Trẻ em chảy mũi, hắt hơi kéo dài trong nhiều tuần, nguyên nhân cao có thể là do trẻ đang bị dị ứng. Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc dị ứng. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn nên các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý khi dùng các loại thuốc dị ứng cho bé.
1.Dị ứng ở trẻ em
Dị ứng là phản ứng của cơ thể với một chất lạ hoặc chất có khả năng gây dị ứng. Hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với chất gây dị ứng khi chúng xâm nhập bằng cách giải phóng histamin và các hóa chất trung gian khác, gây ra các triệu chứng ở mũi, phổi, vùng hầu họng, các xoang, tai, mắt, trên da hoặc niêm mạc dạ dày.
Phản ứng dị ứng ở trẻ em cũng không ngoại lệ, dị ứng xảy ra khi cơ thể trẻ bài tiết ra histamin. Những dấu hiệu hay gặp ở trẻ dị ứng bao gồm nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa... Ngoài ra, trẻ còn bị ngứa mắt, chảy nước mắt.
Ở một số trẻ, phản ứng dị ứng còn có thể gây ra các triệu chứng của bệnh hen suyễn, một căn bệnh gây khò khè hoặc khó thở ở trẻ nhỏ. Một số chuyên gia y tế đã chứng minh, nếu một đứa trẻ bị dị ứng và hen suyễn, việc không kiểm soát tình trạng dị ứng có thể làm cho bệnh hen suyễn của trẻ trở nên nặng hơn.
2.Lưu ý khi sử dụng thuốc dị ứng trẻ em
Thuốc dị ứng cho bé thường được sử dụng đầu tiên là nhóm kháng histamin. Giống như tên gọi, cơ chế điều trị các dấu hiệu dị ứng của nhóm thuốc này ngăn chặn tác dụng của histamin. Khi sử dụng thuốc chữa dị ứng ở trẻ em cần lưu ý:
- Một số thuốc dị ứng trẻ em là loại thuốc có tác dụng ngắn, do đó cần uống thuốc dị ứng cho bé cách mỗi 4 đến 6 giờ;
- Một số loại thuốc kháng histamin phóng thích kéo dài nên uống cách nhau mỗi 12 đến 24 giờ;
- Một số thuốc dị ứng cho bé ở dạng kết hợp giữa thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi;
- Những tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng thuốc chữa dị ứng ở trẻ em là buồn ngủ và khô miệng;
- Vì trẻ là một đối tượng đặc biệt, do đó cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa về những loại thuốc tốt nhất cho trẻ trước khi bắt đầu sử dụng thuốc;
- Đối với hầu hết trẻ em, các triệu chứng dị ứng có thể được kiểm soát bằng cách tránh xa nguyên nhân gây dị ứng hay các tiếp xúc với chất gây dị ứng và sử dụng các loại thuốc không kê đơn để điều trị tình trạng dị ứng nhẹ. Nhưng khi các dấu hiệu dị ứng gây khó chịu cho trẻ tồn tại kéo dài và không thuyên giảm cả khi sử dụng các loại thuốc không kê đơn, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để được điều trị thích hợp;
- Mặc dù có một số loại thuốc dị ứng được chấp thuận cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi, tuy nhiên FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cảnh báo rằng những thông tin trên nhãn sản phẩm là “thuốc dành cho trẻ em” không có nghĩa là nó dành cho trẻ em ở mọi lứa tuổi, luôn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo để đảm bảo rằng sản phẩm thực sự phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
- Khi trẻ đang sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, bố mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và thành phần của thuốc để đảm bảo không bị trùng lặp về hoạt chất.
- Trẻ em là đối tượng nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc dị ứng hơn so với người lớn. Một số thuốc chữa dị ứng ở trẻ em (thuốc kháng histamin) có thể có tác dụng phụ với liều thấp hơn liều người lớn và dẫn đến kích thích hoặc buồn ngủ quá mức;
Dị ứng ở trẻ em với một tác nhân nào đó là bệnh lý khó chữa khỏi hoàn toàn nhưng mục tiêu chính là giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Có nhiều tình trạng dị ứng khác nhau, ví dụ nếu trẻ bị viêm mũi dị ứng khi tiếp xúc với phấn hoa, bố mẹ cần chuẩn bị những loại thuốc dị ứng cho bé cần thiết vào mùa phấn hoa xuất hiện nhiều trong gió.
Tóm lại, với bất kỳ loại thuốc nào, trong đó có thuốc dị ứng trẻ em, các bậc cha mẹ hãy đảm bảo tuân thủ đúng theo hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo sản phẩm.
3.Khi nào nên dùng thuốc dị ứng cho bé?
Hầu hết các chuyên gia y tế khuyến cáo trẻ có tiền sử dị ứng nên sử dụng những loại thuốc dị ứng cho bé trước khi các triệu chứng dị ứng bắt đầu để ngăn chặn chúng. Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhi về thời điểm sử dụng thuốc chữa dị ứng cho trẻ em:
- Trước khi đi ngủ: Các triệu chứng dị ứng thường nặng hơn trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ sáng. Nếu bố mẹ cho trẻ uống thuốc trước khi đi ngủ, thuốc có thể kiểm soát các triệu chứng buổi sáng của trẻ;
- Trước mùa dị ứng trong năm: Nếu trẻ có tiền sử dị ứng với phấn hoa, trẻ có thể bắt đầu sử dụng thuốc kháng histamin trước mùa phấn hoa từ 3 đến 10 ngày.
4.Các thuốc dị ứng cho bé thông thường
Một số loại thuốc có tác dụng mạnh:
- Thuốc xịt mũi Azelastine;
- Desloratadine;
- Hydroxyzine.
Hầu hết các loại thuốc nhỏ mắt chỉ được khuyến cáo sử dụng cho trẻ trên 3 tuổi. Những loại thuốc kê đơn phổ biến bao gồm:
- Thuốc nhỏ mắt Azelastine;
- Olopatadine HCL.
Một lựa chọn thuốc nhỏ mắt không kê đơn là:
- Ketotifen fumarate.
Thuốc kháng histamin uống không kê đơn bao gồm:
- Cetirizine;
- Diphenhydramine;
- Fexofenadine;
- Loratadin.
Các thuốc chữa dị ứng ở trẻ em dạng xịt mũi có hoạt chất steroid kháng viêm sẽ giúp trẻ dễ thở qua mũi hơn, thuốc có thể bào chế dưới dạng chất lỏng hoặc bình xịt, có thể sử dụng nhiều lần trong ngày. Tác dụng chính là giảm tiết dịch nhờn, giảm ngứa và hạn chế tắc nghẽn. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cần mất một khoảng thời gian để mang lại tác dụng cao nhất. Hướng dẫn sử dụng thuốc dạng xịt mũi:
- Đảm bảo trẻ xịt thuốc cách xa vách ngăn mũi;
- Nếu mũi của trẻ có chất nhầy đặc, hãy làm sạch mũi trước với dung dịch nước muối bằng cách xì mũi 2 bên;
- Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kèm thuốc kháng histamin và các loại thuốc dị ứng cho bé khác cho đến khi thuốc xịt mũi có tác dụng, thường là sau 1 hoặc 2 tuần.
Một số thuốc khác:
- Singulair là một loại thuốc kê đơn có thể ngăn ngừa các cơn hen suyễn. Loại thuốc này cũng được chấp thuận để điều trị tình trạng dị ứng. Tác dụng của singulair là giảm nghẹt mũi và hắt hơi, giảm ngứa và giảm mức độ dị ứng ở mắt;
- Thuốc nhỏ mắt theo đơn có thể làm giảm và ngăn ngừa ngứa mắt.
Thực tế, cha mẹ có thể phải mất nhiều thời gian để tìm ra loại thuốc hoặc sự kết hợp thuốc phù hợp và hiệu quả nhất cho trẻ. Do đó, hãy thảo luận với bác sĩ để lập một kế hoạch điều trị cho phép trẻ có thể sinh hoạt bình thường trong quá trình sử dụng thuốc (không bị tác dụng phụ buồn ngủ ảnh hưởng đến học tập, vui chơi...).
5.Tránh các tác nhân gây dị ứng cho trẻ
Nếu trẻ bị dị ứng theo mùa, hãy chú ý đến tác nhân gây dị ứng là phấn hoa. Từ đó cố gắng giữ trẻ tránh những vị trí phấn hoa nhiều. Vào cuối mùa hè và đầu mùa thu, lượng phấn hoa thường cao nhất vào buổi sáng. Vào mùa xuân và mùa hè, lượng phấn hoa cao nhất vào buổi tối. Ngoài ra, một số loại nấm mốc, một nguyên nhân gây dị ứng khác, cũng có thể xuất hiện theo mùa.
Bên cạnh những tác dụng điều trị thì thuốc điều trị dị ứng cho trẻ cũng để lại một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, để đảm bảo cho trẻ, cha mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn hoặc thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu ở trẻ. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: fda.gov, webmd.com