Thuốc Singulair chứa hoạt chất Montelu – kast sodium được chỉ đỉnh trong điều trị và dự phòng hen phế quản mạn tính, bao gồm dự phòng cơn hen ban đêm và ban ngày, điều trị hen ở người bệnh nhạy cảm với aspirin và dự phòng cơn co thắt phế quản do gắng sức. Cùng tìm hiểu các lưu ý khi sử dụng thuốc Singulair qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Singulair
Thuốc Singulair chứa hoạt chất Montelukast được bào chế dưới các hàm lượng là thuốc Singulair 5mg, 4mg và 10mg. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên điều trị và dự phòng hen mãn tính, bao gồm dự phòng chứng hen ban đêm và ban ngày;
- Điều trị hen phế quản ở người bệnh nhạy cảm với aspirin, dự phòng cơn co thắt phế quản do gắng sức;
- Giảm các triệu chứng ban đêm và ban ngày của viêm mũi dị ứng (viêm mũi dị ứng theo mùa ở người trưởng thành và trẻ em từ 2 tuổi trở lên), viêm mũi dị ứng quanh năm ở người trưởng thành và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.
2. Liều dùng thuốc Singulair
Thuốc singulair tab 10mg được dùng bằng đường uống cùng với thức ăn hoặc không cùng với thức ăn. Thuốc Singulair trong dự phòng và điều trị hen phế quản cần dùng vào buổi tối, đối với người bệnh viêm mũi dị ứng có thời gian sử dụng thuốc phụ thuộc vào nhu cầu của người bệnh. Liều thuốc khuyến cáo là uống 1 lần mỗi ngày, cụ thể như sau:
- Người trưởng thành và thanh thiếu niên từ 15 tuổi trở lên: Uống 1 viên nén 10mg mỗi ngày;
- Trẻ em từ 6 – 14 tuổi: Uống 1 viên nhai 5mg mỗi ngày;
- Trẻ em từ 2 – 5 tuổi: Uống 1 viên nhai 4mg hoặc 1 gói cốm hạt 4mg mỗi ngày;
- Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi: Uống 1 gói cốm hạt 4mg mỗi ngày.
Khuyến cáo chung:
- Hiệu quả điều trị của thuốc Singulair phụ thuộc vào thông số kiểm tra hen đạt trong ngày
- Người bệnh cần được tiếp tục dùng Singulair, kể cả khi cơn hen đã được khống chế cũng như trong thời kỳ cơn hen bị nặng hơn;
- Không cần hiệu chỉnh liều thuốc ở bệnh nhân nhi trong từng nhóm tuổi, người cao tuổi, người bệnh suy gan nhẹ đến trung bình, người bệnh bệnh suy thận hoặc cho từng giới tính;
- Điều trị bằng thuốc Singulair liên quan đến các thuốc điều trị hen khác: Thuốc Singulair có thể sử dụng phối hợp ở người bệnh đang điều trị bằng các phác đồ điều trị hen khác;
- Giảm liều thuốc phối hợp: Singulair có thể được thêm vào chế độ điều trị ở người bệnh chưa được kiểm soát đầy đủ bằng thuốc giãn phế quản. Thường sau liều đầu tiên phối hợp (sau khi có chứng cứ đáp ứng lâm sàng) có thể giảm liều thuốc phối hợp giãn phế quản;
- Thuốc Corticosteroid dạng hít: Điều trị phối hợp bằng thuốc Singulair mang lại nhiều lợi ích trong điều trị ở người bệnh đang sử dụng corticosteroid dạng hít. Liều thuốc nên được giảm khi người bệnh dung nạp Singulair dưới sự giám sát của bác sĩ điều trị;
Mọi thông tin khuyến cáo về liều dùng trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Liều thuốc Singulair thực tế trên lâm sàng phụ thuộc vào từng người bệnh cụ thể và theo chỉ định của bác sĩ điều trị, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của chuyên viên y tế.
3. Tác dụng phụ thuốc Singulair
Thuốc Singulair 5mg, 4mg hay 10mg có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
Thường gặp: Tác dụng phụ toàn thân như nhức đầu, đau bụng (người bệnh lớn hơn 15 tuổi), khát (người bệnh từ 2 – 5 tuổi), tăng kích động, tiêu chảy, hen, phát ban và viêm da (người bệnh từ 6 tháng đến 2 tuổi).
Ít gặp:
- Các bệnh nhiễm ký sinh trùng và nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp trên;
- Rối loạn hệ bạch huyết và rối loạn máu: Tăng xu hướng chảy máu;
- Rối loạn hệ miễn dịch: Phản ứng quá mẫn như phản vệ, hiếm gặp gan thâm nhiễm bạch cầu ưa eosin;
- Rối loạn hệ thần kinh: Buồn ngủ, chóng mặt, dị cảm/giảm cảm giác, hiếm gặp co giật;
- Rối loạn tim: Đánh trống ngực;
- Rối loạn ngực, hô hấp và trung thất: Chảy máu mũi;
- Rối loạn dạ dày – ruột: Chán ăn, tiêu chảy, nôn, buồn nôn;
- Rối loạn gan mật: Tăng AST, ALT;
- Rối loạn da, mô dưới da: Bầm tím, phù mạch, ngứa, phát ban, ban đỏ nốt, mày đay;
- Rối loạn mô liên kết và cơ xương: Đau cơ, đau khớp bao gồm chuột rút;
- Rối loạn toàn thân và tình trạng dùng thuốc tại chỗ: Mệt mỏi, suy nhược, sốt, phù.
Hiếm gặp: Rối loạn gan mật như viêm gan (viêm tế bào gan, viêm gan ứ mật, tổn thương gan nhiều thành phần).
Trong trường hợp gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng, người bệnh cần ngưng dùng thuốc Singulair và thông báo cho bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Singulair
4.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc ở người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Singulair.
4.2. Thận trọng
Chưa có nghiên cứu chứng minh hiệu lực của thuốc Singulair trong điều trị cơn hen cấp tính. Vì vậy, không sử dụng thuốc dạng uống trong điều trị cơn hen cấp tính. Người bệnh cần được hướng dẫn sử dụng các dạng thuốc bào chế thích hợp. Trong một số trường hợp cần giảm liều thuốc corticoid dưới sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị và không được thay thế một cách đột ngột liều thuốc corticosteroid uống và thuốc Singulair hít.
Thận trọng và theo dõi chặt chẽ triệu chứng lâm sàng của người bệnh khi giảm liều thuốc corticosteroid đường uống ở người bệnh điều trị bằng Singulair. Đã có báo cáo về tác dụng phụ tâm thần kinh ở người bệnh điều trị bằng Singulair.
Thuốc Singulair được nghiên cứu trên bệnh nhân nhi 6 tháng – 14 tuổi cho kết quả chưa rõ tính an toàn và hiệu lực cụ thể của thuốc ở bệnh nhân nhi dưới 6 tháng tuổi. Các nghiên cứu cũng cho thấy thuốc không ảnh hưởng đến tỷ lệ phát triển ở trẻ em.
Khả năng lái xe – vận hành máy móc: Thuốc Singulair không ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc của người bệnh.
Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu về độ an toàn của thuốc Singulair khi sử dụng ở phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang cho con bú. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở các đối tượng này.
5. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc xảy ra làm giảm tác dụng thuốc và tăng nguy cơ gây độc, gặp phải tác dụng phụ. Sử dụng đồng thời Singulair và phenobarbital là giảm diện tích dưới đường cong của montelukast khoảng 40%. Vì vậy cần hạn chế sử dụng đồng thời hai thuốc với nhau.
Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách dùng thuốc Singulair cũng như làm thế nào để đảm bảo an toàn, hạn chế tác dụng phụ khi sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.