Thuốc Waruwari là thuốc giãn cơ có thành phần hoạt chất chính là Tizanidin. Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân bị co cứng cơ. Tìm hiểu đầy đủ thông tin về thành phần, cách dùng, liều dùng giúp người bệnh sử dụng thuốc hiệu quả.
1. Thuốc Wavuwari là thuốc gì?
Waruwari là thuốc gì? Thuốc Wavuwari là thuốc giãn cơ có tác dụng làm giãn cơ ở những người bệnh bị co cứng cơ. Thuốc Wavuwari có chứa thành phần chính là Tizanidin. Ngoài thành phần chính, trong thuốc còn chứa các tá dược khác vừa đủ 1 viên.
Theo đó, Tizanidin là hoạt chất có khả năng ức chế synap của của neuron vận động. Vì vậy có tác động làm giảm sự kích thích của neuron vận động với tủy sống, dùng để làm giảm co cứng cơ.
2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Waruwari
2.1. Chỉ định
Thuốc Waruwari được chỉ định trong những trường hợp sau đây:
- Người bệnh gặp phải tình trạng co cứng cơ do hệ thống thần kinh bị thương tổn như trong bệnh lý xơ cứng rải rác (các bao myelin tế bào thần kinh bị tổn thương), tổn thương tủy sống.
- Người bệnh gặp phải tình trạng co cơ gây đau đớn
2.2. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Waruwari trong những trường hợp sau đây:
- Người bệnh có tiền sử mẫn cảm với bất kì thành phần nào có ở bên trong thuốc Waruwari
- Chống chỉ định sử dụng thuốc Waruwari với các trường hợp suy giảm chức năng gan.
- Không dùng thuốc Waruwari cho người bệnh là trẻ em, bởi hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu được kiểm chứng về độ an toàn của thuốc Waruwari và tác dụng của đối với sức khỏe của trẻ.
3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Waruwari
3.1. Cách dùng
Thuốc Waruwari được bào chế dưới dạng viên nén bao phim nên người bệnh cần sử dụng thuốc bằng đường uống. Trong quá trình sử dụng, người bệnh cần chú ý uống nguyên viên thuốc với nước đun sôi để nguội và không nhai nát viên thuốc.
3.2. Liều dùng
Liều dùng thuốc Waruwari dành cho những người bị co cứng cơ
- Liều khởi đầu: Mỗi ngày dùng người bệnh sử dụng thuốc 3-4 lần và chia mỗi lần dùng 2mg
- Liều tiếp theo: Sau 3-4 ngày có thể tăng liều lượng thuốc thêm 2mg, sử dụng tối đa 36mg/ ngày, chia làm 3-4 lần dùng mỗi ngày.
Liều dùng dành cho đau do co cơ
Liều lượng sử dụng thuốc Waruwari mỗi ngày dùng 3 lần và chia mỗi lần 2-4mg (tùy từng mức độ của cơn đau)
Liều dùng thuốc điều trị bệnh nhân có rối loạn ở thận ( tốc độ thải keratin nhỏ hơn 25ml/phút)
Liều lượng dùng thuốc Waruwari mỗi ngày dùng 1 lần 2mg, sau đó có thể tăng liều (nên tăng chậm)
Cần lưu ý: Liều lượng dùng thuốc Waruwari trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh muốn sử dụng thuốc thì cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và nhờ sự tư vấn của bác sĩ về cách kê đơn và sử dụng sao cho hiệu quả nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Waruwari
Thận trọng khi sử dụng thuốc Waruwari trong những trường hợp sau đây:
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Waruwari cho những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về rối loạn về tim mạch, huyết áp, bệnh gan
- Khi sử dụng thuốc Waruwari cho đối tượng là trẻ em thì các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và các nhân viên y tế để tránh những hậu quả không mong muốn xảy ra.
- Trong thời gian sử dụng thuốc Waruwari, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, tránh việc tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc Waruwari để đẩy nhanh thời gian, quá trình điều trị bệnh.
- Trước khi ngưng sử dụng thuốc Waruwari thì bệnh nhân cần xin ý kiến và tự vấn của bác sĩ.
- Phụ nữ có thai: Hiện nay, những nghiên cứu về việc sử dụng Tizanidin trên người mang thai còn rất hạn chế, cũng như chưa chứng minh được mức độ an toàn. Do đó, phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc Waruwari khi thật sự cần thiết và được sự tư vấn chỉ định của bác sĩ.
