Thuốc Timolol là một loại thuốc chẹn beta giao cảm không chọn lọc. Thuốc thường được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt 0,1%, 0,25% hay dạng hay dùng nhất là thuốc Timolol 0.5%. Thuốc được sử dụng trong việc điều trị các bệnh lý như tăng nhãn áp, trị u máu trên da.
1. Thuốc Timolol là gì?
Timolol là thuốc có thành phần hoạt chất là Timolol maleate, được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt 0,1%, 0,25% hay là thuốc Timolol 0.5%. Đây là chất có tác dụng chẹn thụ thể adrenergic beta1 và beta2, là loại chẹn không chọn lọc.
Thuốc Timolol có các tác dụng như hạ huyết áp, hạ nhãn áp... Tuy nhiên, tác dụng hạ nhãn áp của các loại thuốc chẹn beta còn chưa rõ, nhưng có thể do thuốc này làm giảm sản xuất thủy dịch. Ngoài ra, thuốc còn làm tăng nhẹ lưu lượng ra của thủy dịch, nó ít hoặc không có tác dụng điều tiết co giãn đồng tử.
Tác dụng hạ nhãn áp của thuốc Timolol thường nhanh, xuất hiện khoảng sau khi tra vào mắt khoảng 20 phút và đạt hiệu quả tối đa trong vòng 1 đến 2 giờ. Người bệnh tra một lần dung dịch nhỏ Timolol 0,25% hoặc 0,5% thì tác dụng có thể duy trì được khoảng 24 giờ.
2. Công dụng thuốc Timolol
Nhờ đặc tính chẹn beta giao cảm mà thuốc Timolol được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Làm giảm nhãn áp ở người bệnh glôcôm góc mở.
- Thoa trên khối u máu giúp giảm sự phát triển của u máu.
- Dạng bào chế viên nén còn được sử dụng với tác dụng hạ huyết áp như các thuốc chẹn beta giao cảm khác.
Tuy nhiên, sau khi uống hoặc tra mắt, Timolol được hấp thu vào cơ thể. Những tác dụng không mong muốn của thuốc chẹn beta dùng đường toàn thân cũng có thể xảy ra cả với dạng tra mắt. Theo đó, nên chống chỉ định sử dụng thuốc khi người bệnh bị các bệnh lý sau:
- Hen phế quản hoặc người có tiền sử hen phế quản.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng.
- Nhịp chậm xoang, block nhĩ thất độ hai hoặc độ ba.
- Suy tim, bị sốc do tim.
- Quá mẫn với một thành phần của thuốc.
Các trường hợp cần thận trọng khi dùng thuốc:
- Người mắc bệnh đái tháo đường, vì thuốc chẹn thụ thể beta có thể che mất các triệu chứng hạ đường huyết.
- Người bệnh không được dùng đồng thời hai loại thuốc cùng tác dụng chẹn beta vào mắt. Người bệnh đang uống thuốc chẹn beta cần theo dõi chặt chẽ cả nhãn áp và các tác dụng toàn thân.
- Thời kỳ mang thai: Chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai. Theo đó, thuốc Timolol có thể gây hại cho thai nhi, nguy cơ làm chậm nhịp tim thai và giảm tưới máu của nhau thai do tác động kiến người mẹ bị giảm huyết áp. Vì thế, chỉ nên dùng Timolol khi có thai nếu như lợi ích lớn hơn những nguy cơ.
- Thời kỳ cho con bú: Timolol bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ cao tới mức có thể gây nguy cơ cho trẻ. Do thuốc gây phản ứng nghiêm trọng cho trẻ bú mẹ, nên cần phải quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng dùng thuốc, tùy theo tầm quan trọng của thuốc đối với mẹ.
3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Timolol
Liều dùng cho bệnh nhân tăng nhãn áp góc mở:
- Liều thường dùng lúc đầu cho bệnh nhân là 1 giọt Timolol maleate 0,25% vào mắt bị bệnh, ngày dùng 2 lần. Nếu không đủ đáp ứng gây giảm nhãn áp, liều có thể chuyển sang 1 giọt dung dịch 0,5% vào mắt bị bệnh, ngày 2 lần.
- Vì đáp ứng giảm nhãn áp của Timolol đối với một số người có thể cần vài tuần mới ổn định. Vì thế, cần đo nhãn áp sau khoảng 4 tuần dùng Timolol để đánh giá hiệu quả. Nếu nhãn áp giữ được ở mức đáp ứng, nhiều người bệnh có thể chuyển sang ngày dùng 1 lần.
- Khi người bệnh đang dùng một loại thuốc nhỏ mắt loại chẹn beta khác, có thể vì đáp ứng kém mà muốn chuyển sang Timolol, cần ngừng dùng thuốc vào ngày trước đó và đến ngày hôm sau bắt đầu bằng nhỏ 1 giọt Timolol 0,25% vào mắt bị bệnh, ngày 2 lần. Nếu đáp ứng lâm sàng không đạt, có thể tăng liều dùng 1 giọt Timolol loại 0,5%, ngày 2 lần.
Cách nhỏ mắt:
- Rửa tay sạch trước mỗi lần dùng thuốc, nếu có dùng thuốc nhỏ mắt khác cùng thì nên dùng trước 10 phút.
- Lắc kĩ lọ thuốc còn đậy kín trước mỗi lần dùng, không cần lắc quá nhiều lần.
- Khi tháo nắp lọ thuốc, cần tránh để đầu nhỏ thuốc không chạm vào bất cứ thứ gì. Ðể nắp lọ vào chỗ khô sạch, sau đó kéo mí mắt và ngửa đầu rồi nhỏ vào mắt.
- Nếu phải dùng hai mắt thì làm điều tương tự với mắt còn lại.
- Ðậy nắp lại và để ở nhiệt độ trong phòng. Không được rửa đầu lọ bằng nước xà phòng hoặc bất cứ chất giặt tẩy nào khác. Tránh để cho đầu nhỏ thuốc bị nhiễm bẩn hay đụng vào các bề mặt nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì điều này gây ra nhiễm khuẩn mắt khi dùng ở lần sau.
Ngoài việc, điều trị tăng nhãn áp, thuốc Timolol còn có tác dụng trị u máu, bởi nó đem lại hiệu quả và an toàn. Cách sử dụng như sau:
- Vệ sinh sạch vùng có u máu.
- Nhỏ Timolol 0.5% trực tiếp lên vùng bị u máu. U máu kích thước nhỏ thì 1 giọt/ lần. U máu kích thước lớn thì 1 giọt cho vùng diện tích 4-5cm2, nếu lớn thì cần nhiều giọt hơn.
- Không nên dùng tăm bông để thoa thuốc, vì thuốc thấm vào bông không còn liều lượng mong muốn.
- Sử dụng thuốc khoảng 2 lần mỗi ngày.
4. Các tác dụng không mong muốn của thuốc Timolol
Cũng như thuốc khác, thuốc Timolol cũng gây ra các tác dụng phụ bao gồm:
- Phản ứng thường gặp nhất là rối loạn thị giác như nhìn mờ và kích ứng với mắt.
- Những phản ứng ít gặp hơn như mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, nhịp tim chậm, ngất, bệnh nhân bị trầm cảm, buồn nôn, khó thở. Ở mắt có thể thấy viêm kết mạc, viêm giác mạc mắt, rối loạn thị giác.
- Một số phản ứng hiếm gặp: Hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, block nhĩ thất, thiếu máu cục bộ não, hồi hộp đánh trống ngực. Trên da có thể thấy ngoại ban, mày đay, khó thở do co thắt phế quản. Mắt có thể thấy viêm mi mắt, sa mí mắt, song thị, khô mắt.
5. Những lưu ý khi dùng thuốc Timolol
- Để hạn chế tác dụng phụ, người bệnh cần được khai thác kỹ tiền sử bệnh và các loại thuốc đang dùng. Ngoài ra, tránh để đầu lọ thuốc tiếp xúc với mắt hoặc vùng quanh mắt thì bạn cần bảo quản đúng cách để tránh bị nhiễm các loại vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn cho mắt. Theo đó, mắt có thể bị tổn hại nặng hoặc không nhìn được do dùng dung dịch nhỏ mắt bị nhiễm khuẩn.
- Khi gặp các tác dụng phụ hoặc những vấn đề về mắt như: chấn thương mắt, phẫu thuật mắt, nhiễm khuẩn mắt cần hỏi ý kiến của thầy thuốc ngay có nên tiếp tục dùng thuốc hay không?
- Với trẻ em có thể dùng như người lớn, nhưng cần chú ý không nên dùng cho những trẻ sinh non và trẻ sơ sinh.
- Nếu như bạn có tiền sử mẫn cảm với chất bảo quản benzalkonium clorid thì có thể dùng loại đóng từng liều không có chất bảo quản. Tuy nhiên, do thuốc này không giữ được vô khuẩn sau khi mở, nên phần thuốc còn lại phải bỏ ngay sau khi dùng.
- Mặc dù dung dịch nhỏ mắt Timolol dùng đơn độc ít có hoặc gần như không có tác dụng trên đồng tử, nhưng nếu dùng phối hợp với epinephrine đôi khi có thể gây giãn đồng tử.
- Không nên dùng phối hợp với thuốc tra mắt loại chẹn beta khác, vì tác dụng cộng hợp mạnh trên mắt và gây ra toàn thân.
- Tránh phối hợp với thuốc nhóm barbiturat và lưu ý khi sử dụng với verapamil, diltiazem, reserp. Bởi vì có thể xảy ra hạ huyết áp, nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, suy tim.
- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ thường 15 đến dưới 30 độ C. Ðậy nắp kín và tránh ánh sáng mặt trời, tránh tầm tay trẻ em.
Trên đây là những tác dụng và những điều cần biết khi sử dụng thuốc Timolol. Thuốc cần sử dụng dưới sự kê đơn của bác sĩ điều trị, nên bạn không tự ý mua thuốc về dùng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.