Thuốc Itraconazole là một loại thuốc được sử dụng trong điều trị một số tình trạng nhiễm nấm. Vậy công dụng của thuốc Itraconazole là gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?
1. Công dụng của thuốc Itraconazole
Thuốc Itraconazole có hoạt chất chính là Itraconazole, đây là một chất triazol tổng hợp chống nấm. Thuốc có tác dụng tốt hơn ketoconazole đối với một số loại nấm, đặc biệt đối với Aspergillus spp.
Thuốc Itraconazole được bào chế dưới các dạng thuốc và hàm lượng sau:
- Viên nang 100 mg.
- Dung dịch uống 10 mg/ml (150 ml).
- Dung dịch tiêm truyền 10 mg/ml.
Thuốc Itraconazole được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nấm Candida ở miệng, họng.
- Nấm Candida âm hộ, âm đạo.
- Lang ben.
- Bệnh nấm da nhạy cảm với Itraconazole (như là bệnh nấm do Microsporum spp., Trichophyton spp., Epidermophyton floccosum): Bệnh nấm da chân, da thân, da bẹn, da kẽ tay.
- Bệnh nấm móng chân, móng tay (tinea unguium).
- Bệnh nấm Blastomyces ở phổi và ngoài phổi.
- Bệnh nấm Histoplasma bao gồm cả bệnh mạn tính ở khoang phổi và bệnh nấm Histoplasma rải rác, không ở màng não.
- Bệnh nấm Aspergillus ở phổi và ngoài phổi ở bệnh nhân không dung nạp hoặc kháng với amphotericin B.
- Sử dụng trong điều trị duy trì ở những bệnh nhân AIDS để phòng nhiễm nấm tiềm ẩn tái phát.
- Ðề phòng nhiễm nấm trong giai đoạn giảm bạch cầu trung tính kéo dài, mà các cách điều trị thông thường không hiệu quả.
Mặt khác, thuốc Itraconazole chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Không sử dụng đồng thời cùng với một số thuốc nhóm chống loạn nhịp, các thuốc hạ lipid máu nhóm statin.
- Người bệnh đang điều trị bằng các thuốc terfenadin, cisapride, astemizol, triazolam dạng uống, midazolam dạng uống.
- Phụ nữ mang thai hoặc dự định có thai.
2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Itraconazole
2.1. Cách dùng thuốc Itraconazole
Viên nang và dung dịch uống của thuốc Itraconazole không thể dùng thay lẫn nhau được. Dạng viên nang phải uống ngay sau bữa ăn và phải nuốt.
Dung dịch uống của thuốc Itraconazole được chứng minh chỉ có hiệu quả đối với bệnh nấm Candida ở miệng và thực quản và phải uống thuốc khi đói; khi uống, phải súc mạnh dung dịch thuốc trong miệng vài giây rồi mới nuốt.
2.2. Liều dùng
Liều dùng thuốc Itraconazole cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, liều tham khảo như sau:
2.2.1. Dạng viên nang
Ðiều trị ngắn ngày:
- Nấm Candida âm hộ - âm đạo: Sử dụng liều 200mg uống 2 lần/ngày, chỉ uống trong 1 ngày, hoặc sử dụng liều 200mg uống 1 lần/ngày, trong 3 ngày.
- Lang ben: Sử dụng liều 200mg, uống 1 lần/ngày, trong 7 ngày.
- Bệnh nấm da: Sử dụng liều 100mg uống 1 lần/ngày, trong 15 ngày. Nếu ở vùng sừng hóa cao, cần phải điều trị thêm 15 ngày với liều 100mg mỗi ngày.
- Nấm Candida miệng - hầu: Sử dụng liều 100mg uống 1 lần/ngày, trong 15 ngày. Với bệnh nhân bị AIDS hoặc giảm bạch cầu trung tính: Sử dụng liều 200mg uống 1 lần/ngày, trong 15 ngày.
Ðiều trị dài ngày (nhiễm nấm toàn thân), thời gian điều trị phụ thuộc vào đáp ứng lâm sàng và nấm:
- Bệnh nấm móng: Sử dụng liều 200mg uống 1 lần/ngày, trong 3 tháng.
- Bệnh nấm Aspergillus: Sử dụng liều 200mg uống 1 lần/ngày, trong 2 - 5 tháng. Có thể tăng liều nếu nấm lan tỏa: Sử dụng liều 200mg/lần, uống 2 lần/ngày.
- Bệnh nấm Candida: Sử dụng liều 100 - 200mg uống 1 lần/ngày, trong 3 tuần - 7 tháng. Có thể tăng liều thuốc lên 200mg/lần, ngày 2 lần, nếu bệnh lan tỏa.
- Bệnh nấm Cryptococcus (không viêm màng não): Sử dụng liều 200mg/lần, 1 lần/ngày, trong vòng 2 tháng - 1 năm.
- Viêm màng não do nấm Cryptococcus: Sử dụng liều 200mg/lần, uống 2 lần/ngày. Liều điều trị duy trì là 200mg, 1 lần/ngày.
- Bệnh nấm Histoplasma và Blastomyces: Sử dụng liều 200mg/lần, uống 1-2 lần/ngày, trong vòng 8 tháng.
- Ðiều trị duy trì trong bệnh AIDS: Sử dụng liều 200mg/lần, 1 lần/ngày.
- Dự phòng trong bệnh giảm bạch cầu trung tính: Sử dụng liều 200mg/lần, 1 lần/ngày.
2.2.2. Dạng dung dịch uống
- Bệnh nấm Candida miệng - họng: Sử dụng liều 200mg (20ml), 1 lần/ngày, trong 1 - 2 tuần.
- Bệnh nấm Candida thực quản: Sử dụng liều 100mg (10ml), 1 lần/ngày, thời gian điều trị tối thiểu 3 tuần. Sau khi các triệu chứng đỡ, cần phải tiếp tục điều trị duy trì trong 2 tuần.
3. Tác dụng phụ của thuốc Itraconazole
Dưới đây là một số tác dụng phụ mà người dùng có thể gặp phải trong quá trình sử dụng Itraconazole 100mg:
- Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Itraconazole bao gồm: Chóng mặt, Đau đầu, Buồn nôn, Đau bụng, Táo bón, Rối loạn tiêu hóa.
- Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Itraconazole bao gồm: Ngứa, Ngoại ban, Nổi mề đay, Phù mạch, Hội chứng Stevens – Johnson
- Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Itraconazole bao gồm: Bệnh thần kinh ngoại vi.
- Tác dụng phụ không xác định tần suất của thuốc Itraconazole bao gồm: Khó tiêu, Thở khó, thở nhanh.
4. Tương tác của thuốc Itraconazole với các thuốc khác
- Chống chỉ định phối hợp Itraconazole 100mg với các loại thuốc sau Terfenadin, Astemizole, Cisapride vì có thể làm tăng nồng độ các thuốc này trong huyết tương, dẫn tới loạn nhịp tim gây chết người.
- Diazepam, Midazolam, Triazolam dạng uống được chống chỉ định dùng cùng thuốc Itraconazole.
- Itraconazole 100mg dùng cùng với thuốc warfarin sẽ làm tăng tác dụng chống đông của warfarin
- Cần thận trọng khi dùng chung thuốc Itraconazole với các thuốc chẹn calci vì có thể gây phù, ù tai. Thuốc Itraconazole còn gây ức chế sự chuyển hóa của các thuốc chẹn calci, dẫn tới làm tăng nguy cơ suy tim sung huyết.
- Nếu sử dụng thuốc Itraconazole với các thuốc hạ cholesterol nhóm ức chế HMG - CoA reductase (như là lovastatin, atorvastatin, simvastatin, pravastatin...), có thể làm tăng nồng độ các thuốc này trong máu, dẫn tới tăng nguy cơ viêm cơ hoặc bệnh cơ.
- Khi sử dụng thuốc Itraconazole cùng với digoxin làm tăng nồng độ digoxin trong huyết tương.
- Khi sử dụng Itraconazole 100mg với các thuốc uống điều trị đái tháo đường gây hạ đường huyết nặng.
- Sử dụng Itraconazole 100mg với các thuốc kháng acid, hoặc các thuốc kháng H2 (như là cimetidin, ranitidin) hoặc omeprazole, sucralfate, sẽ làm cho sinh khả dụng của Itraconazole bị giảm đáng kể, gây mất tác dụng điều trị chống nấm.
- Sử dụng thuốc Itraconazole với các thuốc cảm ứng CYP (như là rifampicin, isoniazid, phenobarbital, phenytoin) sẽ làm giảm nồng độ của Itraconazole trong huyết tương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.