- Phụ nữ cho con bú: Hiện nay, vẫn chưa xác định được việc hoạt chất tizanidin có qua sữa mẹ hay không. Tuy nhiên, hoạt chất này có thể tan được trong lipid, do đó có khả năng thuốc có thể đi vào đường sữa mẹ. Những bà mẹ đang nuôi con bú chỉ nên sử dụng thuốc Waruwari khi đã cân nhắc kỹ lợi ích cao hơn nguy cơ rủi ro.
- Nếu nhận thấy thuốc Waruwari xuất hiện các dấu hiệu lạ, ví dụ như bị biến đổi màu, biến dạng, hay chảy nước,... thì người bệnh tuyệt đối không nên sử dụng thuốc đó nữa.
5. Tác dụng phụ của thuốc Wavuwari
Trong quá trình sử dụng thuốc Wavuwari, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ với tần suất như sau:
Tác dụng phụ thường gặp
- Rối loạn hệ tiêu hóa: Đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy, khó tiêu
- Xương khớp: Một số cơ không thể vận động được, đau lưng, nhược cơ.
- Hệ thần kinh đặc biệt là hệ thần kinh trung ương: Buồn ngủ, trầm cảm, âu lo, tâm trạng thất thường.
Tác dụng phụ ít gặp
Rối loạn tim mạch, rối loạn chuyển hóa, hô hấp, tiết niệu, ù tai, đau mắt và một số rối loạn nặng như xuất huyết tiêu hóa, sỏi mật,...
Tác dụng hiếm gặp
Nôn ra máu, rối loạn tiểu cầu, u gan, tróc nở da, rối loạn các chất có trong máu (glucose, protein, kali, natri), thay đổi các thành phần trong nước tiểu.
Ngoài những tác dụng phụ kể trên, trong quá trình sử dụng thuốc Wavuwari, người bệnh nhận thấy cơ thể xuất hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ do việc sử dụng thuốc Wavuwari thì cần xin ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ để có thể xử trí kịp thời và chính xác.
6. Tương tác thuốc
Trong quá trình sử dụng Wavuwari, nếu người bệnh phải sử dụng kết hợp đồng thời với một hay nhiều các loại thuốc khác thì có thể xảy ra tương tác thuốc, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa và thải trừ. Từ đó có thể làm giảm tác dụng hoặc gây ra độc tính ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Thuốc Wavuwari có thể gây tương tác với những lợi thuốc sau đây:
- Thuốc Digoxin
- Thuốc ức chế beta-adreneric
- Thuốc làm hạ huyết áp
- Thuốc chống động kinh Phenytoin
- Thuốc hạ sốt và giảm đau Acetaminophen
Để tránh tương tác thuốc xảy ra thì người bệnh cần thông báo cho bác sĩ, dược sĩ tư vấn về các thuốc hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc, thảo dược, thực phẩm chức năng đang dùng tại thời điểm hiện tại để có cơ sở đánh giá và kê đơn thuốc, điều chỉnh hợp lý.
7. Cách xử trí quá liều, quên liều
- Quá liều: Khi người bệnh sử dụng thuốc Wavuwari quá liều có thể gây ra những ảnh hưởng trên da, thần kinh và tiêu hóa. Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp phải tình trạng nhiễm độc gan, thận. Vì vậy, nếu không may uống quá liều thì người bệnh cần chú ý các dấu hiệu bất thường, bởi những biến chứng này thường diễn ra rất nhanh và nguy hiểm. Tốt nhất nếu người bệnh không may uống quá liều thì cần thông báo cho bác sĩ được biết để được tư vấn về cách xử trí.
- Quên liều: Nếu quên sử dụng một liều thuốc Wavuwari thì người bệnh cần sử dụng ngay khi nhớ ra. Nếu thời gian đã quá xa và gần đến liều thuốc Wavuwari kế tiếp thì hãy bỏ qua liều quên đó và uống một liều mới như bình thường. Người bệnh cần chú ý không nên bỏ qua 2 liều thuốc Wavuwari liên tiếp.
Để đảm bảo chất lượng thuốc tốt nhất, bạn nên bảo quản thuốc Wavuwari ở những nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng trực tiếp. Để thuốc Wavuwari tránh xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi trong gia đình.
Thuốc Waruwari là thuốc giãn cơ có thành phần hoạt chất chính là Tizanidin. Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân bị co cứng cơ. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn có bên trong hộp thuốc và tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.