Công dụng thuốc Cefuroxime

Thuốc Cefuroxime là thuốc kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin. Loại thuốc này được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa. Vậy thuốc Cefuroxime là thuốc gì? Thuốc Cefuroxime có tác dụng gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những công dụng thuốc Cefuroxime và những lưu ý khi dùng thuốc Cefuroxime.

1. Công dụng thuốc Cefuroxime là gì?

1.1. Thuốc Cefuroxime là thuốc gì?

Cefuroxime là kháng sinh thế hệ 2 thuộc nhóm cephalosporin. Thuốc Cefuroxime có nhiều dạng bào chế khác nhau như:

  • Cefuroxime axetil: Với dạng uống, liều lượng và hàm lượng được biểu thị theo Cefuroxime:
    • Dạng hỗn dịch uống: Hàm lượng 125 mg/5 ml và 250 mg/5 ml.
    • Dạng viên nén: Hàm lượng 125 mg, 250 mg và 500 mg.
  • Cefuroxime natri: Với dạng thuốc tiêm, liều lượng và hàm lượng được biểu thị theo cefuroxime:
    • Lọ bột pha tiêm hàm lượng 250 mg, 750 mg hoặc 1,5g.

Thuốc Cefuroxime được khuyến cáo có thể sử dụng cho trẻ em và người lớn nhưng cần phải được kê đơn.

1.2. Thuốc Cefuroxime có tác dụng gì?

Cefuroxime là một kháng sinh Cephalosporin, bán tổng hợp, thế hệ 2, có tác dụng diệt vi khuẩn đang trong giai đoạn phát triển và phân chia bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.

Thuốc Cefuroxime được kê đơn chỉ định trong các trường hợp:

  • Thuốc uống Cefuroxime axetil
    • Điều trị nhiễm khuẩn thể nhẹ đến vừa ở đường hô hấp do vi khuẩn nhạy cảm gây ra: Viêm tai giữa, viêm xoang tái phát, viêm amidan, viêm họng tái phát, đợt cấp của viêm phế quản mạn tính hoặc viêm phế quản cấp có bội nhiễm, viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.
    • Điều trị bệnh lậu không có biến chứng, bệnh Lyme thời kỳ đầu.
  • Thuốc tiêm Cefuroxime natri
    • Điều trị nhiễm khuẩn thể nặng đường hô hấp dưới (kể cả viêm phổi), nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn xương và khớp, nhiễm khuẩn thể nặng tiết niệu - sinh dục, nhiễm khuẩn máu và viêm màng não do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra.
    • Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật tim mạch và các phẫu thuật lồng ngực khác, phẫu thuật xương khớp, phẫu thuật tiêu hóa và phẫu thuật sản phụ khoa.

2. Cách sử dụng của Cefuroxime

2.1. Cách dùng thuốc Cefuroxime

  • Đường uống: Cefuroxime đường uống có thể ở dạng thuốc viên hay hỗn dịch. Thuốc nên được dùng trong bữa ăn để tăng sinh khả dụng. Đối với trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi không có khả năng nuốt được viên nén, nên dùng dạng bột pha hỗn dịch thay vì nghiền viên nén và trộn lẫn với thức ăn, hoa quả. Bột pha hỗn dịch nên được pha ngay trước khi sử dụng bằng cách thêm nước vừa đủ (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) vào chai để được hỗn dịch có chứa 125mg hoặc 250mg cefuroxime trong 5 ml. Hỗn dịch cần được lắc đều trước mỗi lần sử dụng và lọ đựng cần được đậy kín lại sau mỗi lần lấy thuốc. Thuốc được hấp thu tốt nhất khi uống trong bữa ăn.
  • Đường tiêm: Cefuroxime natri có thể dùng đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch trực tiếp, truyền tĩnh mạch ngắt quãng và tiêm truyền tĩnh mạch liên tục.
    • Tiêm bắp: Hòa bột pha tiêm Cefuroxime natri trong lọ bằng một lượng nước cất vô trùng để đạt nồng độ 220 mg/ml. Hỗn dịch này cần được lắc đều trước khi tiêm. Tiêm bắp sâu vào vùng cơ lớn như mông hoặc mặt trong của đùi.
    • Tiêm tĩnh mạch trực tiếp: Hòa bột pha tiêm bằng 8ml hoặc 16 ml nước cất pha tiêm tương ứng với lọ bột chứa 750 mg và 1,5 g Cefuroxime natri. Dung dịch này có thể tiêm chậm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc vào dây truyền dịch có chứa dịch truyền tương hợp trong thời gian ít nhất là 5 phút.
    • Truyền tĩnh mạch ngắt quãng và truyền tĩnh mạch liên tục: Có thể dùng 100 ml nước cất pha tiêm hoặc dung dịch Dextrose 5% hoặc dung dịch Natri clorid 0,9% để thêm vào túi truyền dịch có chứa 750 mg hoặc 1,5 g Cefuroxime natri hoặc chuyển dung dịch hòa tan bột pha tiêm Cefuroxime vào các chai truyền thủy tinh hoặc nhựa PVC có chứa dung môi tương hợp. Truyền tĩnh mạch ngắt quãng thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 15 phút đến 60 phút.

