Tuổi nào nên uống thuốc chống đột quỵ?

Đột quỵ là một trong những vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Đặc biệt, đây là vấn đề có nguy cơ tái phát lại rất cao nếu bạn không có biện pháp điều trị thích hợp. Thông thường, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê một số loại thuốc ngừa đột qụy, lúc này người dùng cần nắm được cách sử dụng thuốc để đảm bảo sức khỏe bản thân.

1. Đột quỵ và những di chứng phổ biến hàng đầu

Trước khi tìm hiểu bao nhiêu tuổi thì uống thuốc chống đột quỵ, chúng ta hãy cùng điểm qua một số thông tin cơ bản liên quan đến bệnh lý này.

Đột quỵ còn được biết đến với tên gọi tai biến mạch máu não, là tình trạng xảy ra khi mạch máu não rơi vào tình trạng tắc nghẽn, vỡ. Điều này sẽ khiến cho các tế bào não bộ không được cung cấp lượng oxy cũng như chất dinh dưỡng cần thiết, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay.

Với những người may mắn vượt qua cơn nguy kịch, sau tai biến mạch máu não người bệnh thường phải đối mặt với những di chứng nghiêm trọng, chúng có thể kéo dài suốt cả phần đời còn lại như liệt nửa người, liệt cả người. Do đó, chúng ta không thể chủ quan, bỏ qua việc theo dõi và phòng ngừa đột quỵ để giữ tính mạng an toàn.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh tai biến mạch máu não thường có nguy cơ tái phát rất cao nếu người bệnh không áp dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe và duy trì điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Do đó, để gia tăng hiệu quả điều trị, bệnh nhân và người nhà cần nắm được cách sử dụng cơ bản của các loại thuốc ngừa đột quỵ.

2. Bao nhiêu tuổi thì uống thuốc chống đột quỵ là tốt nhất?

Thực tế, hiện nay chưa có thuốc nào được coi là thuốc chống đột quỵ não, chỉ có một số sản phẩm thuốc ngừa đột quỵ được bác sĩ kê đơn nhằm phòng ngừa tái phát ở những người đã gặp phải vấn đề này trước đó. Ngoài ra, trên thị trường có một số quảng cáo thuốc chống đột quỵ não không được kiểm định, chưa được chứng minh hiệu quả nên các bạn tuyệt đối không nên sử dụng những loại thuốc này.

Như vậy, không có quy định về việc bao nhiêu tuổi sẽ được sử dụng thuốc chống đột quỵ. Bạn chỉ nên sử dụng thuốc theo kê theo đơn của bác sĩ sau khi được thăm khám và kiểm tra kỹ lưỡng. Một số nhóm thuốc ngừa đột quỵ được sử dụng phổ biến hiện nay gồm có:

  • Thuốc chống đông máu: Thuốc được chỉ định với những bệnh nhân có tiền sử tai biến, ghép van tim nhân tạo hoặc bị rối loạn nhịp tim. Sử dụng sản phẩm này sẽ giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh lý do đông máu và thiếu máu cục bộ gây ra, trong đó có đột quỵ bằng cách ngăn cản sự hình thành các khối máu đông.
  • Thuốc giảm hàm lượng cholesterol: Được chỉ định sử dụng cho những bệnh nhân bị mỡ máu cao có tiền sử đột quỵ với 3 loại chính đó là Resins, Fibrates và Statins. Trong đó Statin là nhóm cho hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
  • Nhóm thuốc kháng tiểu cầu: Các loại thuốc thuộc nhóm này cho khả năng phân tách tiểu cầu, ngăn không cho chúng dính lại với nhau. Từ đây sẽ góp phần phòng tránh nguy cơ tạo thành huyết khối gây đột quỵ.
  • Thuốc làm tan các cục máu đông: Hiện tượng tích tụ các mảng xơ vữa kết hợp với tiểu cầu lắng đọng gắn vào các sợi fibrin được cho là nguyên nhân hàng đầu gây hình thành cục máu đông hay huyết khối. Khi di chuyển theo dòng chảy lưu thông của máu, huyết khối sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và gián đoạn lưu thông gây tai biến. Trong một số trường hợp, máu đông có thể tự vỡ một phần, lúc này để làm tan phần còn lại sẽ cần có sự tác động của thuốc.
  • Thuốc hạ huyết áp: Thông thường đột quỵ dễ xuất hiện khi huyết áp của người bệnh tăng cao hơn 140/90 mmHg. Do đó, bệnh nhân luôn phải dự phòng thuốc hạ huyết áp để đề phòng nguy cơ đột quỵ.

3. Nguyên tắc khi dùng thuốc ngừa đột quỵ

Nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc ngừa đột quỵ, bệnh nhân cần lưu ý các nguyên tắc như sau:

  • Uống thuốc đúng lịch, đúng loại và theo liều lượng được kê bởi bác sĩ chuyên khoa.
  • Tuyệt đối không được tự ý đổi loại thuốc, tăng hay giảm liều lượng hoặc ngưng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc tan huyết khối và chống đông máu thường có khả năng gây ra tác dụng phụ, nổi bật là gia tăng nguy cơ xuất huyết. Do đó bệnh nhân đang phải điều trị các bệnh lý về răng miệng hay người có vết thương hở không nên sử dụng thuốc này.
  • Hạn chế vận động mạnh hoặc các môn thể thao làm tăng rủi ro chấn thương, chảy máu đang dùng các loại thuốc chống đông máu.

4. Một số giải pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả

Có thể thấy rằng, các loại thuốc ngừa đột quỵ chỉ được sử dụng cho người đã từng có tiền sử mắc bệnh và cần được chỉ định từ phía bác sĩ.

Với người bình thường, thay vì sử dụng thuốc, bạn có thể giảm nguy cơ đột quỵ não của chính bản thân mình bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: tình trạng béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, ít vận động thể chất, sử dụng các chất kích thích,... Hãy cố gắng xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn phù hợp và giảm cân nặng nếu có thừa cân.

Ngoài ra, bạn cần dành thời gian để kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên do có khá nhiều bệnh lý là yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường,... Trong trường hợp mắc phải những bệnh lý trên, bạn cần phải tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Điều này sẽ góp phần duy trì được sức khỏe ổn định và làm giảm nguy cơ bị bệnh đột quỵ não thay vì lo lắng có nên uống thuốc chống đột quỵ hay không.

Trên đây là một số thông tin giải đáp thắc mắc tuổi nào nên uống thuốc ngừa đột quỵ. Bên cạnh các loại thuốc Tây, hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại thực phẩm chức năng có tác dụng phòng chống đột quỵ với những lời mời quảng cáo là chiết xuất từ tự nhiên. Trước khi bắt đầu sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bạn cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất xứ và hỏi ý kiến từ bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn đối với sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan