Cách dùng thuốc nhỏ mắt xung huyết

Tình trạng mắt bị xung huyết gặp khá phổ biến. Tuy nhiên, đa số người bệnh thường có tâm lý chủ quan và tự ý điều trị theo kinh nghiệm cá nhân, nghe mách bảo từ người khác hoặc dùng thuốc nhỏ mắt khi chưa được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Việc dùng thuốc nhỏ mắt xung huyết không đúng cách có thể khiến tình trạng xung huyết trở nên trầm trọng hơn. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách dùng thuốc nhỏ mắt khi người bệnh bị xung huyết.

1. Xung huyết mắt là bệnh gì?

Trước tiên, chúng ta cần phải biết rằng bao phủ nhãn cầu là một lớp kết mạc vô cùng mòng và trong suốt. Ở phía dưới lớp này chứa rất nhiều sợi thần kinh và mạch máu nhỏ mà rất khó có thể quan sát được bằng mắt thường. Trừ khi bị viêm nhiễm khiến cho mạch máu bị giãn ra thì mới nhìn thấy được.

Với cấu trúc vô cùng thanh mảnh, những mạch máu này rất dễ vỡ khi gặp phải một nguyên nhân nào đó, gây ra tình trạng xuất huyết dưới mắt. Tình trạng này còn được gọi với một cái tên khác là chảy máu mắt hay chảy máu lòng trắng. Tuy nhiên, người bệnh sẽ không bị chảy máu thành dòng hay nhỏ giọt ra ngoài mà chỉ nhuốm đỏ một phần hoặc hoàn toàn vùng lòng trắng của mắt.

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết dưới mắt

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng xung huyết ở mắt. Cụ thể là:

  • Bị chấn thương ở mắt do vô tình va đập hoặc dùng tay dụi mắt mạnh có thể làm cho các mạch máu nhỏ ở kết mạc bị vỡ ra.
  • Tình trạng rối loạn đông máu hoặc có thể người bệnh sử dụng một số thuốc có tác dụng chống đông máu với mục đích điều trị các bệnh tim mạch có thể là gây ra sung huyết mắt.
  • Chấn thương ở đầu và mặt, tuy không tác động trực tiếp đến mắt nhưng cũng có thể làm tắc nghẽn quá trình lưu thông máu đến mắt, dẫn đến xuất huyết dưới kết mạc.
  • Tăng huyết áp tạo áp lực lên thành mạch máu ở mắt.
  • Viêm kết mạc gây ra bởi Enterovirus 70 hay Coxsackie A.
  • Cơ thể bị thiếu vitamin C, vitamin K hoặc yếu tố đông máu VIII.
  • Hệ thống tĩnh mạch ở vùng đầu mặt bị tăng áp lực cũng có thể khiến cho mạch máu ở dưới mắt bị vỡ.
  • Dùng thiết bị cố định mắt bằng áp lực âm sau khi thực hiện phẫu thuật điều chỉnh thị giác bằng Laser.

3. Điều trị xung huyết mắt

Khi gặp phải tình trạng xung huyết mắt, rất nhiều người thắc mắc nên nhỏ thuốc gì? Đa số các trường hợp bị xuất huyết mắt đều lành tính và có thể tự hết mà không cần phải áp dụng phương pháp điều trị gì. Tuy nhiên, khi xảy ra tình trạng xuất huyết kèm với cảm giác khó chịu mức độ nhẹ ở mắt, có thể sử dụng nước mắt nhân tạo. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt trị xung huyết được sử dụng khá rộng rãi. Tuy nhiên, người bệnh cần trang bị những kiến thức cần thiết để sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách nhằm tăng hiệu quả điều trị cũng như đảm bảo an toàn cho mắt.

Cách dùng thuốc nhỏ mắt trị xung huyết:

  • Trước tiên, nên rửa tay sạch sẽ với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và lau khô.
  • Lắc đều lọ thuốc trước khi mở nắp.
  • Mở nắp lọ thuốc nhỏ mắt ra và đặt ở vị trí sạch sẽ.
  • Nên giữ đầu lọ thuốc sạch, không được dùng tay chạm vào đầu lọ thuốc nhằm tránh nhiễm khuẩn.
  • Dùng một tay còn lại kéo nhẹ mi mắt xuống dưới để tạo thành một túi chứa thuốc và nhìn lên phía trên. Tay kia bóp nhẹ thân chai thuốc để thuốc giọt vào mắt. Không để mi mắt chạm vào miệng lọ tránh nhiễm trùng hoặc làm vẩn đục dung dịch do các chất tiết hoặc mầm vi sinh vật.
  • Đậy nắp lọ thuốc sau khi dùng. Để lọ thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa tầm tay trẻ em.
  • Để tránh nhầm lẫn và giảm chất lượng, không đựng thuốc vào chai lọ khác.
  • Không nên chia sẻ lọ thuốc với người khác để tranh lây nhiễm chéo.
  • Hãy lau miệng lọ bằng gạc trước khi dùng, vì một số hoạt chất có thể kết tinh khi đọng lại trên thành miệng lọ thuốc.
  • Trẻ em dùng thuốc dưới sự giám sát của người lớn.
  • Lọ thuốc sau khi mở nắp không dùng quá 15 ngày.

4. Một số lưu ý khi xảy ra tình trạng xung huyết mắt

Nhằm tránh những biến chứng có thể xảy ra khi gặp phải tình trạng xung huyết mắt, người bệnh cần lưu ý một số điểm dưới đây:

  • Không được tự ý chườm nóng hoặc chườm lạnh. Một số trường hợp khi thấy bị bầm hoặc tụ máu ở mắt thường tự ý chườm nhiệt để nhanh tan. Tuy nhiên, nếu đó là tình trạng xuất huyết mắt thì không nên làm vậy, có thể làm cho tình trạng xuất huyết có thể trở nên trầm trọng hơn.
  • Cho mắt được nghỉ ngơi và thư giãn: Việc này có thể giúp cho các mạch máu không vỡ ra nhiều hơn nữa.
  • Tuyệt đối không được dụi mắt: Khi mắt bị xung huyết thường thì sẽ không có kèm theo ngứa trừ khi bị viêm nhiễm. Vì thế, nếu dụi mắt có thể làm cho tình trạng ngày càng nặng hơn và tạo cơ hội cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào mắt.
  • Nên đi khám ngay khi có các biểu hiện bất thường. Mặc dù đây xung huyết ở mắt không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu có kèm theo các dấu hiệu bất thường như đau mắt, nhìn mờ... thì nên đi khám ngay.

Hy vọng qua bài viết này người bệnh khi gặp phải tình trạng xung huyết mắt có thể biết cách dùng thuốc nhỏ mắt đúng cách để giúp cải thiện tình trạng xuất huyết nhanh chóng và tránh nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe