Thuốc chống đông máu (thường được gọi là 'thuốc làm loãng máu') giúp làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Cùng tìm hiểu các loại thuốc chống đông máu, cách thức hoạt động và thuốc chống đông máu có tác dụng phụ nào trong bài viết dưới đây.
1. Các loại thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông máu ở dạng viên nén (đường uống) bao gồm:
- Apixaban
- Dabigatran
- Rivaroxaban
- Warfarin
Thuốc chống đông máu được tiêm:
- Enoxaparin
- Heparin.
Thuốc chống đông máu làm cho máu của bạn mất nhiều thời gian hơn để đông lại. Điều này làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc các tình trạng khác do cục máu đông gây ra.
2. Thuốc chống đông máu có tác dụng phụ nào?
Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu, bạn sẽ có nguy cơ chảy máu cao hơn. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: tăng vết thâm tím, chảy máu cam kéo dài, chảy máu nướu răng, kinh nguyệt kéo dài.
Nếu gặp bất kỳ điều nào sau đây, hãy gặp chuyên gia y tế: có máu trong nước tiểu, máu trong phân, ho ra máu, nôn ra máu, khối máu tụ (một vết bầm lớn tạo thành cục u).
Gọi cấp cứu ngay nếu bạn có bất kỳ điều nào sau đây: đau ngực dữ dội, đau đầu dữ dội, khó thở, đột ngột yếu, đột ngột hoặc tê ở mặt, cánh tay hoặc chân, khó nói, nói lộn xộn hoặc mất giọng, sưng miệng, môi hoặc lưỡi. Vì đây có thể là một phản ứng dị ứng.
Tốt nhất trước khi dùng thuốc nên trao đổi kỹ với bác sĩ để có những chỉ định phù hợp.
3. Lưu ý khi dùng thuốc chống đông máu
Đối với thuốc warfarin: Bạn sẽ cần xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra xem mất bao lâu để máu đông lại. Xét nghiệm này được gọi là xét nghiệm máu INR. Khi bạn mới bắt đầu dùng warfarin, có thể mất vài ngày, thậm chí vài tuần để có được liều lượng chính xác.
Đối với thuốc Dabigatran, apixaban và rivaroxaban: Bạn không cần kiểm tra tình trạng đông máu khi dùng các loại thuốc này. Bạn sẽ được xét nghiệm máu từ 6 đến 12 tháng một lần để kiểm tra thận của mình.
Nên làm gì nếu bỏ quên một liều thuốc? Nếu quên uống một liều, hãy uống ngay khi nhớ ra, sau đó tiếp tục uống như bình thường vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục như bình thường.
Nói với các bác sĩ, dược sĩ nếu bạn đang dùng bất kỳ: thực phẩm bổ sung, thuốc thảo dược, vitamin hoặc bất kỳ phương pháp điều trị thay thế nào. Những thứ này đôi khi có thể làm cho thuốc điều trị bệnh tim của bạn kém hiệu quả hơn.
Thực phẩm có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của warfarin bao gồm: thực phẩm giàu vitamin K, chẳng hạn như các loại rau lá như bông cải xanh, rau bina, cải xoăn và cải bruxen, quả nam việt quất hoặc nước ép nam việt quất, rượu bia, đậu nành, dầu canola. Nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn thêm về việc bạn ăn những thực phẩm này nếu đang dùng warfarin. Thuốc chống đông máu kéo dài thời gian chảy máu, vì vậy nên thông báo cho các chuyên gia y tế khác như nha sĩ, nữ hộ sinh và bác sĩ điều trị trước khi thực hiện bất kì thủ thuật hoặc điều trị nào.
Việc dùng thuốc đúng và đủ luôn mang đến những hiệu quả tích cực là giúp sức khỏe người bệnh cải thiện rõ rệt. Vì thế trước khi dùng thuốc nên trao đổi với bác sĩ, dược sĩ nhằm có những chỉ định phù hợp.