Thuốc Cedetamin được sử dụng trong điều trị những trường hợp phức tạp ở đường hô hấp, dị ứng tại mắt và da, các rối loạn viêm mắt, viêm mũi,...Vậy thuốc Cedetamin có tác dụng gì?
1. Thuốc Cedetamin có tác dụng gì?
Thuốc Cedetamin là thuốc gì? Thuốc Cedetamin có chứa hoạt chất betamethason và dexclorpheniramin. Trong đó, betamethason là một corticosteroid tổng hợp có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và chống thấp khớp. Dexclorpheniramin là thuốc kháng histamin với tác dụng làm giảm những triệu chứng hắt hơi, ngứa, chảy nước mắt, chảy nước mũi, mề đay do dị ứng. Do vậy, thuốc Cedetamin có tác dụng trong điều trị một số trường hợp dị ứng cấp tính hoặc mãn tính như:
- Dị ứng đường hô hấp
- Viêm da dị ứng
- Viêm mắt
- Hen phế quản
- Viêm mũi
Bên cạnh những công dụng trên, thuốc Cedetamin 0 25mg có thể còn được sử dụng điều trị một số bệnh lý khác mà không được liệt kê ở trên. Do vậy, trước khi sử dụng thuốc hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và sử dụng thuốc hiệu quả.
2. Cách sử dụng thuốc Cedetamin
Thuốc Cedetamin được bào chế dưới dạng viên nén do vậy có thể sử dụng thuốc lúc đói hoặc no. Tốt nhất nên uống thuốc sau bữa ăn nhằm giảm bớt nguy cơ xảy ra tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hoá. Hãy uống thuốc với một ly nước đầy để tránh tình trạng kích thích dạ dày. Liều lượng sử dụng thuốc Cedetamin 0 25mg sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và độ tuổi của bệnh nhân như:
- Thuốc Cedetamin cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi sử dụng với liều 1 viên/lần, ngày uống 2 lần.
- Đối với trẻ em trên 12 tuổi và người lớn liều lượng thông thường là 1 viên/lần, ngày uống 4 lần. Trong một số trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh liều lượng cho phù hợp với diễn tiến của bệnh và khả năng đáp ứng riêng biệt của từng bệnh nhân.
3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Cedetamin
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Cedetamin 0 25mg bao gồm:
- Mất kali, giữ nước và giữ muối
- Kinh nguyệt thất thường
- Phát triển hội chứng dạng cushing
- Ức chế sự tăng trưởng của thai trong tử cung và trẻ nhỏ
- Giảm dung nạp glucose
- Bộc lộ đái tháo đường tiềm ẩn và tăng nhu cầu insulin hoặc thuốc hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Yếu cơ, mất khối lượng cơ
- Loãng xương
- Teo da và dưới da
- Áp xe vô khuẩn
- Sảng khoái hoặc trầm cảm, thay đổi tâm trạng, mất ngủ
- Đục thuỷ tinh thể, glaucoma
- Loét dạ dày và có thể dẫn tới thủng hoặc chảy máu
Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ luôn cân nhắc lợi ích và hiệu quả mà thuốc Cedetamin đem lại nhiều hơn nguy cơ mắc tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số trường hợp khi dùng Cedetamin vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn. Trong trường hợp này, người bệnh cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được can thiệp ngay lập tức.
4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Cedetamin
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Cedetamin bao gồm:
- Thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng với thuốc Cedetamin 0 25mg hay bất kỳ dị ứng nào khác. Cedetamin có thể chứa các thành phần của thuốc không hoạt động và có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
- Chống chỉ định sử dụng thuốc với bệnh nhân herpes giác mạc, loét dạ dày tiến triển, trẻ sơ sinh và trẻ sinh thiếu tháng, nhiễm nấm toàn thân, nhiễm vi khuẩn hoặc virus, người bệnh bị đái tháo đường, tâm thần, glaucoma góc đóng hoặc người có nguy cơ bị bí tiểu liên quan tới rối loạn niệu đạo tuyến tiền liệt, glocom góc đóng.
- Betamethason có thể làm mất đi một vài dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng và có khả năng xuất hiện bội nhiễm trong quá trình điều trị.
- Hạn chế điều trị bằng corticoid đối với người bệnh lao đang tiến triển. Thận trọng khi dùng thuốc Cedetamin cho người bệnh mắc chứng glaucom góc hẹp, suy thận, suy gan, tắc nghẽn môn vị tá tràng, bệnh lý tim mạch như suy tim sung huyết, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim mới mắc, phì đại tuyến tiền liệt, gia tăng áp lực nội nhãn hoặc cường giáp.
- Sử dụng corticoid kéo dài có thể dẫn tới đục thuỷ tinh thể, đặc biệt là ở trẻ em, glaucoma với nguy cơ gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Do đó, cần phải theo dõi người bệnh nếu sử dụng liệu pháp corticoid dài hạn.
- Nguy cơ bị thuỷ đậu hoặc có thể nhiễm cả herpes zoster nặng, thường tăng ở người bệnh không có khả năng đáp ứng miễn dịch khi sử dụng corticosteroid đường toàn thân. Do đó, người bệnh cần phải tránh tiếp xúc với những mầm bệnh này hoặc cần được gây miễn dịch thụ động.
- Thuốc Cedetamin có tác dụng an thần nên gây buồn ngủ, không thích hợp sử dụng cho người lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Đối với phụ nữ có thai chỉ nên sử dụng thuốc Cedetamin khi đã được cân nhắc giữa lợi ích điều trị và nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.
- Đối với trẻ sơ sinh sau khi ra đời cần được theo dõi cẩn thận những dấu hiệu suy thượng thận nếu như trước đó người mẹ đã sử dụng nhiều liều corticoid trong giai đoạn thai kỳ.
- Đối với phụ nữ đang cho con bú cần dừng cho trẻ bú trong thời gian điều trị.
5. Tương tác thuốc
Một số loại thuốc có thể tương tác với Cedetamin như:
- Phenobarbital
- Phenytoin
- Rifampicin
- Glycosid tom
- Thuốc lợi tiểu làm mất kali
- Thuốc chống đông coumarin
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc ức chế monoamine oxidase
- Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương
Bảo quản thuốc Cedetamin ở nhiệt độ phòng không quá 30°C, tránh ánh sáng và tránh những nơi ẩm ướt. Không bảo quản Cedetamin ở nơi ẩm thấp hay trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc Cedetamin trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Để thuốc Cedetamin tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi trong gia đình. Khi thuốc đã bị hỏng không thể dùng được nữa hoặc đã quá hạn sử dụng hãy xử lý thuốc đúng quy trình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.