Công dụng của thuốc Sintrom

Thuốc Sintrom là một loại thuốc chống đông được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy tác dụng của thuốc Sintrom là gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?

1. Tác dụng của thuốc Sintrom là gì?

Thuốc Sintrom thuộc nhóm thuốc kháng đông, chống kết dính tiểu cầu và tiêu sợi huyết. Thành phần chính của thuốc Sintrom là Acenocoumarol, có bản chất là một chất kháng vitamin K. Vitamin K là một thành phần để tổng hợp nên các yếu tố đông máu quan trọng của cơ thể. Vitamin K dạng khử lại là đồng yếu tố của một Carboxylase được sử dụng để chuyển Acid Glutamic thành Acid Gamma - Carboxyglutamic. Bốn yếu tố đông máu II, VII, IX, X và hai chất ức chế (Protein C và S) có chứa các nhóm Gamma Carboxyglutamate cần thiết gắn lên các bề mặt Phospholipid để xúc tác các tương tác của chúng.

Chính vì vậy Acenocoumarol có tác dụng chống đông máu thông qua việc ức chế sự hình thành các dạng hoạt động của yếu tố đông máu. Cụ thể Acenocoumarol ức chế hình thành các yếu tố đông máu thông qua việc can thiệp vào cơ chế khử của vitamin K tại gan.

Thuốc Sintrom được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh tim gây tắc mạch: Thuốc Sintrom sử dụng để dự phòng biến chứng huyết khối tắc mạch do rung nhĩ, bệnh van hai lá, người sử dụng van nhân tạo.
  • Nhồi máu cơ tim: Sintrom dự phòng biến chứng huyết khối tắc mạch trong nhồi máu cơ tim biến chứng như rối loạn chức năng thất trái nặng, huyết khối trên thành tim, loạn động thất trái gây tắc mạch khi điều trị tiếp thay cho heparin. Thuốc Sintrom được sử dụng để dự phòng tái phát nhồi máu cơ tim khi không dùng được aspirin.
  • Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu, nghẽn mạch phổi và sử dụng để phòng tái phát khi thay thế tiếp cho heparin.
  • Thuốc Sintrom cũng được sử dụng để dự phòng huyết khối tĩnh mạch, nghẽn mạch phổi trong phẫu thuật khớp háng.
  • Dự phòng huyết khối trong ống thông.

Liều dùng thuốc Sintrom mỗi lần uống 1mg đến 10mg theo chỉ định của bác sĩ, mỗi ngày dùng 1 lần. Uống thuốc Sintrom với nước lọc hoặc nước sôi để nguội.

Nên uống thuốc Sintrom vào một giờ nhất định trong ngày. Các liều Sintrom của mỗi người được bác sỹ xác định dựa trên thời gian đông máu thông qua xét nghiệm định kỳ INR. Bệnh nhân cần tuân thủ liều thuốc và thời điểm cần xét nghiệm INR theo yêu cầu của bác sĩ. Tránh sử dụng quá liều có thể gây ra chảy máu hoặc sử dụng liều quá thấp có thể gây huyết khối.


Thuốc Sintrom được chỉ định trong các trường hợp bệnh tim gây tắc mạch
Thuốc Sintrom được chỉ định trong các trường hợp bệnh tim gây tắc mạch

2. Các trường hợp chống chỉ định của thuốc Sintrom

Không sử dụng thuốc Sintrom cho các trường hợp mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc. Chống chỉ định thuốc Sintrom với bệnh nhân bị suy gan nặng, người có nguy cơ chảy máu, người mới can thiệp ngoại khoa về thần kinh và mắt hay khả năng phải mổ lại.

Không dùng thuốc Sintrom cho người bị tai biến mạch máu não (trừ trường hợp nghẽn mạch ở nơi khác). Người bị suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 20ml/phút) cũng không được dùng Sintrom. Người bị giãn tĩnh mạch thực quản, loét dạ dày – tá tràng đang tiến triển. Không sử dụng thuốc Sintrom cho phụ nữ có thai.

3. Tác dụng phụ và tương tác của thuốc Sintrom

Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Sintrom gồm có: Chán ăn, buồn nôn và nôn, ỉa chảy, giảm hematocrit không rõ nguyên nhân, hoại tử da, rối loạn chức năng gan.

Trong khi sử dụng thuốc Sintrom, bạn không nên kết hợp với thuốc aspirin liều cao, các thuốc chống viêm NSAID và các thuốc nằm trong nhóm thuốc: cloramphenicol, phenylbutazone, diflunisal.

Thuốc Sintrom là một loại thuốc chống đông được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Để đảm bảo hiệu quả và tránh các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe