Thuốc Modom’s có thành phần chính là domperidon thường được sử dụng làm thuốc chống nôn ói nhưng không tác dụng lên thụ thể dopamin ở não, do đó không làm ảnh hưởng đến tâm thần và thần kinh. Vậy thuốc Modom’s là thuốc gì?
1. Thuốc Modom’s có tác dụng gì?
Thuốc Modom’s là thuốc gì Thuốc Modom’s có thành phần chính domperidon là chất kháng dopamin, có tính chất tương tự như metoclopramid hydroclorid giúp kích thích nhu động của ống tiêu hoá, làm tăng trương lực cơ thắt tâm vị và làm tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị sau bữa ăn nhưng không ảnh hưởng đến sự bài tiết của dạ dày. Thuốc Modom’s thường được dùng để chỉ định trong các trường hợp sau:
- Buồn nôn, nôn, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ hơi trong
- Viêm dạ dày mạn, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), các triệu chứng sau cắt dạ dày, đang dùng thuốc chống ung thư hoặc L-dopa
- Trẻ em: nôn chu kỳ, nhiễm trùng hô hấp trên, đang dùng thuốc chống ung thư
Thuốc Modom’s chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Xuất huyết tiêu hoá, tắc ruột cơ học, thủng ruột, nôn sau khi mổ
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Modom’s
- Người bệnh suy gan nặng và trung bình
- Người bệnh có thời gian dẫn truyền xung động tim kéo dài, nhất là khoảng QT
- Rối loạn điện giải với các triệu chứng rõ rệt
- Bệnh nhân có vấn đề về tim mạch như suy tim sung huyết
- Dùng cùng lúc với các thuốc ức chế CYP3A4 hoặc thuốc kéo dài khoảng QT
2. Liều sử dụng của thuốc Modom’s
Thuốc Modom’s thường được sử dụng theo đường uống, bệnh nhân nên nuốt nguyên viên thuốc với một ly nước đầy, tuyệt đối không nhai hay bẻ viên, vì có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Người bệnh nên uống thuốc trước bữa ăn và uống vào một khung giờ cố định trong ngày. Thời gian cho mỗi đợt điều trị không nên vượt quá 1 tuần. Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà thuốc Modom’s sẽ được dùng với những liều khác nhau, cụ thể như sau:
Đối với buồn nôn do bất kì nguyên nhân nào:
- Người lớn: 10-20 mg, mỗi 4-8 giờ, tối đa 30 mg/ngày
- Trẻ em: 0,2-0,4 mg/kg, mỗi 4-8 giờ
Thuốc Modom’s không khuyến cáo dùng dự phòng nôn sau phẫu thuật
Đối với các triệu chứng khó tiêu:
- Người lớn: 10-20 mg, 3 lần/ngày trước khi ăn và 10-20 mg vào buổi tối, thời gian dùng không được vượt quá 12 tuần.
Các đối tượng đặc biệt:
- Bệnh nhân suy gan: trường hợp nhẹ không cần chỉnh liều, thuốc Modom’s chống chỉ định đối với bệnh nhân suy gan nặng và trung bình
- Bệnh nhân suy thận: do thời gian bán thải của thuốc bị kéo dài ở người bệnh suy thận nặng nên cần giảm số lần dùng thuốc xuống còn 1-2 lần/ngày và điều chỉnh liều dựa vào mức độ suy thận
3. Tác dụng phụ của thuốc Modom’s
Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Modom’s có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Nhức đầu, căng thẳng, buồn ngủ
- Ngứa, nổi mẩn, phản ứng dị ứng thoáng qua
- Chứng chảy sữa, vú to nam giới, ngực căng to hoặc đau nhức
- Khô miệng, khát nước, co rút cơ bụng
- Tiêu chảy
- Giảm ham muốn
- Rối loạn tim mạch
- Kéo dài khoảng QT, loạn nhịp thất, xoắn đỉnh
4. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc Modom’s
Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Modom’s gồm có:
- Dùng thuốc với liều thấp nhất có hiệu quả
- Cần ngưng điều trị và báo cáo với bác sĩ khi bệnh nhân có các biểu hiện của rối loạn nhịp tim
- Không dùng thuốc quá 12 tuần ở bệnh nhân Parkinson, chỉ dùng thuốc trên đối tượng này khi các biện pháp chống nôn an toàn khác không hiệu quả
- Không sử dụng Modom’s với phụ nữ mang thai, vì chưa có đầy đủ dữ liệu an toàn khi dùng trên nhóm đối tượng này
- Thuốc có khả năng bài tiết qua sữa mẹ do đó có thể gây ra các tác dụng bất lợi trên hệ tim mạch
Một số tương tác thuốc thường gặp với Modom’s:
- Các thuốc gây ức chế tác dụng của domperidon: thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng muscarin, thuốc giảm đau opioid
- Thuốc làm khoảng QT kéo dài gây nguy hiểm khi phối hợp với Modom’s: thuốc chống rối loạn nhịp tim nhóm IA, III, thuốc chống loạn thần, kháng sinh (erythromycin, levofloxacin,...), thuốc điều trị sốt rét như Lumefantrine, thuốc ức chế protease
Thuốc Modom’s có thành phần chính domperidon là chất kháng dopamin. Thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng buồn nôn và các bệnh lý đường tiêu hóa khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.