Thuốc Zanamivir thuộc nhóm thuốc kháng khuẩn và phân nhóm thuốc kháng virus với thành phần chính là Zanamivir. Zanamivir được dùng trong điều trị các triệu chứng được gây ra bởi virus cúm (influenza) trong trường hợp các triệu chứng này xuất hiện trong khoảng 2 ngày.
1. Thuốc Zanamivir là thuốc gì?
Thuốc Zanamivir có thể giúp làm giảm bớt các triệu chứng của cúm (như nghẹt mũi, ho, đau họng, sốt, ớn lạnh, đau đầu và đau nhức cơ thể, mệt mỏi) đồng thời sẽ rút ngắn thời gian hồi phục khoảng từ 1 - 2 ngày.
Thuốc Zanamivir được bào chế và đóng gói ở 2 dạng: Thuốc tiêm và bột hít. Với hàm lượng thành phần chính Zanamivir lần lượt là 10g/ ml và 5mg/ liều. Thuốc Zanamivir hoạt động bằng việc ngăn cản sự phát triển của virus. Tuy nhiên thuốc không thay thế được cho các vắc xin ngừa cúm. Ngoài ra, Zanamivir cũng không làm giảm nguy cơ lây nhiễm cúm sang người khác.
Với công dụng của mình, thuốc Zanamivir được chỉ định sử dụng cho trẻ em ≥ 5 tuổi và người lớn trong các trường hợp:
- Bột hít:
- Điều trị nhiễm virus cúm A và cúm B;
- Điều trị dự phòng phơi nhiễm virus cúm A và cúm B;
- Hỗ trợ phòng ngừa cúm A và B theo mùa khi có đợt cúm bùng phát trong cộng đồng.
- Thuốc tiêm: Điều trị nhiễm virus cúm A hoặc B phức tạp và có nguy cơ sẽ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân trưởng thành và bệnh nhi (từ ≥ 6 tháng tuổi) khi:
- Chủng virus cúm mà người bệnh mắc phải được biết hoặc nghi ngờ là có thể đề kháng với các thuốc chống cúm khác;
- Các sản phẩm thuốc chống virus khác để điều trị cúm, bao gồm cả Zanamivir dạng hít, không thích hợp cho người bệnh.
Thuốc Zanamivir hiện chưa có thông tin gì về chống chỉ định sử dụng. Tuy nhiên vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Zanamivir
2.1. Cách dùng
- Sử dụng thuốc Zanamivir để điều trị nên được bắt đầu càng sớm càng tốt và thường bắt đầu trong vòng 6 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh cúm.
- Khi sử dụng Zanamivir dạng bột hít thì các thuốc hít khác như thuốc hen suyễn, nên được sử dụng trước khi dùng thuốc Zanamivir
- Zanamivir dạng hít sử dụng bằng đường miệng, có thể dùng thiết bị hỗ trợ được cung cấp và nên sử dụng một vỉ cho mỗi lần hít.
- Thuốc tiêm Zanamivir được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch trong vòng 30 phút.
2.2. Liều dùng
Người lớn
- Bột hít Zanamivir:
- Điều trị cúm: Liều tham khảo khuyến cáo là 10mg/ lần x 2 lần/ ngày x 5 ngày.
- Phòng ngừa sau phơi nhiễm: Liều tham khảo khuyến cáo sử dụng là 10mg/ lần x 2 lần/ ngày x 10 ngày.
- Hỗ trợ phòng ngừa cúm theo mùa: Liều tham khảo khuyến cáo là 10mg/ lần x 2 lần/ ngày x 28 ngày.
- Thuốc tiêm Zanamivir:
- Liều dùng tham khảo khuyến cáo ở người trưởng thành là 600 mg x 2 lần/ngày x 5 - 10 ngày tiêm truyền bằng đường tĩnh mạch.
Trẻ em:
- Bột hít Zanamivir:
- Điều trị cúm: Liều khuyến cáo sử dụng là 10mg/ lần x 2 lần/ ngày x 5 ngày.
- Phòng ngừa sau phơi nhiễm: Liều khuyến cáo là 10mg/ lần x 2 lần/ ngày x 10 ngày.
- Dự phòng cúm theo mùa: Liều khuyến cáo là 10mg/ lần x 2 lần/ ngày x 28 ngày
- Thuốc tiêm Zanamivir: Thanh thiếu niên, trẻ em và trẻ sơ sinh > 6 tháng tuổi nên dùng chế độ liều lượng điều chỉnh tùy theo cân nặng trong 5 - 10 ngày:
- Từ 6 tháng - 6 tuổi: Liều dùng tham khảo 14mg/ kg x 2 lần/ ngày.
- Từ 6 tuổi - 18 tuổi: Liều dùng tham khảo là 12mg/ kg x 2 lần/ ngày cho đến liều tối đa là 600mg x 2 lần/ ngày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Zanamivir
Các triệu chứng thường gặp:
- Dạng bột hít: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt, nhức đầu, kích ứng mũi, viêm xoang, viêm phế quản, ho hoặc nhiễm trùng tai, mũi và họng.
- Dạng thuốc tiêm: Phát ban, tăng men gan, tiêu chảy và tổn thương tế bào gan.
Các triệu chứng ít gặp:
- Dạng bột hít: Co thắt phế quản và khó thở.
Các triệu chứng hiếm gặp:
- Các loại phản ứng da nghiêm trọng bao gồm cả hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens - Johnson và hoại tử biểu bì nhiễm độc.
- Phản ứng dạng dị ứng bao gồm phù hầu họng và phù mặt.
Các triệu chứng khác không xác định tần suất gặp (nếu có)
- Hành vi bất thường hoặc ảo giác, mê sảng và co giật.
Lưu ý: Trên đây chưa phải là danh sách đầy đủ các triệu chứng có thể gặp phải của tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Zanamivir. Nếu gặp bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào mà cho là do việc sử dụng thuốc gây ra, báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để có biện pháp điều trị.
4. Lưu ý khi dùng thuốc Zanamivir
- Như đã nói, thuốc Zanamivir không có khả năng thay thế cho việc tiêm chủng ngừa cúm và việc sử dụng Zanamivir để điều trị bệnh cúm vẫn đem lại nguy cơ lây nhiễm virus cúm cho người khác.
- Nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn với các triệu chứng giống như cúm và có thể kéo dài hoặc xảy ra như các biến chứng trong quá trình cúm.
- Hiện đã có báo cáo về những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Zanamivir dạng bột hít bị co thắt phế quản hoặc suy giảm chức năng hô hấp. Bất kỳ người bệnh điều trị bằng thuốc nào gặp các phản ứng như trên nên ngưng dùng thuốc và đặt lịch gặp bác sĩ ngay.
- Những người bệnh bị hen phế quản nặng sẽ cần cân nhắc giữa lợi ích với các nguy cơ của thuốc và không nên dùng Zanamivir dạng hít trừ khi có sự theo dõi y tế chặt chẽ.
- Với những bệnh nhân bị hen phế quản mạn hoặc COPD nặng cần phải tối ưu hóa việc kiểm soát bệnh nền, thông báo cho bệnh nhân về nguy cơ gặp phải co thắt phế quản và nên có sẵn thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh khi điều trị bằng thuốc Zanamivir dạng hít.
- Người bệnh nên dùng thuốc giãn phế quản trước khi hít Zanamivir.
- Khi sử dụng Zanamivir ở người bệnh bị cúm, có thể sẽ xảy ra rối loạn tâm thần, đặc biệt là ở bệnh nhi và thanh thiếu niên. Do đó, bệnh nhân cần phải được theo dõi chặt chẽ về các thay đổi hành vi.
- Tất cả bệnh nhân phải được đánh giá chức năng thận trước và thường xuyên trong quá trình điều trị bằng Zanamivir.
5. Tương tác của thuốc Zanamivir
Hiện nay chưa có bất kỳ báo cáo gì về tương tác giữa các thuốc với thuốc Zanamivir. Dù vậy, bệnh nhân vẫn nên thận trọng khi sử dụng kết hợp các thuốc với nhau, thông báo cho bác sĩ về thuốc đang sử dụng để tránh gặp phải tương tác thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.