Công dụng thuốc Ergometrin

Thuốc Ergometrin có thành phần hoạt chất chính là hoạt chất Ergometrin và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Ergometrin thuốc biệt dược là loại thuốc có công dụng trong thúc đẻ, cầm máu sau đẻ, và chống đẻ non.

1. Thuốc Ergometrin là thuốc gì?

Hoạt chất Ergometrin maleat hay còn gọi là Ergonovine maleat trong thuốc này có tác dụng trên tử cung mạnh hơn nhiều so với phần lớn các alcaloid khác của nấm cựa gà, đặc biệt trên tử cung sản phụ. Tác dụng chính của hoạt chất là gây co tử cung mạnh, với liều cao, tác dụng co kéo dài, trái với hoạt chất Oxytocin làm tử cung co nhịp nhàng và sinh lý cao hơn; tác dụng của hoạt chất Ergometrin kéo dài hơn so với Oxytocin.

Sau sảy thai tự nhiên hoặc phá thai điều trị hoặc đẻ non, các chỉ định sau khi ra thai của Ergometrin, Oxytocin với tác dụng hạn chế chảy máu và duy trì trương lực tử cung cũng tương tự như những chỉ định sau khi đẻ đủ tháng.

Thuốc Ergometrin có tác dụng dự phòng và điều trị xuất huyết sau đẻ và sau sảy thai trong trường hợp cấp cứu và không có sẵn oxytocin.

2. Ergometrin thuốc biệt dược điều trị bệnh gì?

Ergometrin thuốc biệt dược được chỉ định trong điều trị dự phòng hoặc điều trị chảy máu tử cung sau đẻ hoặc sau sảy thai nguyên nhân do tử cung mất trương lực hoặc khả năng co hồi không tốt.

Thuốc Ergometrin chống chỉ định sử dụng với những trường hợp sau:

  • Người bị bệnh đau thắt ngực không ổn định, người mới bị nhồi máu cơ tim, tiền sử tai biến mạch máu não, tăng huyết áp nặng, tiền sử cơn thiếu máu cục bộ não thoảng qua.
  • Người bị các bệnh mạch vành, sản giật, tiền sản giật, bệnh mạch máu ngoại vi tắc nghẽn, hiện tượng Raynaud nặng, dị ứng, quá mẫn hoặc không dung nạp Ergometrin.
  • Phụ nữ đang bị dọa sảy thai tự nhiên, kích thích chuyển dạ, giai đoạn đầu và hai chuyển dạ đẻ.
  • Người bị bệnh suy gan, suy thận.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Ergometrin

Trường hợp gây co tử cung mạnh và để giảm chảy máu sau khi sổ nhau, liều tiêm bắp thường dùng là 0,2mg thuốc Ergometrin, nhắc lại khi cần, nhưng thường sau từ 2 – 4 giờ một lần hoặc tổng cộng không tiêm quá 5 lần.

Trường hợp chảy máu tử cung quá nhiều, có thể sử dụng cùng với liều điều trị như vậy nhưng tiêm tĩnh mạch chậm ít nhất trong 1 phút, và phải theo dõi cẩn thận huyết áp và các cơn co tử cung. Sau khi khởi đầu tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, có thể sử dụng thuốc Ergometrin dạng viên nén với liều 0,2 – 0,4mg, cứ 6 – 12 giờ một lần, trong thời gian từ 2 đến 7 ngày, để giảm bớt chảy máu sau đẻ, tử cung đỡ giảm trương lực và co hồi tốt hơn.

Trong trường hợp quá liều, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như: Đau thắt ngực, tim đập chậm, lú lẫn, buồn ngủ, mạch nhanh, yếu, co đồng tử, co mạch ngoại vi nặng (cụ thể là các chi lạnh, nhợt hoặc tê cóng; đau cơ, da lạnh) ức chế hô hấp; co giật; mất ý thức; cảm giác khát nước bất thường, tử cung co cứng kiểu tetani.... Khi đó, bệnh nhân cần ngừng sử dụng thuốc Ergometrin ngay lập tức. Nguyên nhân là do không có thuốc đối kháng đặc hiệu nên điều trị chủ yếu là triệu chứng và hỗ trợ. Bác sĩ điều trị có thể chỉ định gây nôn, hoặc rửa dạ dày (nếu do uống) than hoạt.

Nếu quên sử dụng một liều thuốc, bạn cần chủ động uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian uống thuốc quá gần với liều kế tiếp, cần bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Bạn tuyệt đối không nên uống thuốc với gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ergometrin

  • Tác dụng không mong muốn thường gặp về tiêu hóa như buồn nôn hay nôn mửa.
  • Tác dụng không mong muốn ít gặp, cụ thể như: nhịp tim chậm, co thắt mạch vành hay cảm giác đau tức ngực, đánh trống ngực, đau bụng, ỉa chảy, nhức đầu, chóng mặt, ù tai.
  • Tác dụng không mong muốn hiếm gặp: phản ứng dị ứng và phản ứng phản vệ, ngừng tim hoặc loạn nhịp thất (bao gồm rung thất, nhịp tim nhanh), tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, co thắt mạch ngoại vi phụ thuộc liều điều trị cụ thể như ngứa da, đau tay, đau chân hoặc phần dưới lưng, nhợt nhạt hoặc lạnh tay, chân, yếu chân).

5. Tương tác của thuốc Ergometrin

Các phối hợp có chứa bất kỳ thuốc nào sau đây, tùy theo lượng có mặt, cũng có thể tương tác với thuốc Ergometrin.

  • Thuốc mê, đặc biệt là thuốc Halothan: co thắt mạch ngoại vi có thể tăng lên, nếu sử dụng thuốc Ergometrin đồng thời với các thuốc mê. Khi sử dụng chung thuốc Halothan với nồng độ lớn hơn 1% có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc Ergometrin, dẫn đến chảy máu tử cung nặng.
  • Nicotin: sự hấp thu hoạt chất Nicotin ở người nghiện hút thuốc là nặng có thể dẫn đến nguy cơ bị tăng co thắt mạch.
  • Nitroglycerin hoặc các thuốc chống đau thắt ngực khác: thuốc Ergometrin có thể gây co thắt mạch vành, làm giảm hiệu lực của Nitroglycerin hoặc các thuốc chống đau thắt ngực khác, nên có thể cần phải tăng liều điều trị của Nitroglycerin hoặc các thuốc chống đau thắt ngực.
  • Các thuốc co thắt mạch khác bao gồm cả những thuốc co mạch có trong một số thuốc gây tê hoặc các chất co mạch: Khi sử dụng đồng thời với thuốc Ergometrin có thể làm tăng co thắt mạch, nên có khi cần phải điều chỉnh liều. Tác dụng tăng huyết áp của các Amin có tác dụng giống giao cảm có thể mạnh lên, dẫn đến tăng huyết áp nặng, đau nhức đầu và đứt mạch máu não đối với những người bệnh đang truyền cả Dopamin và Ergometrin.

6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Ergometrin

  • thuốc Ergometrin có thể gây các tai biến nặng tim mạch nên khi sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Tốt nhất là không nên sử dụng cho người bị tăng huyết áp, bệnh tim, nối tắc tĩnh mạch - nhĩ, hẹp van 2 lá hoặc bệnh mạch tắc nghẽn.
  • Cần tránh sử dụng trong thời gian kéo dài thuốc Ergometrin. Nguyên nhân là do thuốc này có thể gây nhiễm độc nấm cựa gà ở người nhạy cảm.
  • Cần sử dụng rất thận trọng đối với người nhiễm HIV xuất huyết sau đẻ do tử cung mất trương lực. Nguyên nhân là do thuốc Ergometrin tương tác với các thuốc ức chế CYP3A4, trong đó có các thuốc ức chế protease HIV, Delavirdine hoặc Nevirapine.
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Ergometrin trong thời kỳ mang thai. Nguyên nhân là do nguy cơ bị co cứng cơ dạng uốn ván có thể dẫn đến giảm lưu lượng máu ở tử cung và nguy hại cho thai.
  • Với phụ nữ đang cho con bú thì thuốc Ergometrin có thể bài xuất vào sữa mẹ. Các nghiên cứu cho thấy thuốc Ergometrin ảnh hưởng đến bài tiết prolactin trong thời kỳ ngay sau đẻ, như vậy có thể làm chậm hoặc giảm tiết sữa nếu dùng thuốc kéo dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe