Công dụng thuốc Gliclada 30mg

Thuốc Gliclada 30mg được sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường. Vậy tác dụng của thuốc Gliclada 30mg là gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?

1. Công dụng thuốc Gliclada 30mg

Thuốc Gliclada 30mg được bào chế dưới dạng viên nén, thành phần chính là Gliclazide 30mg. Thuốc có tác dụng hạ đường huyết và được dùng để điều trị bệnh tiểu đường.

Gliclazide có tác dụng giảm lượng đường huyết bằng cách kích thích tiết insulin từ tế bào β của tiểu đảo Langerhans ở tụy. Tác dụng tăng insulin sau ăn và việc tiết C-peptide vẫn tồn tại sau 2 năm điều trị.

Ngoài những đặc tính đối với chuyển hóa, gliclazide còn có tác dụng đối với mạch máu. Gliclazide làm giảm tiểu huyết khối bằng 2 cơ chế liên quan đến biến chứng bệnh tiểu đường:

  • Gây ức chế một phần kết tập và kết dính của tiểu cầu, với sự sụt giảm các chất đánh dấu trong quá trình kích hoạt tiểu cầu (beta thromboglobulin, thromboxane B2).
  • Tác động tiêu sợi huyết nội mô mạch máu với sự gia tăng trong hoạt động của tPA.

Thuốc Gliclada 30mg được chỉ định trong điều trị: Bệnh tiểu đường type 2.

Theo đó, thuốc Gliclada 30mg chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người quá mẫn với gliclazide, các thuốc sulfonylurea điều trị tiểu đường khác, các thuốc nhóm sulphonamide, hoặc bất kỳ tá dược nào của thuốc.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 1.
  • Tiền hôn mê và hôn mê do tiểu đường.
  • Nhiễm toan ceton do bệnh tiểu đường.
  • Nhiễm khuẩn nặng
  • Chấn thương nặng
  • Bệnh nhân thực hiện phẫu thuật lớn.
  • Suy thận hay suy gan nặng.
  • Điều trị với miconazol.
  • Phụ nữ đang cho con bú.

2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Gliclada 30mg

Thuốc Gliclada được sử dụng bằng đường uống, người bệnh cần uống liều đơn vào bữa ăn sáng, nuốt cả viên với nước. Không được nhai hoặc nghiền nát viên thuốc.

Liều dùng thuốc Gliclada 30mg cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Liều khuyến cáo của thuốc Gliclada 30mg cho người lớn như sau:

Liều hàng ngày từ 30 - 120 mg liều đơn vào bữa ăn sáng. Nếu quên uống thuốc, bạn không được tăng liều ở ngày tiếp theo.

Liều khởi đầu là 30 mg/ngày.

  • Nếu đường huyết được kiểm soát, duy trì điều trị với liều lượng này.
  • Nếu đường huyết không được kiểm soát, sẽ tiến hành tăng liều lên 60mg, 90mg hoặc 120 mg/ngày trong các bước tiếp theo. Khoảng cách giữa hai lần tăng liều liên tiếp nên cách nhau ít nhất 1 tháng, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có đường huyết không giảm sau 2 tuần điều trị. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể tăng liều thuốc Gliclada 30mg vào cuối tuần thứ hai của đợt điều trị.

Liều tối đa 120 mg/ngày.

Khi sử dụng quá liều thuốc Gliclada 30mg có thể gây hạ đường huyết. Các trường hợp hạ đường huyết mà không gây mất ý thức hoặc không có các dấu hiệu thần kinh sẽ được điều trị bằng cách bổ sung lượng carbohydrate, điều chỉnh liều lượng thuốc Gliclada 30mg hoặc thay đổi chế độ ăn.

Các phản ứng hạ đường huyết nặng như là hôn mê, co giật, rối loạn thần kinh có thể xảy ra và yêu cầu phải được nhập viện cấp cứu ngay lập tức.

  • Nếu trường hợp hôn mê hạ đường huyết xảy ra, bệnh nhân cần được tiêm tĩnh mạch 50ml dung dịch glucose (20% đến 30%) nhanh chóng. Sau đó tiếp tục truyền dung dịch glucose loãng (10%) với tốc độ phù hợp để duy trì lượng đường trong máu cao hơn 1g/l.
  • Bệnh nhân nên được theo dõi chặt chẽ và tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định xem việc tiếp tục theo dõi giám sát có cần thiết nữa hay không.
  • Thẩm phân không có tác dụng cho bệnh nhân hạ đường huyết do dùng quá liều thuốc Gliclada 30mg, vì lực liên kết chặt chẽ giữa gliclazid với protein huyết tương.