2.2. Liều dùng của thuốc Cefuroxime

2.2.1. Người lớn:

  • Nhiễm khuẩn tai mũi họng (viêm họng, viêm tai giữa, viêm xoang): Uống 250 mg hoặc 500 mg, 12 giờ một lần. Thời gian điều trị 10 ngày.
  • Nhiễm khuẩn hô hấp dưới:
    • Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: Uống 250 mg hoặc 500 mg, 12 giờ một lần trong 10 ngày.
    • Viêm phế quản cấp tính có kèm bội nhiễm: Uống 250 mg hoặc 500 mg, 12 giờ một lần trong 5 - 10 ngày.
    • Viêm phổi cộng đồng cho bệnh nhân ngoại trú: Uống 500 mg, 12 giờ một lần trong 10 - 14 ngày.
  • Viêm bàng quang: Nếu bạn không có biến chứng nào, uống Cefuroxime 250mg hai lần một ngày hoặc dùng tiêm bắp liều 750mg hoặc tiêm tĩnh mạch cách 8 giờ 1 lần trong 7 đến 10 ngày.
  • Viêm nắp thanh quản: Dùng Cefuroxime hàm lượng 1,5g tiêm tĩnh mạch cách 6 đến 8 giờ 1 lần trong 7 - 10 ngày, tùy thuộc vào tính chất bệnh và mức độ nhiễm trùng.
  • Nhiễm trùng khớp: Dùng Cefuroxime hàm lượng 1,5g tiêm tĩnh mạch cách 8 giờ 1 lần và điều trị liên tục trong khoảng 3 đến 4 tuần, tuỳ thuộc vào tính chất bệnh và mức độ của nhiễm trùng. Nếu bạn dùng thuốc Cefuroxime để điều trị nhiễm trùng khớp chân giả, tay giả, thời gian điều trị có thể lên đến 6 tuần hoặc hơn.
  • Bệnh Lyme: Dùng Cefuroxime hàm lượng 500mg uống 2 lần một ngày liên tục trong 20 ngày;
  • Viêm màng não: Dùng Cefuroxime 1,5g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ hoặc 3g mỗi 8 giờ trong 14 ngày.
  • Viêm xương tủy: Dùng Cefuroxime 1,5g tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ và điều trị liên tục trong khoảng 4-6 tuần tùy theo tính chất mức độ nhiễm trùng. Trường hợp bị viêm tủy xương mãn tính, bạn có thể điều trị uống kháng sinh thêm một đến hai tháng.
  • Viêm phúc mạc: Dùng Cefuroxime 750mg đến 1,5g tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ trong 10 - 14 ngày; Nếu bạn viêm phúc mạc liên quan đến viêm phổi cộng đồng, dùng 1g cho mỗi 2 lít thẩm tách màng bụng, theo sau là một liều duy trì liên tục 150 - 400mg mỗi 2 lít thẩm tách.
  • Viêm phổi: Nếu bệnh của bạn không biến chứng, dùng Cefuroxime 750mg tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ; Nếu bệnh của bạn phức tạp, dùng 1,5g tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ.

Khi bệnh nhân có phản ứng lâm sàng khi tiêm, dùng Cefuroxime 250-500mg mỗi 8 giờ trong 7 đến 21 ngày. Thời gian điều trị phụ thuộc vào độ nhạy cảm của vật nghi gây bệnh với Cefuroxime.

  • Viêm bể thận: Dùng Cefuroxime 750mg đến 1,5g uống mỗi 8 giờ hoặc 250 - 500mg, 2 lần một ngày trong 14 ngày, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nhiễm trùng.
  • Nhiễm khuẩn huyết: Dùng 1,5g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 - 8 giờ, kết hợp với aminoglycosid; Điều trị liên tục trong 7 - 21 ngày tùy theo tính chất mức độ nhiễm trùng.
  • Nhiễm trùng da hoặc mô mềm: Dùng Cefuroxime 250-500mg uống 2 lần một ngày (không biến chứng nhiễm trùng) hoặc dùng 750mg tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ trong 10 ngày.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Nếu bệnh của bạn không biến chứng, dùng Cefuroxime 250mg uống hai lần một ngày trong 7 - 10 ngày hoặc dùng 750mg tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ. Nếu bệnh của bạn phức tạp, dùng 1,5g tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ.
  • Bệnh lậu cổ tử cung hoặc niệu đạo hoặc trực tràng không có biến chứng: Tiêm 1 liều duy nhất 1g Cefuroxime natri.
  • Bệnh Lyme mới mắc: Uống 500 mg, 12 giờ một lần, trong 20 ngày.
  • Kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật:
    • Phẫu thuật thông thường: Liều duy nhất 1,5g tiêm tĩnh mạch trong vòng 1 giờ trước phẫu thuật.
    • Phẫu thuật mổ tim hở: Liều 1,5g tiêm tĩnh mạch lúc khởi mê, sau đó cứ 12 giờ lặp lại 1 lần cho đến khi đạt tổng liều 6 g.
    • Phẫu thuật sạch - nhiễm và phẫu thuật nhiễm: Liều 1,5g tiêm tĩnh mạch ngay trước phẫu thuật (trong vòng 30 - 60 phút trước khi rạch da) và nếu phẫu thuật kéo dài thì sau mỗi 8 giờ thêm 750mg Cefuroxime natri tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

2.2.2. Trẻ em:

Thời gian điều trị trung bình: 10 ngày.

  • Đường uống (cefuroxime axetil):
    • Trẻ 3 tháng - 2 tuổi: 10 mg/kg/lần (tối đa 125mg/lần), 12 giờ một lần.
    • Trẻ 2 - 12 tuổi: 15 mg/kg/lần (tối đa 250mg/lần), 12 giờ một lần.
    • Trẻ 12 - 18 tuổi: 250mg/lần, 12 giờ một lần.

Có thể tăng gấp đôi trong trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp dưới nặng hoặc khi nghi ngờ viêm phổi hoặc có thể giảm xuống 125mg/lần, 12 giờ một lần trong trường hợp nhiễm trùng tiết niệu dưới.

  • Đường tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp (Cefuroxime natri):
    • Trẻ sơ sinh < 7 ngày tuổi: 25 mg/kg/lần, 12 giờ một lần.
    • Trẻ sơ sinh 7 - 21 ngày tuổi: 25 mg/kg/lần, 8 giờ một lần.
    • Trẻ sơ sinh 21 - 28 ngày tuổi: 25 mg/kg/lần, 6 giờ một lần.
    • Trẻ 1 tháng tuổi - 18 tuổi: 20 mg/kg/lần (tối đa 750mg/lần), 8 giờ một lần.
  • Điều trị bệnh Lyme: Trẻ 12 - 18 tuổi: Uống 500 mg, 12 giờ một lần trong 20 ngày.
  • Kháng sinh dự phòng phẫu thuật: Trẻ 1 tháng tuổi - 18 tuổi: 50 mg/kg (tối đa 1,5 g) tiêm tĩnh mạch lúc khởi mê, sau đó có thể tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp tiếp đến 3 liều 30 mg/kg/lần (tối đa 750mg), 8 giờ một lần cho các phẫu thuật có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

2.2.3. Đối tượng khác:

Bệnh nhân bị suy thận:

  • Cefuroxime dùng đường tiêm: Không cần giảm liều điều trị cho các bệnh nhân có độ thanh thải creatinin (CrCl) > 20 ml/phút. Nhưng với bệnh nhân có độ thanh thải CrCl < 20 ml/phút, thì cần giảm liều dùng một lần hoặc tăng khoảng thời gian giữa 2 lần dùng thuốc, cụ thể như:
    • Với người lớn: CrCl trong khoảng 10 - 20ml/phút: Liều 750mg, cách 12 giờ một lần. CrCl < 10 ml/phút: Liều 750mg, cách 24 giờ một lần.
    • Thẩm tách máu: liều 750mg sử dụng cuối mỗi lần thẩm tách.
    • Với trẻ em: Tăng khoảng cách thời gian giữa 2 lần dùng thuốc giống như ở người lớn.
  • Cefuroxime dùng đường uống, nếu độ thanh thải creatinin CrCl < 20 ml/phút: Giảm nửa liều với khoảng cách thời gian giữa 2 lần dùng thuốc là 24 giờ.

Xử lý khi quên liều:

Cố gắng không quên liều để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất. Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy dùng ngay khi nhớ ra càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Xử trí khi quá liều:

  • Triệu chứng quá liều: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tăng kích thích thần kinh cơ và cơn co giật, nhất là ở người suy thận.
  • Bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông thoáng khí và truyền dịch. Nếu có các cơn co giật, ngừng ngay thuốc, dùng liệu pháp chống co giật nếu cần.

3. Chống chỉ định của thuốc Cefuroxime

  • Bệnh nhân bị dị ứng hoặc có tiền sử dị ứng với thuốc hoặc các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin.
  • Cơ thể mẫn cảm với một số thuốc kháng sinh thuộc nhóm betalactam (carbapenems, penicillin).
  • Khuyến cáo không dùng cho trẻ em dưới 3 tháng tuổi.
  • Người bị bệnh thận: Cần thông báo cho bác sĩ khi mắc một số bệnh lý: Suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận,... để thay đổi thuốc khác hoặc điều chỉnh liều lượng an toàn hơn.
  • Phụ nữ đang mang thai: Thuốc chưa được xác định rủi ro trên bào thai. Tuy nhiên, bà bầu không nên tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ sản khoa.
  • Phụ nữ cho con bú: Khi vào cơ thể, thuốc sẽ di chuyển tới tuyến sữa dẫn tới trẻ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
  • Người cao tuổi: Dễ ảnh hưởng tới chức năng thận, làm giảm quá trình đào thải thuốc nên thường gặp tác dụng phụ nhiều hơn đối tượng khác.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Cefuroxime

  • Khai thác kĩ tiền sử dị ứng thuốc, đặc biệt với kháng sinh beta-lactam trước khi dùng Cefuroxime. Các phản ứng quá mẫn với biểu hiện đa dạng: Sốt, ngứa, đỏ da, mày đay, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc, phản ứng giống bệnh huyết thanh, phản ứng phản vệ có thể xảy ra (tỷ lệ < 1%).
  • Thuốc chỉ phát huy tác dụng và hiệu quả cao trong điều trị nhiễm khuẩn. Không dùng trong điều trị các bệnh do virus gây ra.
  • Trong quá trình dùng thuốc, bạn không nên ngắt liều hoặc dừng thuốc đột ngột. Để tránh tình trạng kháng thuốc hoặc gây nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, cần tuân thủ liều của bác sĩ.
  • Khi dùng thuốc quá liều, một số người sẽ gặp tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Tốt nhất bạn nên liên hệ với bác sĩ và đến bệnh viện gần nhất để xử trí kịp thời.
  • Tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp có thể gây đau tại vị trí tiêm. Viêm tĩnh mạch huyết khối cũng đã được báo cáo trên một số bệnh nhân dùng cefuroxime tiêm tĩnh mạch.
  • Nên kiểm tra chức năng thận khi điều trị bằng cefuroxime, nhất là ở bệnh nhân nặng đang dùng liều tối đa kháng sinh. Thận trọng khi dùng đồng thời với các thuốc lợi tiểu mạnh, vì có thể có tác dụng bất lợi đến chức năng thận.
  • Dùng Cefuroxime dài ngày có thể làm các chủng không nhạy cảm phát triển quá mức. Đã có báo cáo viêm đại tràng màng giả do Clostridium difficile xảy ra khi sử dụng các kháng sinh phổ rộng, vì vậy cần quan tâm chẩn đoán bệnh này và điều trị thích hợp nếu phát hiện.

Thận trọng khi dùng thuốc với các loại thuốc:

  • Tăng tác dụng của Cefuroxime: Probenecid liều cao.
  • Tăng độc tính trên thận: Dùng đồng thời Cefuroxime với các thuốc kháng sinh aminoglycosid hoặc thuốc lợi tiểu mạnh (như Furosemid).
  • Giảm tác dụng của các hormon sinh dục nữ: Cefuroxime đường uống có thể làm giảm tác dụng của các thuốc tránh thai đường uống có chứa estrogen và progesteron.
  • Cefuroxime không tương kỵ với hầu hết các dịch truyền thường dùng. Không pha loãng cefuroxime với dung dịch natri bicarbonate 2.74% (khối lượng/thể tích).

5. Tác dụng phụ của thuốc Cefuroxime

  • Thường gặp: Đau rát tại chỗ và viêm tĩnh mạch huyết khối tại nơi tiêm truyền, tiêu chảy, ban da dạng sần.
  • Ít gặp: Phản ứng phản vệ; Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ, khí ga, khó chịu dạ dày; Ho, nghẹt mũi; Cơ bắp cứng hay căng, đau cơ; Đau hoặc sưng khớp; Nhức đầu, buồn ngủ; Cảm thấy bồn chồn, cáu kỉnh, hay hiếu động; Đốm trắng hay lở loét trong miệng hoặc trên môi; Hơi thở có mùi khác thường hoặc khó chịu; Hăm tã ở trẻ sơ sinh uống Cefuroxime lỏng; Ngứa nhẹ hoặc nổi mẩn trên da; Ngứa âm đạo.
  • Hiếm gặp: Tiêu chảy nước hoặc có máu; Sốt, cảm thấy ớn lạnh, hạch sưng, da nổi mẩn, ngứa, đau khớp, hoặc cảm giác mình đang bị bệnh; Đau ngực, tim đập nhanh cảm giác thình thịch; Máu chảy không bình thường; Máu trong nước tiểu; Động kinh (co giật); Da nhợt nhạt hoặc vàng da, nước tiểu sậm màu, lú lẫn; Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi trong cả ngày; Vàng da (vàng da hoặc mắt); Sốt có thể có đau họng; Phát ban trên da, vết bầm tím, ngứa nặng hơn, tê chân tay, đau, yếu cơ; Khát nước nhiều hơn, ăn uống mất ngon, tăng cân, cảm giác khó thở; Viêm đại tràng giả mạc; Hội chứng Stevens-Johnson; Hoại tử biểu bì nhiễm độc; Suy thận cấp; Viêm thận kẽ, tăng creatinin huyết, tăng urê huyết; Mất thính lực ở mức độ vừa và nặng.

6. Cách bảo quản thuốc Cefuroxime

  • Lưu trữ viên Cefuroxime ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và nóng. Vặn chặt chai khi không sử dụng.
  • Lưu trữ hỗn dịch uống hoặc thuốc Cefuroxime pha sẵn trong tủ lạnh ở ngăn mát, không để ở phòng tắm hoặc ngăn đá. Vứt bỏ chất lỏng Cefuroxime nếu không sử dụng sau 10 ngày.
  • Giữ tất cả các loại thuốc tránh xa trẻ em và vật nuôi. Không bao giờ chia sẻ thuốc của bạn với người khác và chỉ sử dụng Losartan cho chỉ định được kê đơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe