Lẹo mắt mặc dù không nguy hiểm nhưng đem đến cho người bệnh nhiều phiền toái và ảnh hưởng tới giao tiếp, sinh hoạt. Đa phần lẹo mắt sẽ biến mất sau vài ngày mà không cần can thiệp gì. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần sử dụng thuốc mỡ điều trị lẹo mí mắt để không gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh.
1. Tìm hiểu về bệnh lẹo mắt
Lẹo mắt là tình trạng bờ mi sưng, đỏ khu trú ở một điểm trên bờ mi, có thể đau nhức do tuyến bã nhờn hoặc nang lông mi bị nhiễm trùng tụ cầu. Lẹo có thể mọc ở mi trên (lẹo mi trên) hoặc mi dưới (lẹo mi dưới), mọc bên ngoài hoặc bên trong mí mắt. Điều trị lẹo mí mắt bằng thuốc mỡ, thuốc nhỏ mắt (tại chỗ) hoặc chích mủ khi lẹo thành áp xe mủ.
Lẹo mi mắt có thể dễ dàng nhận biết thông qua hình ảnh khối u trên mí mắt và sưng mí mắt. Mặc dù không phải là tình trạng nguy hiểm nhưng lẹo mắt có thể gây khó chịu cho người bệnh, bao gồm đau, đỏ mắt, sưng mí mắt, mi mắt chảy xệ, chảy dịch mắt, cảm giác bỏng rát trên mí mắt, ...
Nguyên nhân gây lẹo mi mắt: Theo thống kê, tụ cầu là nguyên nhân chủ yếu gây ra lẹo mắt, ngoài ra có thể do một số vi khuẩn khác. Chạm tay vào mắt hoặc dụi mắt là cách phổ biến để vi khuẩn xâm nhập vào mi mắt và gây bệnh, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ lẹo mắt là:
- Viêm mi mắt
- Ngứa mắt do sốt, dị ứng
- Dùng mỹ phẩm hết hạn
- Không tẩy trang cẩn thận sau khi trang điểm, để lớp trang điểm qua đêm
- Mụn trứng cá
- Viêm da tiết bã
- Dùng kính áp tròng không đúng cách
- Dùng chung đồ cá nhân với người lẹo mắt.
2. Cách điều trị lẹo mắt
Lẹo mắt khiến người bệnh cảm thấy đau, sưng mí mắt và khó chịu, nó có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần mà không cần can thiệp gì. Tuy nhiên, nếu sau 48 giờ tự chăm sóc tại nhà mà tình trạng sưng, đau không thuyên giảm, tầm nhìn bị ảnh hưởng thì người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Tùy vào tình trạng nhiễm trùng mí mắt, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp, bao gồm kháng sinh toàn thân và kháng sinh tại chỗ (thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ điều trị lẹo mí mắt).
Vệ sinh sạch sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ loại bỏ mụt lẹo, chủ động thực hiện các biện pháp sau để lẹo mắt chấm dứt sớm và ít tái phát hơn:
- Rửa tay sạch sẽ, ngâm khăn vào nước ấm và đắp lên mụt lẹo. Thực hiện 5 – 10 phút mỗi ngày.
- Mát xa nhẹ nhàng khu vực lẹo bằng đầu ngón tay sẽ giúp làm thông tuyến bã nhờn bị tắc nghẽn.
- Giữ mặt và mắt sạch sẽ, loại bỏ vảy xung quanh mắt.
- Không trang điểm và dùng kính áp tròng trong thời gian bị lẹo.
- Không nặn lẹo để tránh lây sang các khu vực khác.
3.Thuốc mỡ điều trị lẹo mí mắt
Thuốc mỡ lẹo mí mắt có thể bao gồm:
- Chlortetracycline
- Oxytetracycline
- Chloramphenicol
- Tobramycin
- Neomycin
- Polymyxin B.
Thuốc mỡ điều trị lẹo mí mắt thường gây ra các tác dụng không mong muốn như phản ứng tại chỗ, bỏng rát hoặc kích ứng mắt, cảm giác châm chích, phát ban da.
4. Biện pháp phòng ngừa lẹo mắt
Dưới đây là một vài phương pháp đơn giản để bảo vệ đôi mắt giảm nguy cơ lẹo mắt:
- Hạn chế lấy tay dụi mắt hoặc chạm vào mắt
- Dùng thuốc giảm ngứa khi bị dị ứng
- Điều trị triệt để viêm bờ mi, mụn trứng cá, viêm da tiết bã.
- Rửa sạch tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Lẹo mắt là một tình trạng thường gặp, bệnh không gây nguy hiểm nhưng có thể khiến người bệnh cảm thấy phiền toái, khó chịu. Tùy theo tình trạng của lẹo, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc kháng sinh, thuốc mỡ điều trị lẹo mí mắt, chích rạch, ...