Thuốc Alorax 10mg được sử dụng chủ yếu để điều trị và làm giảm các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, chảy nước mũi, nổi mẩn ngứa trên da,... Mọi băn khoăn về thông tin sử dụng thuốc Alorax 10mg, bạn đọc có thể theo dõi nội dung dưới đây và kết hợp tham khảo ý kiến của chuyên gia.
1. Alorax loratadin 10mg là thuốc gì?
Thuốc Alorax 10mg thuộc nhóm thuốc chống dị ứng và sử dụng trong các trường hợp quá mẫn. Đây là một sản phẩm của công ty Pymepharco (Việt Nam), được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với quy cách đóng gói hộp 10 vỉ x 10 viên. Alorax 10mg thường được sử dụng chủ yếu để điều trị cho các tình trạng như chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng kinh niên, nổi mề đay mạn tính, viêm da dị ứng, rối loạn dị ứng da và viêm kết mạc dị ứng (ngứa kèm nóng mắt).
Trong mỗi viên nén 10mg sẽ chứa các hoạt chất và tá dược chính sau đây:
- Hoạt chất chính: Loratadin hàm lượng 10mg.
- Tá dược: Lactose anhydrous, microcrystalline cellulose, croscarmellose natri, dibasic calcium phosphate, magnesium stearate và quinoline yellow lake.
2. Chỉ định và công dụng của thuốc Alorax 10mg
2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Alorax 10mg
Thuốc Alorax 10 thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho các trường hợp dưới đây:
- Viêm mũi dị ứng: Chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi, viêm mũi kinh niên hoặc viêm mũi dị ứng theo mùa.
- Viêm kết mạc dị ứng: Nóng và ngứa mắt.
- Rối loạn dị ứng da, nổi mày đay mạn tính và viêm da dị ứng.
2.2 Công dụng của thuốc Alorax 10mg
Hoạt chất chính loratadin trong alorax 10 là thuốc kháng histamin tricyclique, có tác dụng kéo dài với hoạt tính đối kháng chọn lọc ở thụ thể H1 ngoại biên. Thành phần loratadin có tác dụng chống nổi mề đay và ngứa liên quan đến histamin, tuy nhiên nó không có khả năng hỗ trợ lâm sàng cho những tình trạng có mức giải phóng histamin nghiêm trọng như sốc phản vệ. Ngoài ra, hoạt chất loratadin cũng không mang lại tác dụng an thần.
Dược động học của thuốc:
- Hấp thu: Hoạt chất loratadin có tốc độ hấp thu nhanh chóng sau khi uống vào cơ thể, với nồng độ đạt đỉnh trong huyết tương là 1,5 giờ.
- Phân bố: Theo nghiên cứu, loratadin liên kết tới 97% với protein huyết tương, thể tích phân bố dao động từ 80 – 120l / kg.
- Chuyển hoá: Phần lớn hoạt chất loratadin chuyển hoá thành descarboethoxyloratadin khi lần đầu qua gan nhờ hệ enzym microsom cytochrom P450.
- Thải trừ: Loratadin bài tiết chủ yếu qua đường nước tiểu và phân (khoảng 80% tổng liều) dưới dạng chuyển hoá trong vòng 10 ngày.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Alorax 10mg
3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Alorax 10mg
Liều dùng thuốc Alorax 10mg sẽ được xác định dựa trên độ tuổi của từng đối tượng bệnh nhân, cụ thể:
- Trẻ em từ 2 – 5 tuổi: Uống nửa viên alorax / lần / ngày.
- Người lớn và trẻ em > 6 tuổi: Uống một viên alorax / lần / ngày.
- Bệnh nhân bị suy gan: Uống nửa viên alorax / lần / ngày hoặc uống một viên cách 2 ngày / lần.
3.2 Cách sử dụng thuốc Alorax 10mg
Do thuốc Alorax 10 được bào chế dưới dạng viên nén, vì vậy người bệnh nên dùng thuốc bằng đường uống. Bạn có thể điều trị dị ứng bằng Alorax 10mg cùng hoặc không cùng với bữa ăn đều được. Tuy nhiên, khi uống cần tránh nghiền nát hoặc nhai thuốc, vì điều này có thể làm giảm công hiệu của các hoạt chất trong thuốc.
3.3 Xử lý tình trạng uống quá liều hoặc quên liều thuốc Alorax 10mg
- Cách xử trí khi trót bỏ lỡ liều thuốc Alorax 10
Khi lỡ quên uống một liều thuốc Alorax 10mg, người bệnh cần cố gắng uống liều đó ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến giờ sử dụng liều tiếp theo, bạn nên bỏ qua liều đã lỡ và uống thuốc tiếp theo liệu trình đã dự định. Tuyệt đối không tự ý bù gấp đôi liều so với chỉ định vì điều này dễ làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ hoặc triệu chứng quá liều thuốc.
- Cách xử trí khi uống quá liều thuốc Alorax 10mg
Đối với người trưởng thành khi uống từ 40 – 180 mg loratadin sẽ có các biểu hiện bất thường như đau đầu, tim đập nhanh hoặc buồn ngủ. Đối với trẻ em uống quá liều Alorax 10mg có thể gặp phải tình trạng đánh trống ngực và các triệu chứng ngoại tháp.
Nếu trót dùng quá liều thuốc Alorax 10 và nhận thấy cơ thể xuất hiện các phản ứng đáng chú ý, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và đến ngay cơ sở y tế để được điều trị. Bác sĩ có thể tiến hành thúc nôn cho bệnh nhân bằng siro ipeca nhằm tháo sạch dạ dày. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị đặt nội khí quản để bệnh nhân không hít phải dịch dạ dày hoặc tiến hành rửa dạ dày bằng NaCl 0,9%. Trong trường hợp cần thiết, các biện pháp điều trị hỗ trợ và cải thiện triệu chứng quá liều có thể được áp dụng.
4. Một số tác dụng phụ của thuốc Alorax 10mg
Theo khuyến cáo của chuyên gia, khi sử dụng loratadin 10mg ở liều hằng ngày thường ít gây buồn ngủ, tuy nhiên tròn một số trường hợp hiếm gặp, thuốc có thể dẫn đến một số tác dụng phụ đáng chú ý sau:
- Khô miệng.
- Nhức đầu.
- Mệt mỏi.
- Buồn nôn.
- Viêm dạ dày.
- Dị ứng (phát ban, nổi mẩn đỏ, mề đay, ngứa).
- Rối loạn tiêu hoá (chẳng hạn như táo bón, khó tiêu hoặc tiêu chảy).
Nếu xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa hoặc dược sĩ có kinh nghiệm để tìm biện pháp khắc phục đúng lúc.
5. Một số lưu ý quan trọng trong quá trình sử dụng thuốc Alorax 10mg
5.1 Chống chỉ định dùng Alorax 10 cho các trường hợp nào?
Dưới đây là những trường hợp không được phép sử dụng thuốc Alorax 10mg khi chưa có sự chấp thuận của bác sĩ, bao gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với hoạt chất loratadin hoặc quá mẫn với bất kỳ tá dược nào trong thuốc.
- Trẻ em dưới 2 tuổi không nên sử dụng alorax 10mg dạng viên nén.
- Bệnh nhân bị suy gan hoặc suy thận nghiêm trọng.
5.2 Thuốc Alorax 10mg có thể tương tác với thuốc nào?
Thuốc Alorax 10mg có thể xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với những loại thuốc sau:
- Erythromycin.
- Ketoconazol.
- Cimetidin.
Khi dùng thuốc Alorax 10 cùng lúc với những loại thuốc trên có thể làm tăng nồng độ của hoạt chất loratadin trong huyết tương. Mặc dù vậy, sự tương tác này không gây ảnh hưởng quá nhiều về mặt sinh hoá lẫn lâm sàng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tránh xảy ra tương tác thuốc gây giảm hiệu quả điều trị, người bệnh nên báo cho bác sĩ danh sách những loại thuốc hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ thảo dược mà mình đang sử dụng cũng như các tình trạng sức khoẻ khác đang mắc phải. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị điều chỉnh liều lượng, thời gian dùng giữa các loại thuốc hoặc thay thế một loại thuốc khác thích hợp hơn cho bệnh nhân.
Hy vọng với những thông tin về thuốc Alorax 10mg sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách dùng thuốc cũng như nên dùng thế nào để đạt được hiệu quả cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.