Nếu bạn quên một liều thuốc Gliclada 30mg, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã gần đến thời điểm sử dụng liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp bình thường như kế hoạch. Lưu ý rằng không được dùng gấp đôi liều đã quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Gliclada 30mg

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Gliclada 30mg phóng thích kéo dài có thể gây hạ đường huyết nếu các bữa ăn không đều, đặc biệt là việc bỏ bữa. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm: Đau đầu, cảm giác đói dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, kích động, hung hăng, thiếu tập trung, rối loạn giấc ngủ, giảm nhận thức, phản ứng chậm, trầm cảm, rối loạn thị giác, ngôn ngữ, run, suy nhược, chóng mặt, cảm giác mất mát, mất khả năng tự kiểm soát, rối loạn cảm giác, mê sảng, co giật, nhịp tim chậm, hô hấp nông, buồn ngủ, mất ý thức có thể dẫn đến hôn mê và gây tử vong.

Ngoài ra, các dấu hiệu của tăng hoạt tính giao cảm khi hạ đường huyết được quan sát gồm: Đổ mồ hôi, da lạnh, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, lo âu, đánh trống ngực, đau thắt ngực và rối loạn nhịp tim.

Thông thường, các triệu chứng hạ đường huyết sẽ mất sau khi uống carbohydrate (đường). Tuy nhiên, các chất tạo ngọt nhân tạo không có hiệu quả trong trường hợp này. Nếu hạ đường huyết nặng hoặc kéo dài ngay cả khi được kiểm soát tạm thời bằng cách sử dụng đường, người bệnh cần được điều trị y tế hoặc cấp cứu ngay lập tức.

Các tác dụng không mong muốn khác có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Gliclada 30mg: Rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón. Tuy nhiên, các triệu chứng này xảy ra không phổ biến. Người bệnh có thể tránh hoặc giảm thiểu các tác dụng phụ này bằng cách uống thuốc Gliclada 30mg vào bữa ăn sáng.

Các tác dụng phụ của thuốc Gliclada 30mg sau đây được báo cáo là hiếm gặp:

  • Tác dụng phụ trên da và mô dưới da: Phát ban, nổi mày đay, ban đỏ, ngứa, phản ứng bọng nước (hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc).
  • Tác dụng phụ trên hệ thống máu và bạch huyết: Các thay đổi trong huyết học là rất hiếm xảy ra, có thể bao gồm thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt. Các rối loạn này sẽ hồi phục sau khi ngừng dùng thuốc Gliclada.
  • Tác dụng phụ trên gan-mật: Tăng enzym gan (AST, ALT enzyme kiềm phosphatase), viêm gan. Ngừng điều trị bằng thuốc Gliclada nếu vàng da ứ mật xuất hiện.
  • Tác dụng phụ trên mắt: Có thể xảy ra rối loạn thị giác thoáng qua, đặc biệt là khi bắt đầu điều trị, do thay đổi lượng đường trong máu.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc Gliclada, bạn cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

4. Tương tác của thuốc Gliclada với các loại thuốc khác

Chống chỉ định phối hợp thuốc Gliclada với thuốc Miconazole (dùng đường toàn thân hoặc gel dùng đường niêm mạc miệng) do sẽ làm tăng tác dụng hạ đường huyết, khởi đầu là các triệu chứng của hạ đường huyết hoặc có thể gây hôn mê.

Phối hợp không được đề nghị của thuốc Gliclada với:

  • Phenylbutazon(đường dùng toàn thân): Khi sử dụng phối hợp với Gliclada làm tăng tác dụng hạ đường huyết.
  • Rượu: Khi sử dụng phối hợp với Gliclada, sẽ làm tăng phản ứng hạ đường huyết có thể dẫn đến sự khởi đầu của tình trạng hôn mê. Vì vậy không nên dùng rượu hoặc các thuốc có chứa rượu khi đang điều trị bằng thuốc Gliclada.

Các trường hợp phối hợp thuốc Gliclada đòi hỏi biện pháp phòng ngừa: Các thuốc trị tiểu đường khác (như là Insulin, acarbose, biguanid), ức chế enzym chuyển hóa angiotensin (captopril enalapril), β-blockers, fluconazol, thuốc đối kháng thụ thể H2, MAOIs, Sulfonamid, và các thuốc kháng viêm không Steroid.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe