Ung thư máu là bệnh lý ác tính ở hệ huyết học. Với sự phát triển của y học, bệnh nhân ung thư máu ngày càng có cơ hội lành bệnh với các phương pháp điều trị tiên tiến. Vậy bệnh ung thư máu có chữa được không?
1. Ung thư máu là gì?
Ung thư máu (hay còn gọi là bệnh bạch cầu cấp) là bệnh lý ác tính ở hệ huyết học. Do các tế bào ung thư máu đi khắp cơ thể nên bệnh nhân có thể biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau. Ung thư máu gồm ba nhóm chính là bạch cầu cấp, Lymphoma và đa u tủy xương với sự khác nhau về đặc điểm bệnh học, phương pháp điều trị cũng như tiên lượng bệnh.
Ung thư máu là một bệnh lý tiến triển nhanh, nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào ác tính sẽ cản trở quá trình tạo máu bình thường và có thể gây tử vong. Trong khi đó, nếu bệnh nhân được điều trị sớm và chính xác có thể đẩy lùi bệnh.
2. Ung thư máu có chữa được không?
Không phải bệnh nhân nào cũng dễ dàng đối diện với chẩn đoán ung thư máu với băn khoăn liệu “ung thư máu chữa được không?”. Mặc dù là bệnh lý ác tính nguy hiểm, tuy nhiên việc điều trị bệnh ung thư máu thời gian gần đây có những bước tiến vượt bậc với các phương pháp điều trị tiên tiến.
Rất khó để trả lời chính xác rằng ung thư máu có chữa được hay không, bởi tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Loại ung thư máu.
- Đặc điểm bệnh, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
- Giai đoạn bệnh.
- Tuổi tác, tổng trạng chung của bệnh nhân.
- Liệu pháp điều trị và khả năng, mức độ đáp ứng điều trị ở từng bệnh nhân.
- Bài toán kinh tế.
- Ý chí điều trị, tinh thần lạc quan của người bệnh; sự phối hợp, hỗ trợ của người thân, gia đình.
Đa số các trường hợp bạch cầu cấp ở trẻ em có thể chữa được nếu phát hiện kịp thời và có kế hoạch điều trị đúng cách. Trong khi đó cơ hội chữa khỏi bạch cầu cấp ở người lớn chỉ khoảng 40% và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cơ hội lành bệnh của ung thư máu là rất cao, với 75% bệnh nhân u lympho không Hodgkin đáp ứng tốt với điều trị, hay tỷ lệ lành bệnh của u lympho Hodgkin lên đến 80%, tất nhiên là cần được phát hiện sớm và tuân thủ liệu trình điều trị triệt để.
3. Điều trị ung thư máu như thế nào?
Ung thư máu chữa được không phụ thuộc nhiều vào kế hoạch, phương pháp điều trị. Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên ngành Huyết học lâm sàng bằng các phương pháp chính sau đây:
- Hóa trị: Hóa trị là phương pháp điều trị chính bệnh ung thư máu bằng cách sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ác tính. Tùy vào loại ung thư máu mắc phải mà bệnh nhân được chỉ định đơn hóa trị (sử dụng một loại hóa chất) hay đa hóa trị (kết hợp nhiều loại hóa chất).
- Liệu pháp nhắm mục đích: Đây là phương pháp điều trị tập trung vào các bất thường cụ thể ở tế bào ác tính, từ đó tiêu diệt tế bào chúng. Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm kiểm tra để xem liệu pháp nhắm mục đích có phù hợp hay không.
- Xạ trị: Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng tia X hoặc các chùm năng lượng cao khác để tác động vào các tế bào ác tính và ngăn chặn sự phát triển của chúng. Xạ trị có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào máu ác tính, hoặc để giảm đau do gan lớn, lách lớn, sưng hạch, hoặc giảm đau xương do bạch cầu cấp phát triển trong tủy xương. Ngoài ra, xạ trị có thể được sử dụng để chuẩn bị cho việc ghép tủy.
- Ghép tủy: Ghép tủy, còn được gọi là ghép tế bào gốc, là phương pháp thay thế tủy xương bệnh lý bằng các tế bào gốc không bị Leukemia để tái lập các tế bào gốc khỏe mạnh. Trước khi ghép tủy, bệnh nhân được hóa trị hoặc xạ trị liều cao để phá hủy tủy xương bệnh lý gây ung thư máu. Sau đó, bệnh nhân sẽ được truyền các tế bào gốc tạo máu để tái tạo tủy xương. Nguồn tế bào gốc cấy ghép có thể từ người hiến tặng hoặc sử dụng tế bào gốc của bản thân bệnh nhân (ghép tế bào gốc tự thân).
- Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch là phương pháp dựa vào hệ miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại ung thư bằng cách nâng cao khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư của các tế bào miễn dịch. Đặc biệt, một số bệnh bạch cầu cấp còn có thể điều trị với liệu pháp tế bào CAR-T, một liệu pháp chuyên biệt sử dụng tế bào T của bệnh nhân và tái lập trình chúng để trở thành tế bào dạng khảm CAR-T chứa thụ thể kháng nguyên.
- Các thử nghiệm lâm sàng: Bên cạnh các phương pháp điều trị đã được kiểm chứng và công nhận, bệnh nhân có thể tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng để tìm kiếm các cơ hội điều trị ung thư mới. Tuy nhiên, lợi ích và rủi ro của nó không rõ ràng, vì vậy cần thảo luận với bác sĩ điều trị trước khi tham gia vào các thử nghiệm này.
Bên cạnh các phương pháp điều trị chính, các biện pháp hỗ trợ và chăm sóc cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của điều trị. Các phương pháp hỗ trợ có thể kể đến như:
- Chế độ dinh dưỡng và vận động, nghỉ ngơi hợp lý: Bệnh nhân ung thư máu cần nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và phù hợp với thể trạng, ăn chín uống sôi để tránh nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần phân bổ thời gian nghỉ ngơi hợp lý và vận động nhẹ nhàng với các bài tập phù hợp như tập yoga, ngồi thiền,... để thư giãn, giảm bớt mệt mỏi, khó chịu.
- Chống thiếu máu: Bệnh nhân ung thư máu bị thiếu máu nặng có thể được truyền máu hoặc sử dụng thuốc kích thích tạo hồng cầu.
- Chống xuất huyết: Giảm tiểu cầu nặng trong ung thư máu có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị xuất huyết. Trong trường hợp này, chỉ định truyền tiểu cầu khối là cần thiết.
- Chống nhiễm trùng: Cần đảm bảo vệ sinh cho bệnh nhân ung thư máu. Hạn chế nguy cơ nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, đảm bảo các thủ thuật vô trùng,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.