Công dụng thuốc Pletaal tablets 50mg

Thuốc Pletaal tablets 50mg được bào chế dưới dạng viên nén với thành phần chính là Cilostazol. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số hiện tượng liên quan đến tuần hoàn máu.

1. Thuốc Pletaal tablets 50mg có tác dụng gì?

1 viên thuốc Pletaal tablets 50mg có chứa 50mg cilostazol cùng tá dược như: Cellulose vi tinh thể, calci carboxymethyl cellulose (canxi carmellose), tinh bột ngô, hydroxypropyl methyl cellulose 2910 (hypromellose) và magie stearat.

Cilostazol được dùng để cải thiện một số triệu chứng tuần hoàn máu ở chân (đau cách hồi ở chân). Cilostazol có thể giảm chuột rút, đau cơ khi đi bộ hay tập thể dục. Cilostazol có thể làm tăng lượng oxy và lưu lượng máu cho cơ bắp. Thuốc hoạt động theo cơ chế ngăn chặn các tế bào tiểu cầu dính lại với nhau và không để chúng tạo thành các cục máu đông. Thuốc Pletaal tablets 50mg cũng giúp nới rộng các mạch máu ở chân. Cilostazol giúp máu lưu thông khắp cơ thể.

Chỉ định: Thuốc Pletaal tablets 50mg được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị các triệu chứng thiếu máu cục bộ bao gồm đau, loét và lạnh các chi trong chứng nghẽn tắc động mạch mãn tính;
  • Phòng ngừa hiện tượng nhồi máu não tái phát (không bao gồm nghẽn mạch mãn tính);
  • Cải thiện khoảng cách đi bộ tối đa cũng như khoảng cách đi bộ không đau ở người bệnh mắc chứng đau cách hồi không bị đau lúc nghỉ và không có hiện tượng hoại tử tổ chức ngoại biên (Fontaine giai đoạn 2, bệnh lý mạch máu ngoại biên).

Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Pletaal tablets 50mg trong các trường hợp như sau:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với Cilostazol hay bất cứ thành phần nào của thuốc Pletaal tablets 50mg;
  • Bệnh nhân suy thận nặng, có độ thanh thải creatinin dưới 25ml/phút;
  • Người bị suy tim sung huyết;
  • Phụ nữ mang thai;
  • Bệnh nhân có khuynh hướng dễ chảy máu như xuất huyết não (trong vòng 6 tháng), loét dạ dày tiến triển, tăng huyết áp không được kiểm soát tốt, bệnh võng mạc tăng sinh do tiểu đường;
  • Bệnh nhân có tiền sử nhịp nhanh thất, ngoại tâm thu thất đa ổ hoặc rung thất, người bệnh điện tim có khoảng QT kéo dài;
  • Bệnh nhân suy gan mức độ nặng và trung bình;
  • Người bệnh được điều trị đồng thời với 2 hay nhiều loại thuốc ức chế kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông khác (như aspirin, clopidogrel, heparin, acenocoumarol, warfarin, dabigatran, apixaban hoặc rivaroxaban;
  • Người bệnh bị đau thắt ngực không ổn định, từng bị nhồi máu cơ tim trong vòng 6 tháng hoặc can thiệp mạch vành trong vòng 6 tháng trước đó.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Pletaal tablets 50mg

Cách dùng: Thuốc Pletaal tablets 50mg được bào chế dưới dạng viên nén nên sử dụng bằng cách uống trực tiếp với nước. Thuốc được dùng tối thiểu 30 phút trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn bữa sáng và bữa tối. Khi sử dụng thuốc Pletaal tablets 50mg với thức ăn, ghi nhận nồng độ tối đa trong máu tăng lên. Điều này có thể liên quan tới nguy cơ tăng tần suất gặp phải những tác dụng không mong muốn.

Liều dùng: Liều thường sử dụng cho người lớn của thuốc Pletaal tablets 50mg là 100mg Cilostazol, 2 lần/ngày.

Quá liều: Hiện có khá ít thông tin về quá liều cấp tính của thuốc Pletaal tablets 50mg trên người. Một số triệu chứng có thể lường trước được là: Tiêu chảy, tim đập nhanh và có khả năng loạn nhịp tim, đau đầu trầm trọng. Cần lưu ý theo dõi người bệnh và điều trị hỗ trợ. Nên làm sạch dạ dày bằng phương pháp gây nôn hoặc rửa dạ dày theo chỉ định phù hợp.

3. Tác dụng phụ của thuốc Pletaal tablets 50mg

Trong quá trình sử dụng thuốc Pletaal tablets 50mg, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Các phản ứng bất lợi có ý nghĩa lâm sàng như:
    • Nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết, nhịp tim nhanh thất, cơn đau thắt ngực;
    • Xuất huyết nội sọ như xuất huyết não với một số triệu chứng sớm: Buồn nôn, nôn, nhức đầu, liệt nửa người, rối loạn ý thức;
    • Xuất huyết trong phổi, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết ở đáy mắt dưới, chảy máu cam;
    • Chứng giảm bạch cầu hạt, mất bạch cầu hạt, giảm toàn thể huyết cầu, giảm tiểu cầu;
    • Viêm phổi kẽ kèm theo ho, sốt, khó thở; X-quang ngực bất thường; tăng bạch cầu eosin;
    • Rối loạn chức năng gan với triệu chứng vàng da, tăng AST, ALT, LDH, ALP;
    • Suy chức năng thận cấp;
  • Một số phản ứng bất lợi khác:
    • Quá mẫn cảm: Phát ban, nổi mề đay, phát ban, ngứa, nhạy cảm với ánh sáng;
    • Tim mạch: Đánh trống ngực, nhịp nhanh xoang, nhịp tim nhanh, đỏ bừng nóng, tăng huyết áp, loạn nhịp bao gồm ngoại tâm thu trên thất, rung nhĩ, nhịp tim nhanh trên thất, ngoại tâm thu thất, giảm huyết áp;
    • Tâm thần kinh: Mất ngủ, nhức đầu, nhức đầu âm ỉ, tê, buồn ngủ, run, cứng cơ vai;
    • Dạ dày - ruột: Khó tiêu, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, ợ nóng, đầy hơi, chướng bụng, loạn vị giác, khát nước, đi ngoài có thể phân đen;
    • Gan: Tăng ALT (GPT), AST(GOT), phosphatase kiềm và LDH;
    • Thận: Ban, tăng nito ure máu, creatinin và acid uric, đái rắt, giảm tiểu;
    • Phản ứng bất lợi khác: Phù, ra mồ hôi, tăng nhịp tim, đau, tức ngực, ù tai, đau, khó chịu, yếu, tăng đường huyết, viêm kết mạc, rụng tóc, sốt, đau cơ, giảm bạch cầu hạt, chảy máu cam, chảy máu võng mạc.

Nếu có các triệu chứng như trên, người bệnh nên báo cho bác sĩ điều trị để được can thiệp xử lý sớm nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Pletaal tablets 50mg

Một số điều bệnh nhân cần lưu ý trước và trong khi sử dụng thuốc Pletaal tablets 50mg là:

  • Hiệu quả của thuốc Pletaal tablets 50mg trên nhồi máu não hiện chưa được nghiên cứu ở những người bệnh bị nhồi máu não không triệu chứng;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Pletaal tablets 50mg cho chỉ định đau cách hồi: Nên được bác sĩ có kinh nghiệm tư vấn, bệnh nhân cần bỏ thuốc lá, tập luyện thể lực thường xuyên, can thiệp bằng thuốc (như thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc hạ lipid máu) để giảm tai biến tim mạch;
  • Người bệnh đang dùng các thuốc ức chế enzyme CYP2C19 và CYP3A4: Cần cân nhắc giảm liều sử dụng xuống 50mg x 2 lần/ngày đối với người bệnh dùng các loại thuốc ức chế mạnh CYP3A4, ví dụ như một vài loại thuốc thuộc nhóm macrolid, các thuốc ức chế protease, các thuốc kháng nấm nhóm azol hay các thuốc ức chế mạnh CYP2C19 như omeprazol;
  • Người bệnh cao tuổi: Không có yêu cầu đặc biệt về liều dùng Pletaal tablets 50mg cho người bệnh cao tuổi;
  • Người bệnh trẻ em: Hiện chưa có đầy đủ thông tin về tính an toàn và hiệu quả của thuốc trên đối tượng trẻ em;
  • Người bệnh suy thận: Không cần thiết phải điều chỉnh liều dùng đối với người bệnh có độ thanh thải creatinin >25ml/phút. Chống chỉ định dùng creatinin với người bệnh có độ thanh thải creatinin <25ml/phút;
  • Người bệnh suy gan: Không cần thiết phải thực hiện điều chỉnh liều đối với người bệnh suy gan mức độ nhẹ. Không dùng thuốc trên người bệnh suy gan mức độ trung bình đến nặng.

Một số cảnh báo và thận trọng khác khi sử dụng thuốc Pletaal tablets 50mg:

  • Chỉ dùng thuốc ở những người bệnh đã thực hiện phương pháp thay đổi lối sống (luyện tập, ăn uống điều độ và dừng hút thuốc) nhưng vẫn không cải thiện tình trạng bệnh;
  • Không dùng thuốc cho những người bệnh bị rối loạn nhịp tim nghiêm trọng như rối loạn nhịp, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực không ổn định, có cơn đau tim; người bệnh đang sử dụng từ 2 loại thuốc chống đông máu hoặc thuốc kết tập tiểu cầu trở lên như clopidogrel và aspirin; người bệnh đã phẫu thuật bắc cầu động mạch vành;
  • Cilostazol có thể gây ra đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim và/hoặc tụt huyết áp;
  • Tăng nhịp tim có liên quan đến Cilostazol là khoảng 5 - 7 nhịp/phút. Do vậy, ở những người bệnh có nguy cơ này có thể gây ra những cơn đau thắt ngực;
  • Người bệnh có thể có nguy cơ gia tăng các phản ứng tăng nhịp tim, ví dụ như người bệnh bị mạch vành ổn định cần được theo dõi chặt chẽ trong khi điều trị với Pletaal tablets 50mg. Chống chỉ định Cilostazol ở người bệnh đau thắt ngực không ổn định hay nhồi máu cơ tim/can thiệp mạch vành trong vòng 6 tháng, có tiền sử loạn nhịp tim nghiêm trọng;
  • Cần cẩn trọng khi kê đơn thuốc Pletaal tablets 50mg cho người bệnh có ổ phát nhịp ngoại vi tâm nhĩ hoặc tâm thất và người bệnh cuồng nhĩ hoặc rung nhĩ;
  • Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu chảy máu hoặc dễ bị bầm tím trong quá trình điều trị. Trong trường hợp có xuất hiện võng mạc, nên ngừng sử dụng Cilostazol;
  • Do cơ chế tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu của Cilostazol nên thuốc Pletaal tablets 50mg có thể làm tăng nguy cơ chảy máu đối với người bệnh có phẫu thuật (bao gồm các xâm lấn nhỏ như nhổ răng). Nếu người bệnh trải qua phẫu thuật chọn lọc và tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu là điều không cần thiết, nên ngừng sử dụng Cilostazol 5 ngày trước khi phẫu thuật;
  • Đã có báo cáo về các bất thường về máu bao gồm giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, giảm 3 dòng tế bào máu ngoại vi, thiếu máu bất sản ở bệnh nhân dùng thuốc. Hầu hết người bệnh đều hồi phục khi dừng sử dụng Cilostazol. Tuy nhiên, một số trường hợp giảm 3 dòng tế bào máu ngoại vi và thiếu máu bất sản bị tử vong;
  • Ngoài việc báo cáo các dấu hiệu dễ bầm tím và dễ chảy máu, người bệnh nên được cảnh báo để báo cáo nhanh các triệu chứng khác liên quan tới chứng rối loạn tạo máu như đau họng và sốt. Thực hiện xét nghiệm công thức máu nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn hay bất cứ dấu hiệu lâm sàng của chứng rối loạn tạo máu. Nên ngừng thuốc Pletaal tablets 50mg ngay lập tức nếu có các dấu hiệu lâm sàng hoặc kết quả xét nghiệm bất thường về máu;
  • Nồng độ Cilostazol ở huyết tương tăng khi người bệnh sử dụng đồng thời các thuốc ức chế mạnh CYP2C9 và CYP3A4. Trong các trường hợp này, cần lưu ý cân nhắc giảm liều Pletaal tablets 50mg xuống 50mg, 2 lần/ngày;
  • Thận trọng khi dùng đồng thời cilostazol với bất cứ thuốc nào khác có khả năng làm hạ huyết áp do thuốc Pletaal tablets 50mg có thể có tác dụng hạ huyết áp với nhịp tim nhanh phản xạ;
  • Cần thận trọng khi sử dụng đồng thời Cilostazol với bất cứ loại thuốc ức chế kết tập tiểu cầu khác.

Thận trọng khác:

  • Không được sử dụng thuốc Pletaal tablets 50mg cho phụ nữ có thai hoặc có khả năng sẽ có thai vì các nghiên cứu trên chuột đã cho thấy tăng tỷ lệ số thai bất thường, khối lượng khi sinh thấp và số thai chết khi sinh tăng;
  • Phụ nữ đang cho con bú phải dừng cho con bú trong thời gian dùng thuốc Pletaal tablets 50mg vì các nghiên cứu ở chuột đã cho thấy rằng Pletaal được phân bố vào sữa ở chuột đang cho con bú;
  • Hiện chưa có nghiên cứu về tác dụng của thuốc Pletaal tablets 50mg khi lái xe. Cũng đã ghi nhận một vài người bệnh bị choáng váng hoặc chóng mặt khi sử dụng thuốc này. Những người bệnh này cần thận trọng khi lái xe hay vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Pletaal tablets 50mg

Một số tương tác thuốc Pletaal tablets 50mg người bệnh cần lưu ý:

  • Với thuốc chống đông như warfarin: Nếu đang bị chảy máu thì xu hướng chảy máu sẽ tăng lên;
  • Thuốc ức chế kết tập tiểu cầu như ticlopidine hydroclorid, aspirin, clopidogrel sulfat; thuốc làm tan huyết khối như urokinase và alteplase; Prostaglandin E1 hay các dẫn chất của nó như limaprost alfadex và alprostadil: Khi Pletaal được sử dụng kết hợp với các thuốc này, cần thực hiện các thử nghiệm về đông máu hay các biện pháp theo dõi phù hợp khác để làm giảm nguy cơ xảy ra phản ứng bất lợi như xuất huyết;
  • Chất ức chế enzyme chuyển hóa thuốc CYP3A4 gồm chất ức chế protease của HIV như ritonavir, thuốc kháng sinh nấm azol như itraconazol và miconazole, kháng sinh nhóm macrolid như erythromycin, cimetidin, diltiazem hydroclorid và nước bưởi: Tác dụng của thuốc Pletaal tablets 50mg sẽ tăng lên khi được sử dụng kết hợp với các thuốc này. Cần chú ý giảm liều Pletaal hay khởi đầu với liều thấp hơn khi dùng những thuốc này. Đồng thời, người bệnh cần thận trọng không được uống nước bưởi trong khi đang sử dụng Pletaal tablets 50mg;
  • Chất ức chế chuyển hóa thuốc CYP2C19 như omeprazol: Tác dụng của thuốc Pletaal tablets 50mg có thể tăng lên khi được sử dụng kết hợp với các thuốc này. Cần chú ý giảm liều Pletaal hoặc khởi đầu với liều thấp khi dùng những thuốc này.

Trong quá trình sử dụng thuốc Pletaal tablets 50mg, bệnh nhân cần chú ý lắng nghe và làm theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Đồng thời, lưu ý này cũng giúp người bệnh hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ phát sinh những tác dụng phụ bất lợi cho sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe