Thuốc Pentoxifylline là thuốc giúp cải thiện các triệu chứng của vấn đề tuần hoàn máu ở cẳng chân/tay. Pentoxifylline có thể làm giảm các cơn đau nhức cơ, chuột rút khi tập thể dục. Vậy thuốc Pentoxifylline là thuốc gì? Thuốc Pentoxifylline có tác dụng gì? Cách uống thế nào là đúng? Những điểm gì cần quan tâm, và lưu ý khi dùng? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những công dụng thuốc Pentoxifylline.
1. Công dụng thuốc Pentoxifylline là gì?
1.1. Thuốc Pentoxifylline là thuốc gì?
Pentoxifylline thuộc nhóm thuốc tác dụng với độ nhớt của máu. Thuốc có rất nhiều tên biệt dược như: Capental SR; Perental LP; Polfilin 2%, Pentoxifylin, Pentoxifyllin, BFS-Pentoxifyllin, Bicaprol Injection, Jinmigit, Polfillin 2%.
Thuốc Pentoxifylline cũng được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như: ống tiêm 100mg/5ml, viên nén giải phóng chậm hàm lượng 400mg, viên nang mềm hàm lượng 400mg, viên nén tan ở ruột hàm lượng 100mg.
Thuốc Pentoxifylline được khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.
1.2. Thuốc Pentoxifylline có tác dụng gì?
Pentoxifylline phục hồi khả năng thay đổi hình dạng cho hồng cầu đã bị suy giảm trong viêm động mạch, hỗ trợ cho chúng đi qua các mao mạch có đường kính nhỏ và do đó làm tăng sự tưới máu cho những mô bị thiếu máu.
Giảm độ nhớt của máu đã cải thiện được lưu lượng máu, làm tăng lưu lượng máu đến các mô bị thiếu máu cục bộ và tăng nồng độ oxy mô ở người bị viêm tắc mạn tính động mạch ngoại biên. Pentoxifylline cũng làm tăng áp lực oxy ở vỏ não và dịch não tủy, đã được dùng để điều trị một số bệnh về tuần hoàn não.
Thuốc Pentoxifylline được các bác sĩ kê đơn chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị chứng đau cách hồi do viêm tắc động mạch ngoại vi mạn tính.
- Cải thiện chức năng của các chi và các triệu chứng của bệnh, nhưng không thể thay thế được phương pháp điều trị căn bản đối với bệnh viêm tắc mạch ngoại biên như phẫu thuật bắc cầu nối hoặc can thiệp tái tạo mạch đoạn hẹp tắc động mạch khi có chỉ định (như nong stent động mạch bằng can thiệp qua da).
- Điều trị hỗ trợ bệnh lý suy giảm nhận thức và thần kinh cảm giác mãn tính ở người cao tuổi (trừ bệnh Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác).
2. Cách sử dụng của Pentoxifylline thuốc huyết áp
2.1. Cách dùng thuốc Pentoxifylline
- Thuốc uống: Pentoxifylline được dùng uống, tốt hơn là vào bữa ăn để giảm các rối loạn về tiêu hoá. Uống nguyên viên, không nhai, bẻ hoặc nghiền viên thuốc trước khi uống.
- Thuốc tiêm: Pha thuốc vào trong một dung dịch thích hợp để truyền tĩnh mạch. Truyền chậm 100mg Pentoxifylline trong ít nhất 60 phút.
2.2. Liều dùng của thuốc Pentoxifylline
Thuốc uống:
Để điều trị chứng đi khập khiễng đau cách hồi do bệnh viêm tắc động mạch mạn tính, liều Pentoxifylline thường dùng cho người lớn dưới dạng viên nén giải phóng chậm, bắt đầu mỗi lần 400 mg, ngày 2 lần, sau đó có thể tăng lên 3 lần/ngày. Nếu có các ADR về tiêu hóa hoặc TKTW, giảm liều mỗi lần 400 mg, ngày 2 lần. Nếu vẫn còn các ADR phải ngừng dùng thuốc.
Mặc dù các triệu chứng có thể giảm nhẹ ở một số người bệnh trong vòng 2 – 4 tuần, nhưng cần phải tiếp tục điều trị trong ít nhất 8 tuần để đánh giá hiệu quả, có khi phải điều trị tới 6 tháng.
Ở người bệnh suy gan hoặc suy thận nặng, cần phải giảm liều.
- Suy gan: Cần giảm liều ở bệnh nhân suy gan nặng.
- Suy thận: Giảm 30 – 50% liều nếu mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút.
Thuốc tiêm
- Bệnh tắc động mạch ngoại vi giai đoạn II (đau cách hồi) và rối loạn tuần hoàn mắt: 100-600 mg x truyền tĩnh mạch 1-2 lần/ngày. Nếu dùng phối hợp với thuốc viên Pentoxifylline, tổng liều cho cả hai dạng thuốc là 1200 mg/ngày.
- Bệnh tắc động mạch ngoại vi giai đoạn III và IV: 1200 mg/ngày hoặc truyền liên tục 24 giờ hoặc chia ra 2 lần mỗi lần 600mg truyền trong ít nhất 6 giờ.
- Bệnh nhân suy giảm chức năng thận (độ thanh thải creatinine <= 30ml/phút): giảm 30-50% liều.
- Bệnh nhân suy gan nặng: Giảm liều tùy theo dung nạp của bệnh nhân.
- Bệnh nhân có huyết áp thấp hay dễ bị hạ huyết áp (bệnh mạch vành nặng, hẹp mạch máu nuôi não): Khởi đầu bằng liều thấp và tăng dần dần.
Xử lý khi quên liều:
Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
Xử trí khi quá liều:
Triệu chứng:
Quá liều khi sử dụng Pentoxifylline đã xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Triệu chứng quá liều đã thu thập được thường xảy ra trong vòng 4 – 5 giờ và vẫn tồn tại trong khoảng 12 giờ sau khi uống; các triệu chứng quá liều đều có liên quan tới liều thuốc sử dụng.
Nhiễm độc cấp do uống một liều duy nhất Pentoxifylline tới mức tối đa 80 mg/kg, cũng đã được phục hồi hoàn toàn. Các triệu chứng chính bao gồm: đỏ bừng, co giật, hạ huyết áp, sốt, ngủ gà, mất ý thức và kích động. Một bệnh nhân được ghi nhận đã cố ý uống 4 – 6 g Pentoxifylline và sau theo dõi phát hiện nhịp tim chậm nghiêm trọng (chỉ còn 30 – 40 nhịp/phút), giảm kali huyết; blốc nhĩ – thất độ một và hai, blốc nhĩ – thất độ một tồn tại trong 18 giờ sau quá liều. Ngoài ra, người bệnh vẫn còn các triệu chứng co cứng cơ bụng, kích thích nặng, buồn nôn và nôn.
Xử trí:
Điều trị quá liều Pentoxifylline nói chung bao gồm điều trị triệu chứng và các biện pháp hỗ trợ. Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc Pentoxifylline.
Trong quá liều Pentoxifylline cấp, cần phải tiến hành rửa dạ dày ngay. Nếu người bệnh hôn mê, co giật, hoặc mất phản xạ hầu, có thể thực hiện rửa dạ dày sau khi đã đặt ống nội khí quản để ngăn cản sự hít vào các chất ở dạ dày. Sau khi rửa dạ dày có thể cho than hoạt có tác dụng ngăn ngừa sự hấp thu Pentoxifylline. Điều trị hạ huyết áp hoặc co giật nếu xảy ra.
Nếu người bệnh hôn mê, co giật, hoặc mất phản xạ hầu, có thể thực hiện rửa dạ dày sau khi đã đặt ống nội khí quản để ngăn cản sự hít vào các chất ở dạ dày. Sau khi rửa dạ dày có thể cho than hoạt có tác dụng ngăn ngừa sự hấp thu Pentoxifylline. Điều trị hạ huyết áp hoặc co giật nếu xảy ra.
3. Chống chỉ định của thuốc Pentoxifylline
- Bệnh nhân mẫn cảm với Pentoxifylline hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Không được dùng Pentoxifylline cho người bệnh mới bị xuất huyết não và/hoặc xuất huyết võng mạc, hoặc người bệnh đã có tiền sử trước đây không dung nạp đối với Pentoxifylline hoặc các dẫn xuất của methylxanthin như cafein, theophylin hoặc theobromin.
- Nhồi máu cơ tim giai đoạn cấp.
- Bệnh động mạch vành nặng.
- Người bệnh có nguy cơ hoặc đang có xuất huyết nặng.
- Loạn nhịp nặng.
- Loét dạ dày/tá tràng.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Pentoxifylline
Thận trọng khi dùng thuốc cho:
- Người bệnh có tắc động mạch mãn tính các chi thường có các biểu hiện khác của bệnh xơ vữa động mạch.
- Pentoxifylline đã được dùng một cách an toàn để điều trị bệnh động mạch ngoại biên ở người bệnh có đồng thời các bệnh động mạch vành và động mạch não, nhưng đã có báo cáo lẻ tẻ về các trường hợp đau thắt ngực, hạ huyết áp và loạn nhịp tim.
- Các thử nghiệm có đối chứng cho thấy Pentoxifylline không gây các ADR này nhiều hơn placebo, nhưng vì thuốc này là một dẫn xuất methylxanthin nên có thể một số người có những đáp ứng như vậy.
- Nên tránh dùng Pentoxifylline trong xuất huyết não, xuất huyết võng mạc nặng, loạn nhịp tim nặng và nhồi máu cơ tim cấp. Dùng thuốc thận trọng ở người bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, huyết áp thấp hoặc không ổn định.
- Pentoxifylline được coi là không an toàn đối với người bệnh có rối loạn chuyển hóa porphyrin.
- Người bệnh được điều trị với warfarin cần phải được theo dõi thường xuyên hơn về thời gian prothrombin, trong khi người bệnh có các yếu tố nguy cơ khác dễ có biến chứng xuất huyết (như mới được phẫu thuật, loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết não và/hoặc xuất huyết võng mạc) cần được khám định kỳ về chảy máu, gồm xét nghiệm về tỷ lệ thể tích huyết cầu và/hoặc hemoglobin.
- Sử dụng thận trọng trong người suy thận do các chất chuyển hóa có hoạt tính tích lũy ở thận dẫn đến làm tăng nguy cơ ADR.
- Độ an toàn và hiệu quả đối với trẻ em dưới 18 tuổi chưa được xác định.
- Khi có các dấu hiệu đầu tiên của phản ứng phản vệ/phản vệ, phải ngừng dùng Pentoxifylline ngay lập tức và phải thông báo cho bác sĩ.
- Cần theo dõi đặc biệt cẩn thận trong các trường hợp sau:
- Những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nghiêm trọng: Có thể cần giảm liều lượng.
- Ở những bệnh nhân được điều trị đồng thời Pentoxifylline với thuốc chống đái tháo đường, Ciprofloxacin hoặc Theophylin.
- Các thuốc uống chống đông máu và thuốc ức chế kết tập tiểu cầu: Đã có các trường hợp xuất huyết và/hoặc kéo dài thời gian Prothrombin ở người bệnh dùng đồng thời Pentoxifylline với các thuốc chống đông máu hoặc thuốc ức chế kết tập tiểu cầu.
- Liều cao Pentoxifylline có thể tăng cường tác dụng của insulin và các thuốc điều trị đái tháo đường đường uống ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Không nên phối hợp Pentoxifylline với Ketorolac hoặc Meloxicam vì đã có báo cáo về tăng nguy cơ chảy máu, kéo dài thời gian Prothrombin.
- Nồng độ Theophylin có thể tăng lên khi phối hợp với Pentoxifylline.
5. Tác dụng phụ của thuốc Pentoxifylline
Thường gặp:
- Tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, khó tiêu.
- Thần kinh trung ương: Hoa mắt, chóng mặt.
Ít gặp:
- Tim mạch: Đau thắt ngực, đau ngực, hạ huyết áp, nhịp nhanh, loạn nhịp, đánh trống ngực.
- Tiêu hoá: Ợ hơi, trướng bụng, ỉa chảy, buồn nôn, nôn, ứ mật trong gan, đau bụng, táo bón, khô miệng, khát.
- Thần kinh trung ương: Nhức đầu, run, lo lắng, kích động, chóng mặt, nhìn mờ, mất ngủ.
- Huyết học: Chảy máu, giảm tiểu cầu, xuất huyết tiêu hóa.
- Khác: Triệu chứng giống cúm, viêm thanh quản, nghẹt mũi, viêm kết mạc, đau tai, tiết nước bọt quá mức, đau họng, nổi hạch cổ, khó chịu, thay đổi cân nặng, giòn móng tay, mẩn ngứa, ban đỏ, sốc phản vệ, phù mạch, viêm gan, tăng men gan, tăng nồng độ fibrinogen huyết thanh, giảm bạch cầu, giảm hồng cầu, giảm tiểu cầu, ban xuất huyết. Thiếu máu không tái tạo dẫn đến tử vong ở người bệnh đã sử dụng Pentoxifylline.
6. Cách bảo quản thuốc Pentoxifylline
- Bảo quản nơi khô mát tránh ẩm thấp
- Nhiệt độ dưới 30°C
- Tránh ánh sáng trực tiếp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.