Công dụng thuốc Bambumed 10

Thuộc nhóm thuốc giãn khí phế quản, Bambumed 10 được bác sĩ kê đơn chỉ định điều trị bệnh khí phế thũng, viêm phế quản mạn hay các bệnh lý phổi khác. Vậy thuốc Bambumed 10 thuốc gì? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Bambumed 10 là gì?

1.1. Thuốc Bambumed 10mg là thuốc gì?

Thuốc Bambumed 10mg thuộc nhóm thuốc giãn khí phế quản, có số đăng ký VD-22480-15, do Công ty Cổ phần DP Me Di Sun – Việt Nam sản xuất.

Thuốc Bambumed 10 bao gồm các thành phần:

  • Hoạt chất chính: Bambuterol HCL với hàm lượng 10 mg
  • Tá dược: Tinh bột mì; Lactose; bột Talc; Magnesium Stearate; Sodium Starch Glycolate; PVP K30.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 10mg, vỉ 10 viên, hộp 3 vỉ. Thuốc được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên và người trưởng thành.

1.2. Thuốc Bambumed 10mg có tác dụng gì?

Bambuterol có tác dụng giãn cơ trơn phế quản, ức chế phóng thích các chất gây co thắt nội sinh, ức chế các phản ứng phù nề gây ra bởi các chất trung gian hóa học nội sinh và làm tăng sự thanh thải của hệ thống lông chuyển nhầy.

Thuốc Bambumed 10 mg được bác sĩ kê đơn chỉ định cho các trường hợp:

  • Hen phế quản.
  • Viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng và các bệnh lý phổi khác có kèm co thắt.

2. Cách sử dụng của thuốc Bambumed 10

2.1. Cách dùng thuốc Bambumed 10mg

  • Thuốc Bambumed 10 được bào chế dạng viên nén thuận lợi cho việc dùng thuốc bằng đường uống.
  • Người bệnh cần uống thuốc với một lượng nước lọc vừa đủ, chỉ uống 1 liều duy nhất và nên uống thuốc trước khi đi ngủ.
  • Người bệnh không cắn vỡ, nhai, nghiền nát mà cần uống nguyên cả viên thuốc.
  • Không trộn chung thuốc với bất kỳ hỗn hợp nào khác.
  • Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ

2.2. Liều dùng của thuốc Bambumed 10mg

Bambuterol được sử dụng để điều trị duy trì trong bệnh hen và các bệnh phổi khác có kèm co thắt.

  • Liều chỉ định 1 lần/ngày. Cần điều chỉnh liều phù hợp từng cá thể.
  • Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi: liều chỉ định khởi đầu 1 viên/lần/ngày. Có thể tăng liều đến 2 viên/lần/ngày sau 1-2 tuần, tùy theo hiệu quả lâm sàng.
  • Ở những bệnh nhân trước đây đã dung nạp tốt các chất chủ vận beta-2 dạng uống, liều khởi đầu là 2 viên/lần/ngày.
  • Ở những bệnh nhân suy chức năng thận (GFR ≤ 50 ml/phút), liều khởi đầu là 1⁄2 viên/lần/ngày, có thể tăng đến 1 viên/ngày sau 1-2 tuần, tùy theo hiệu quả lâm sàng.
  • Trẻ em 2-6 tuổi: Liều chỉ định là 1⁄2 viên/lần/ngày hoặc theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

3. Xử lý quên liều và quá liều thuốc

Xử lý khi quên liều: Thuốc chỉ dùng 1 lần trong ngày và theo khuyến cáo là uống trước khi đi ngủ nên bệnh nhân sử dụng thuốc hạn chế việc quên liều bằng cách đặt ghi nhớ để tránh quên liều.

Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.

Xử trí khi quá liều: Hiện nay, chưa ghi nhận có trường hợp quá liều do Bambuterol. Tuy nhiên, việc sử dụng quá liều sẽ dẫn đến nồng độ Terbutaline cao trong máu và xuất hiện các triệu chứng, dấu hiệu tương tự như khi dùng quá liều Terbutaline.

Cách xử trí: Thường không cần điều trị khi dùng quá liều thuốc Bambumed 10mg. Trường hợp quá liều nặng, cần tiến hành các phương pháp sau:

  • Rửa dạ dày, than hoạt tính.
  • Theo dõi tần số, nhịp tim, huyết áp, đường huyết, điện giải, cân bằng kiềm toan.
  • Chất giải độc thích hợp là chất ức chế thụ thể bêta-2 chọn lọc, nhưng cần sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có tiền sử co thắt phế quản.
  • Nếu sự giảm huyết áp do giảm sức cản ngoại biên qua trung gian bêta-2, cần phải bồi hoàn thể tích huyết tương.

4. Chống chỉ định của thuốc Bambumed 10

Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Bambuterol hay bất cứ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc Bambumed 10mg.

5. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Bambumed 10

  • Do terbutaline được bài tiết chủ yếu qua thận, nên cần giảm nửa liều cho những bệnh nhân bị tổn thương chức năng thận (GFR ≤ 50 ml/phút).
  • Ở những bệnh nhân bị xơ gan và cả những bệnh nhân bị tổn thương chức năng gan mức độ nặng do nguyên nhân khác, liều dùng hàng ngày vẫn phải được điều chỉnh phù hợp cho từng cá thể. Trong quá trình điều trị cần đánh giá khả năng chuyển hóa bambuterol thành terbutaline ở người bệnh có bị suy giảm hay không. Do vậy, dựa trên quan điểm thực hành, việc sử dụng trực tiếp chất chuyển hóa hoạt tính terbutaline sẽ thích hợp hơn với những bệnh nhân này.
  • Cũng như đối với tất cả các chất chủ vận bêta -2 (bao gồm cả Bambuterol ) cần sử dụng thật thận trọng đối với những bệnh nhân nhiễm độc giáp và có bệnh lý tim mạch nặng như nhịp tim nhanh, bệnh tim do thiếu máu cục bộ hoặc suy tim nặng.
  • Do tác dụng làm tăng đường huyết của các chất chủ vận bêta-2, nên cần kiểm soát đường huyết tốt hơn nữa ở những bệnh nhân bị tiểu đường khi bắt đầu điều trị bằng Bambumed 10mg.

Tương tác thuốc:

  • Giảm kali huyết nặng có thể xảy ra khi điều trị với Bambuterol. Cần thận trọng đặc biệt trong cơn hen nặng cấp tính do nguy cơ hạ kali huyết tăng cao khi giảm oxy máu. Tác động giảm kali huyết có thể xảy ra khi điều trị phối hợp và nặng thêm khi điều trị phối hợp với các dẫn xuất của xanthin, steroid và thuốc lợi tiểu. Cần theo dõi nồng độ kali huyết thanh trong các trường hợp này.
  • Bambuterol kéo dài tác động giãn cơ của Suxamethonium (Succinylcholine). Tác động này do Cholinesterase trong huyết tương, đây là men bất hoạt Suxamethonium bị ức chế một phần bởi Bambuterol. Sự ức chế tùy thuộc liều lượng và có thể hồi phục hoàn toàn sau khi ngưng điều trị với Bambuterol. Sự tương tác này cũng cần được xem xét với các chất giãn cơ khác được chuyển hóa bởi Cholinesterase.
  • Thuốc Bambuterol kéo dài tác động giãn cơ của suxamethonium (succinylcholin).
  • Các thuốc ức chế thụ thể bêta có thể ức chế một phần hay hoàn toàn tác dụng của chất kích thích thụ thể bêta.

6. Tác dụng phụ của thuốc Bambumed 10

  • Tác dụng ngoại ý được ghi nhận, như run cơ, nhức đầu, chuột rút, đánh trống ngực là các biểu hiện đặc trưng của các amin cường giao cảm. Cường độ của các tác dụng ngoại ý tùy thuộc liều sử dụng. Các tác dụng ngoại ý này sẽ mất dần trong vòng 1-2 tuần điều trị.
  • Rối loạn giấc ngủrối loạn hành vi như kích động, bồn chồn cũng đã được ghi nhận nhưng ở tần số chưa xác định được. Thông báo với bác sĩ về các tác dụng không muốn gặp phải của thuốc.

7. Cách bảo quản thuốc Bambumed 10

  • Thời gian bảo quản của thuốc Bambumed 10 trong vòng 36 tháng kể từ ngày sản xuất.
  • Bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát, nhiệt độ không quá 30°C, trong bao bì gốc và tránh ánh sáng.
  • Để xa tầm tay trẻ em.

Tóm lại, thuốc Bambumed 10 là thuốc thuộc nhóm giãn phế quản nên được chỉ định điều trị một số bệnh lý hô hấp. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người dùng cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe