Dulaglutide là thuốc gì?

Đái tháo đường tuýp 2 là bệnh lý rất phổ biến hiện nay. Bên cạnh các thuốc điều trị cổ điển, bệnh nhân có thể bổ sung thêm Dulaglutide dạng tiêm dưới da mỗi tuần 1 lần nhằm kiểm soát bệnh tốt hơn. Vậy Dulaglutide là thuốc gì?

1. Dulaglutide là thuốc gì?

Dulaglutide dạng thuốc tiêm dưới da được sử dụng đồng thời với chế độ ăn kiêng và tập thể dục nhằm kiểm soát đường huyết ở người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 (do cơ thể không thể sử dụng Insulin một cách bình thường để kiểm soát đường huyết). Bên cạnh đó, thuốc Dulaglutide còn được sử dụng với mục đích giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đồng mắc hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Dulaglutide không được sử dụng để điều trị đái tháo đường tuýp 1 (do cơ thể không thể sản xuất insulin) hoặc nhiễm toan ceton (một biến chứng nghiêm trọng của đái tháo đường do nồng độ đường trong máu cao không được điều trị).

Dulaglutide thuộc nhóm thuốc tương tự Incretin, khi sử dụng sẽ kích thích tuyến tụy giải phóng đủ lượng cần thiết Insulin để kiểm soát khi nồng độ đường trong máu tăng cao. Insulin được bài tiết sẽ vận chuyển đường trong máu vào các mô trong cơ thể để tạo ra năng lượng. Một tác dụng khác của thuốc Dulaglutide là làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn qua dạ dày.

Theo thời gian, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng, bao gồm bệnh tim mạch, đột quỵ, tổn thương thận, tổn thương thần kinh và các biến chứng mắt. Việc sử dụng (các) loại thuốc điều trị phù hợp, thay đổi lối sống (bao gồm chế độ ăn hạn chế đường, tập thể dục, bỏ thuốc lá) và thường xuyên kiểm tra đường huyết có thể giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn, qua đó giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.

Liệu pháp điều trị bằng thuốc Dulaglutide có thể làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc các biến chứng khác của đái tháo đường như suy thận, tổn thương thần kinh (gây tê, lạnh chân hoặc bàn chân hoặc giảm khả năng tình dục), các vấn đề về mắt (bao gồm cả những thay đổi hoặc mất thị lực) hoặc bệnh nướu răng.

2. Cách sử dụng thuốc Dulaglutide

Dulaglutide bào chế ở dạng dung dịch đựng trong bút định lượng và sử dụng bằng đường tiêm dưới da ở một số vị trí như bụng, đùi hoặc cánh tay.

Thuốc Dulaglutide thường được tiêm mỗi tuần 1 lần và không phụ thuộc vào bữa ăn. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc Dulaglutide cùng một ngày mỗi tuần và có thể tiêm vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Lưu ý, bệnh nhân có thể thay đổi ngày sử dụng thuốc nhưng phải đảm bảo cách liều tiêm cuối cùng ít nhất 3 ngày.

Bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn trên bao bì sản phẩm một cách cẩn thận và trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về những vấn đề chưa rõ. Tuyệt đối không tự ý tăng/giảm liều dùng hoặc tiêm thuốc Dulaglutide thường xuyên hơn so với chỉ định của bác sĩ.

Dulaglutide giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường, tuy nhiên thuốc không giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó người bệnh cần tiếp tục sử dụng Dulaglutide ngay cả khi cảm thấy cơ thể khỏe mạnh và không được tự ý ngừng sử dụng khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Dulaglutide:

  • Dulaglutide được sản xuất ở dạng bút định lượng, bệnh nhân chỉ tiêm thuốc theo liều lượng được pha sẵn và không được trộn với bất kỳ loại thuốc nào khác;
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, đặc biệt là những hướng dẫn về cách chuẩn bị và tiêm một liều thuốc Dulaglutide;
  • Quan sát dung dịch Dulaglutide trước khi tiêm, phải đảm bảo thuốc không đổi màu và xuất hiện kết tủa;
  • Vị trí tiêm thuốc Dulaglutide là dưới da cánh tay, đùi hoặc vùng bụng. Tuyệt đối không tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp và nên thay đổi vị trí tiêm trong khu vực thích hợp với các liều khác nhau. Lưu ý: Bệnh nhân có thể tiêm đồng thời Dulaglutide và Insulin ở cùng một vùng cơ thể, nhưng tốt nhất là không tiêm quá sát nhau.

Quên liều Dulaglutide và cách xử lý:

  • Bệnh nhân cần sử dụng liều Dulaglutide đã quên ngay khi nhớ ra và sau đó quay lại lịch trình dùng thuốc hàng tuần theo hướng dẫn;
  • Tuy nhiên, nếu còn ít hơn 3 ngày cho đến liều tiếp theo thì bệnh nhân hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc như bình thường.

3. Tác dụng phụ của thuốc Dulaglutide

Dulaglutide có thể làm thay đổi đường huyết. Do đó bệnh nhân nên biết các triệu chứng của tăng hoặc hạ đường huyết và biết cách xử trí khi những tình trạng này xảy ra.

Quá trình sử dụng thuốc Dulaglutide có thể gây ra tác dụng phụ. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu có những triệu chứng nào nghiêm trọng hoặc dai dẳng như sau:

  • Tiêu chảy;
  • Buồn nôn;
  • Ợ nóng;
  • Giảm cảm giác thèm ăn;
  • Cảm thấy mệt mỏi.

Nếu xảy ra bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bệnh nhân hãy ngừng sử dụng Dulaglutide và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức hoặc trực tiếp đến bệnh viện để được điều trị khẩn cấp:

  • Đau bụng thượng vị hoặc thượng vị lệch trái, đôi khi lan ra sau lưng;
  • Nôn ói;
  • Phát ban da;
  • Ngứa;
  • Khó thở hoặc khó nuốt;
  • Sưng phù môi, lưỡi, mặt hoặc cổ họng;
  • Thay đổi thị lực;
  • Nhịp tim nhanh.

4. Một số thận trọng khi sử dụng thuốc Dulaglutide

Trước khi sử dụng thuốc Dulaglutide, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về tiền sử dị ứng với hoạt chất này, các thuốc cùng nhóm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong bút tiêm thuốc Dulaglutide. Trao đổi với dược sĩ hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết các thành phần có trong sản phẩm này.

Thông báo cho bác sĩ và dược sĩ về tất cả thuốc đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, vitamin, chất bổ sung dinh dưỡng và các sản phẩm thảo dược mà bệnh nhân đang dùng hoặc có ý định dùng. Dulaglutide có thể thay đổi cách cơ thể hấp thụ và chuyển hóa những loại thuốc trên. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng là bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng Insulin hoặc thuốc uống điều trị đái tháo đường, đặc biệt là nhóm Sulfonylurea, bao gồm Chlorpropamide, Glimepiride, Glipizide, Glyburide, Tolazamide và Tolbutamide. Bác sĩ điều trị có thể phải thay đổi liều dùng các thuốc kể trên hoặc theo dõi bệnh nhân cẩn thận về nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ.

Trước khi sử dụng thuốc Dulaglutide, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ nếu có những vấn đề sau:

  • Tiền sử hoặc đang bị viêm tụy;
  • Biến chứng võng mạc do đái tháo đường (tổn thương mắt);
  • Các vấn đề nghiêm trọng về dạ dày, bao gồm liệt dạ dày (chậm chuyển thức ăn từ dạ dày đến ruột non) hoặc các vấn đề tiêu hóa thức ăn khác;
  • Bệnh lý thận hoặc gan.

Bệnh nhân có chỉ định sử dụng Dulaglutide cần báo cho bác sĩ nếu đang mang thai, dự định có thai hoặc đang trong thời kỳ cho con bú. Nếu có thai trong khi sử dụng thuốc Dulaglutide, nn cần liên hệ ngay với bác sĩ.

Tham khảo ý kiến bác sĩ về cách xử trí một số biểu hiện bất thường khi sử dụng thuốc Dulaglutide, như bị ốm, mắc bệnh nhiễm trùng hoặc sốt cao, tinh thần căng thẳng bất thường hoặc bị chấn thương. Những tình trạng nêu trên có thể ảnh hưởng đến nồng độ đường trong máu và liều dùng của thuốc Dulaglutide có thể cần.

Tiêm dưới da Dulaglutide có thể làm tăng nguy cơ bạn phát triển các khối u tuyến giáp, bao gồm ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy (MTC). Động vật thí nghiệm được cho sử dụng Dulaglutide đã phát triển khối u, tuy nhiên vẫn chưa biết hoạt chất này có tác dụng tương tự ở người hay không. Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ biết nếu bản thân hoặc bất kỳ ai trong gia đình đang hoặc đã từng mắc MTC hoặc hội chứng Đa u tuyến nội tiết tuýp 2 (một tình trạng phát triển khối u ở nhiều tuyến trong cơ thể). Nếu có những vấn đề trên, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân không sử dụng thuốc Dulaglutide. Trường hợp xuất hiện những biểu hiện sau đây cần liên hệ ngay với bác sĩ, bao gồm xuất hiện khối u hoặc khối sưng phồng ở cổ, khàn tiếng, khó nuốt, hoặc khó thở.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe