức chế mạnh dẫn tới tăng nồng độ của Mometasone furoate trong huyết tương.

Để sử dụng thuốc Mometasone furoate, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đồng thời, luôn thông báo với bác sĩ những loại thuốc mà bạn đang sử dụng để tránh tình trạng tương tác thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe